Đặt tên cho trẻ vùng cao

12/08/2013 18:32

Cùng với nguồn vui thì một đứa trẻ ra đời cũng mang đến những nỗi lo toan. Ngay từ khi đang trong thai kỳ, bà mẹ đã được coi sóc với chế độ ăn uống riêng. Ngày trở dạ, mẹ chồng hoặc chính người chồng phải băng rừng đi tìm lá thuốc làm nước tắm, những thứ rau rừng có lợi cho sức khỏe thai phụ về nấu canh.

(Baonghean) - Cùng với nguồn vui thì một đứa trẻ ra đời cũng mang đến những nỗi lo toan. Ngay từ khi đang trong thai kỳ, bà mẹ đã được coi sóc với chế độ ăn uống riêng. Ngày trở dạ, mẹ chồng hoặc chính người chồng phải băng rừng đi tìm lá thuốc làm nước tắm, những thứ rau rừng có lợi cho sức khỏe thai phụ về nấu canh.

Cụ bà Vi Thị May, trú bản Cảnh Thín (Yên Hòa - Tương Dương) sống lâu hiếm người trong bản sánh bằng, kể rằng, ngày xưa một đứa trẻ ra đời phải đối mặt với nhiều thứ tai ách. Ngoài bệnh tật còn có đủ thứ ma quỷ. Đáng sợ nhất là những vong hồn chết yểu thường đêm về rủ rê đi "tòng quân". Khi linh hồn bị rủ đi thân thể sẽ ốm yếu sốt cao, thế nên khi đứa trẻ sinh ra, nhất thiết ở dưới gầm sàn gần chỗ nằm của bè phải có hình người rơm cầm nỏ trừ ma để bảo vệ bé khỏi những thứ ma quỷ xấu xa.


Lễ đặt tên của bé Bảo Tiên - bản Tờ - xã Yên Khê (Con Cuông).

Ngày nay, không còn mấy ai tin vào ma quỷ nữa. Người miền núi cũng đã biết tìm đến cơ sở y tế để sinh nở, khi trẻ ốm đau đã biết đưa đi bác sỹ khám chữa. Cúng lễ chỉ còn mang ý nghĩa tinh thần đối với đứa trẻ mà thôi.

Bà cụ May kể tiếp, lễ đặt tên thường được tổ chức sau khi bé sinh ít nhất 10 ngày. Ngày làm lễ cũng được chọn kỹ, không trùng với ngày sinh, ngày mất của những người trong gia đình. Gọi ngày đặt tên là "oóc khọ" hay "oóc phi" là bởi kể từ ngày lễ, đứa trẻ và bà mẹ được ra khỏi căn bếp nơi vẫn dành cho bà mẹ và đứa trẻ sơ sinh nằm ngủ.

Vào ngày đặt tên, đứa trẻ mới thực sự là một thành viên của gia đình, được tổ tiên và thần linh chấp nhận, được tổ tiên bảo vệ khỏi những tai ách có thể gặp phải trong cuộc đời. Chính vì thế nghi lễ cúng bái rất được coi trọng. Nhà có điều kiện thì mổ lợn cúng tế, còn gia đình khó khăn chỉ cần 2 con gà để bày 2 mâm cúng. Mâm ở gian ngoài cúng tổ tiên, mâm còn lại bày ở gian trong làm lễ gọi vía cho 2 mẹ con. Đây cũng là lần đầu tiên đứa trẻ được ăn miếng cơm đầu tiên, có thể chỉ là tượng trưng thôi. Bà mẹ cầm miếng xôi kèm với thịt gà quệt vào khóe miệng của bé. Sau đó, cháu bé cũng được buộc sợi chỉ cổ tay đầu tiên của mình để giữ hồn vía không bao giờ lìa xa thân thể.

Việc chọn tên cho trẻ cũng rất được chú trọng. Việc này, thường được giao cho ông nội của đứa bé và mọi người tham gia ngày lễ đều phải đến nghe. Tuy nhiên, đối với một số cộng đồng thì việc chọn người đặt tên cũng có sự khác biệt. Theo ghi nhận của chúng tôi tại lễ đặt tên của cháu Lương Thị Bảo Tiên (bản Tờ - Yên Khê - Con Cuông) thì việc chọn tên thuộc về họ ngoại của bé. Đây là quy định của tập tục dòng họ, thể hiện sự trân trọng của gia đình dành cho những bậc sinh thành và họ hàng của người phụ nữ khi đi làm dâu.

