Làng văn hoá nơi lưu giữ giá trị truyền thống

20/02/2013 14:55

(Baonghean) - Theo quy luật phát triển và yêu cầu của cách mạng hơn nửa thế kỷ qua, làng người Việt nói chung và các làng xóm ở xứ Nghệ nói riêng có nhiều biến động, làng cũ mở rộng trên nhiều mặt, làng mới được lập thêm nhiều. Ngay ở vùng miền núi, sự biến động cũng đã và đang diễn ra, nhất là vùng phải di dời tái định cư.

(Baonghean) - Theo quy luật phát triển và yêu cầu của cách mạng hơn nửa thế kỷ qua, làng người Việt nói chung và các làng xóm ở xứ Nghệ nói riêng có nhiều biến động, làng cũ mở rộng trên nhiều mặt, làng mới được lập thêm nhiều. Ngay ở vùng miền núi, sự biến động cũng đã và đang diễn ra, nhất là vùng phải di dời tái định cư.

Điều dễ thấy với làng người Việt ở đồng bằng là đang dần vắng bóng luỹ tre làng, cùng với đó là cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, nhà cổ…cho đến các vật dụng hàng ngày quen thuộc. Thay vào đó là những bờ tường xây, là những ngôi nhà kiểu mới, đường làng ngõ xóm được mở rộng, nắn thẳng, nhiều vật dụng mới sử dụng điện… phục vụ tốt hơn cuộc sống con người. Nhà văn hoá thôn xóm (nhiều nơi gọi là hội quán) thay cho chức năng đình làng nhưng thay được đến mức nào cũng đặt ra nhiều suy nghĩ. Nhưng bức tường rào của mỗi gia đình không thể thay thế cho luỹ tre làng xưa kia cả về cảnh quan và tác dụng trong cuộc sống, nhất là tác dụng chống bão gió và chống nóng mùa hè. Cả làng cũ và mới đều có xu hướng đô thị hoá, nhưng làng mới tốc độ đô thị hoá mạnh hơn.

Trước bối cảnh và xu hướng đó, vai trò của các làng văn hoá trong việc bảo tồn tôn tạo các giá trị truyền thống luôn được chú trọng. Trong vấn đề này, các làng văn hoá của mỗi địa phương đều có sự lựa chọn và có cách làm thiết thực phù hợp khả năng và điều kiện của mình. Nhiều huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương… tập trung vào việc xây dựng lại cổng làng

. Đến nay nhiều huyện đạt trên 50% số làng xây được cổng làng mới, như Đô Lương có 100% làng văn hoá có cổng làng. Vấn đề xây cổng làng văn hoá thực sự trở thành một xu hướng phục hồi vốn cổ, cũng có nhiều điều cần bàn nhưng không thể phủ nhận tác dụng gợi lại hình bóng cổng làng xưa, khơi gợi niềm tự hào cho mỗi người dân về làng mình. Xu hướng phổ biến là phục hồi lễ hội dòng họ, cùng với đó là phục hồi nhà thờ, nghĩa trang, các nghi lễ thờ cúng gia tiên.

Xu hướng thứ ba là phục hồi quy ước, hương ước của xóm làng và từng dòng họ, xem đây là tiêu chí bắt buộc khi xét công nhận làng văn hoá. Xu hướng thứ tư là phục hồi các phong tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội làng…Tuy nhiên ở xu hướng này thời gian qua, các ban ngành liên quan đã nỗ lực trong cuộc vận động thực hiện việc cưới việc tang theo nếp sống văn hoá nhưng xem ra còn nhiều điều nan giải. Cùng với các xu hướng trên, việc phục hồi và bảo tồn tôn tạo các di tích- danh thắng của địa phương cũng được coi là một trong các tiêu chí xét công nhận làng văn hoá.

Đáng chú ý là lâu nay có một xu hướng trong việc đặt tên làng, thôn xóm mới thường đặt theo con số (như xóm 1, 2,3…) nhưng nhiều nơi vẫn muốn giữ lại tên làng xưa mang dấu ấn kỷ niệm về một di tích- danh thắng (chẳng hạn như xóm Chùa, xóm Giếng, xóm Cây Thị, Cây Gạo…) hay tên chữ như xóm Phú Nghĩa, Phúc Lộc, Phú Mỹ… mà cha ông đặt ra. Chúng tôi hoàn toàn tán đồng với quan điểm nên giữ lại tên làng xưa bên cạnh con số bởi tên gọi ấy chính là một phần của làng văn hoá, đó cũng chính là lưu giữ giá trị truyền thống.


Mai Hồ Minh