Mối lo từ các kho tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

09/08/2013 15:04

Từ những năm 60 của thập kỷ trước, hàng nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật đã được chuyển về các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đã nhiều năm nay, các kho thuốc trên không còn được sử dụng nữa, nhưng tác động của các loại hóa chất tồn dư từ các kho thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe và sản xuất của người dân.

(Baonghean) - Từ những năm 60 của thập kỷ trước, hàng nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật đã được chuyển về các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đã nhiều năm nay, các kho thuốc trên không còn được sử dụng nữa, nhưng tác động của các loại hóa chất tồn dư từ các kho thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe và sản xuất của người dân.

Từ ngã ba Yên Lý, ngược đường 48 theo chân xóm phó Hồ Văn Truyền vào khu vực Hòn Trơ, thuộc xóm 15, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, nơi có một kho thuốc trừ sâu chưa được xử lý xong. Dù là trời nắng, đường khô ráo nhưng cũng phải trầy trật mãi chúng tôi mới vượt qua được quãng đường chừng 3km để vào điểm có kho thuốc. Hỏi ông Truyền: “Diễn Yên là một trong những xã thực hiện tốt về xây dựng nông thôn mới, sao đường về thôn lại xấu thế này?”. Ông cười buồn: “Từ ngày có kho thuốc, nhất là sau khi kho thuốc được xây dựng lại để cất giữ số thuốc tồn, khu này có mấy ai sống đâu cô. Chẳng có người ở thì đầu tư làm gì cho tốn kém”.

Vừa đến nơi đã ngửi thấy mùi hắc nồng bốc lên khó chịu. Chỉ cho tôi dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, ông Truyền nói: “Đấy là nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật cũ đó cô ạ”. Nhìn sang hai bên, rải rác chỉ có vài ngôi nhà sinh sống. Cảnh hoang vắng cộng với mùi ngai ngái bốc lên khiến cho cả khu vực rộng lớn gần 7ha trở nên lạnh lẽo. Nhanh chóng chụp vài kiểu ảnh, tôi theo ông Châu vào sâu trong xóm.

Nơi đầu tiên ông xóm phó dẫn tôi đến là một ngôi nhà sơ sài. Vào trong, đập vào mắt đầu tiên là hình ảnh một cụ bà hơn 70 tuổi gầy gò nằm co quắp. Thấy khách vào, bà Nguyễn Thị Lý khó nhọc gượng dậy thì thào: “Chân bị tai biến không đi được. Họng bị chẩn đoán là ung thư. Chắc không sống được bao lâu nữa….”. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Phong cũng bị chết vì căn bệnh ung thư phổi khi mới ngoài 50. Bà Lý không hiểu vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, điều không may mắn lại liên tục ập xuống gia đình bà, nhưng một điều bà chắc chắn là hơn bốn mươi năm nay gia đình bà đã sinh sống trên vùng đất đã bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.



Xử lý kho thuốc trừ sâu tại Hòn Trơ thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu

Kho thuốc bảo vệ thực vật ở xã Diễn Yên có từ khoảng những năm 70 của thế kỷ trước. Với 8 dãy nhà chứa thuốc, đây có thể xem là một trong những kho lớn nhất của đường 48 và cung ứng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cho hầu hết các huyện thuộc miền núi phía Tây Nghệ An. Kho sử dụng được khoảng hơn 20 năm, đến khoảng đầu những năm 90 thì ngừng nhưng hóa chất trong kho thì vẫn còn. Sau đó, do nhà kho quá cũ nên người ta đã đập đi để xây kho mới. Việc xây dựng kéo dài trong nhiều tháng, thời gian đó vì không có kho nên toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu và các loại hóa chất như Lindan, Aldrin, DDT, 666 để lộ thiên ngoài trời. Trời mưa, thuốc cứ theo nước mưa thấm ngược vào đất đai rồi theo sườn núi chạy xuống vùng đất quanh khu vực. Bà con ngày ấy có biết nhưng do nhận thức về các loại hóa chất còn mơ hồ nên chẳng mấy người có ý thức bảo vệ, vẫn uống nước, trồng cây trên vùng đất bị ô nhiễm bình thường. Đến khi trong vùng liên tiếp có hàng chục người bị chết vì ung thư, trẻ con sinh ra nhiều đứa bị tàn tật dị dạng, bà con mới bắt đầu ý thức được mức độ nguy hiểm. Cho tôi xem một cuốn sổ, ghi lại danh sách những người đã chết vì ung thư, ông Hồ Văn Truyền nhẩm đếm: có khoảng hơn ba mươi người như: ông Hồ Nhân, ung thư vòm họng; ông Hoàng Văn Duyên, ung thư gan; ông Nguyễn Văn Khoa, ung thư dạ dày…, có 6 gia đình sinh con bị dị tật. Ngay như gia đình ông, có 6 anh em nhưng cũng đã tới ba người chết vì ung thư, chưa người nào vượt qua tuổi 60, gần đây nhất là chị gái Hồ Thị Lân, chết cuối năm 2012 khi mới 53 tuổi.