Việc chọn tên thể hiện niềm mơ ước về một tương lai tốt đẹp của đứa trẻ. Những mong muốn thường là con trai sẽ được khỏe mạnh, sớm biết lên rừng săn thú, đốn gỗ, về sau được giàu sang, đi ra ngoài được nể trọng. Con gái thì xinh đẹp, nết na, giỏi việc canh cửi, thêu thùa... Con trai được đặt tên Bun, Khun về sau sẽ gặp nhiều may mắn, tên là Xanh sẽ khỏe mạnh như con tê giác. Đôi khi những con vật như gấu, chuột... cũng được đặt tên cho con cái. Ví dụ, khi lên miền núi gặp một anh con trai tên là Mươi, cái tên này thể hiện niềm mong ước trong tương lai anh ta sẽ khỏe mạnh, dũng mãnh như những chú gấu trong rừng.

Tuy nhiên, tên những ác thú như hổ báo, chó sói... không bao giờ được đặt tên cho người vì chúng là nỗi khiếp sợ của người miền núi. Nếu lên vùng cao, bạn đọc gặp một người trai hoặc gái tên Báo, đơn giản chỉ là vì người này sinh vào ngày được cho là sẽ mạnh hơn cha hoặc mẹ trong nhà. Những người sinh vào ngày khắc kỵ với cha mẹ, đôi khi còn được đi cho làm con nuôi, tất nhiên chỉ là trên danh nghĩa thôi. Đứa trẻ vẫn ở nhà cha mẹ và ngày tết phải đi tết cha mẹ nuôi bằng một cặp bánh chưng.

Những ai được cho làm con nuôi, ngoài tên thật còn có tên đệm là May, có nghĩa là con nuôi. Người nhận "nuôi" sẻ gọi đứa trẻ là May. Cũng có những trường hợp tên May hay Mày thành tên gọi chính. Tên gọi này thường thấy nhiều ở cộng đồng người Thái nhóm Tay Mương ở Yên Khê - Con Cuông, Yên Na, Yên Hòa... huyện Tương Dương.

Tên gọi truyền thống của người Thái hiện đang dần trở nên xa lạ đối với những thế hệ sau này, nhất là những cháu bé sinh từ những năm 2000 trở đi. Do ảnh hưởng của truyền hình và gần đây là internet, những bậc cha mẹ vùng cao thường chọn cho con cái những cái tên mỹ miều, thậm chí là tên ca sỹ, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Có thể khẳng định, tuyệt đại đa số những cháu nhỏ người Thái vùng cao các huyện Tương Dương, Con Cuông khoảng dưới 10 tuổi đều mang những cái tên như Minh Huyền, Anh Thơ, Bảo Anh, Bảo Tiên, Nhật Minh, Mạnh Quân, Minh Quân... Còn rất ít những cái tên như Bun Khun, Xanh, May, Thoong... như trước đây nữa?!

Kéo theo việc đặt tên theo kiểu người Kinh, người Tàu cho con, hiện này trào lưu cho trẻ nói tiếng Kinh từ khi rời bụng mẹ đang rất phổ biến tại những cộng đồng vùng cao. Những bậc cha mẹ cho rằng cho trẻ nói tiếng Kinh sớm sẽ giúp trẻ không bỡ ngỡ khi vào mẫu giáo và sẽ tiếp thu tốt hơn. Tiếng mẹ đẻ sẽ tự ngấm vào trẻ trong khi giao tiếp với cộng đồng làng bản. Điều đáng nói là vốn tiếng Kinh của không ít các bậc ông bà cha mẹ vùng cao rất hạn chế, nên nhiều khi dạy cho con cháu những câu lơ lớ, ngô nghê... Chắc chắn, điều này không hề tốt cho con trẻ!


Bài, ảnh: Bun My