Do tác dụng nghiêm trọng của kho thuốc trừ sâu ở xã Diễn Yên, cuối tháng 5 năm 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Tổng cục Môi trường đã vào khu vực Hòn Trơ khảo sát và tiến hành xử lý kho thuốc. Nhờ đó, hơn 3.000 mét khối đất trong vùng ảnh hưởng được bốc đi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Châu – Phó Chủ tịch xã Diễn Yên thì: Việc xử lý chưa triệt để vì số đất múc đi chỉ chiếm 50% vùng đất bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể, đất thì đào lên rồi nhưng hai tháng nay vẫn đang còn lưu lại trong kho, chưa được chuyển đi, thế nên càng bốc mùi hôi nồng nặc. Mới rồi, kẻ trộm còn lợi dụng sơ hở dỡ đi hai cánh cửa kho khiến bà con rất lo lắng.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 913 điểm tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 277 điểm được điều tra rà soát và phân tích mức độ ô nhiễm. Kết quả cho thấy có 265 điểm (chiếm 96%) vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó có 189 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để trong giai đoạn 2010 - 2015, 79 điểm gây ô nhiễm môi trường phải xử lý triệt để giai đoạn 2016 – 2025. Trong danh mục 100 khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 thì trên địa bàn tỉnh ta có tới 55 điểm, chiếm 55% số điểm trên cả nước. Nhiều điểm mức vượt mức cho phép cao gấp hàng nghìn lần như điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ở xóm 3, xã Quang Trung, huyện Hưng Nguyên có hàm lượng hóa chất BVTV trong các mẫu đất cao gấp 8 lần quy chuẩn; điểm tồn lưu tại xóm Hòa Đồng, Thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương hàm lượng vượt từ 1,4 đến 13.824,7 lần; điểm tại xóm 13, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cao hơn 890 lần.



Bà Lý bị ung thư, liệt nửa người, đang được con gái chăm sóc.

Về tiến độ, đến nay đã có 3/55 điểm được xử lý theo Chương trình mục tiêu quốc gia và 12/179 điểm theo Quyết định 1946/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch của ngành tài nguyên môi trường từ nay đến hết năm 2014 sẽ có ít nhất 52 (đã có 12 dự án triển khai và chuẩn bị triển khai) điểm ô nhiễm được lập xong dự án và sau đó sẽ đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn và xin nguồn đối ứng từ Trung ương. Tuy nhiên, việc xử lý đến nay vẫn còn rất khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí bởi theo quy định, mỗi một điểm ngân sách Trung ương chỉ cấp 50%, còn lại là vốn đối ứng từ tỉnh. Nếu theo dự kiến thì từ nay đến năm 2015, công việc này cần ít nhất từ 700 – 1000 tỷ đồng. Con số đó, với một tỉnh nghèo như Nghệ An là quá lớn. Bên cạnh đó, công việc di dời là bài toán vô cùng nan giải, bởi hiện có 423 nhà dân và 43 trụ sở nằm trên khu vực bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Hồ Sỹ Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Nghệ An thì vấn đề công nghệ xử lý cũng đang rất bế tắc. Mỗi điểm tồn dư có một loại hóa chất khác nhau, mỗi vùng lại có một điều kiện thổ nhưỡng riêng thế nên không thể áp dụng một cách xử lý chung. Ngay như trên thế giới cũng không có một quy trình xử lý nào cụ thể. Vì thế, để xử lý triệt để rất khó. Như kho thuốc BVTV ở Hòn Trơ (xã Diễn Yên), đất bị ô nhiễm đã lấy lên rồi nhưng chuyển đi đâu, xử lý tiếp theo như thế nào thì vẫn còn lúng túng. Hay như điểm ô nhiễm ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn), mặc dù đã đưa vào xử lý từ năm 2009, nhưng việc giải quyết vẫn còn ”nửa vời” theo kiểu khoanh vùng nguy hiểm. Điểm nóng nhất là ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, từ 5 năm trở lại đây có hàng chục đoàn kiểm tra về khảo sát nhưng cho đến nay vẫn chưa thể xử lý. Việc sau khi công bố mức độ ô nhiễm, nhưng thực hiện xử lý quá chậm hoặc chưa có động thái xử lý như thế nào, ít nhiều gây bức xúc và mệt mỏi cho người dân.

Được xem là một loại “chất độc”, hóa chất bảo vệ thực vật đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước, gây độc cho người và các loại động vật, làm mất cân bằng tự nhiên, suy giảm đa dạng của sinh động vật, xuất hiện nhiều loại dịch hại, tạo tính chống thuốc của dịch… Trước mối nguy hại này, trong quá trình khắc phục cần xử lý triệt để, ưu tiên những điểm lộ thiên, mức độ ô nhiễm nặng.

Đồng thời, cần tăng cường việc tuyên truyền cảnh báo cho người dân, nên hạn chế việc trồng trọt sản xuất trên những vùng đất đã xác định đang còn thuốc tồn dư bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cần có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế ô nhiễm do sử dụng thuốc BVTV như: có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các chương trình sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào công tác phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật. Hoàn thiện khung pháp lý quản lý thuốc BVTV và xây dựng khung pháp lý để quản lý thuốc BVTV tồn lưu; tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến những tác hại do ô nhiễm thuốc BVTV gây ra trong sản xuất để góp phần giảm ô nhiễm môi trường.


Bài, ảnh: Mỹ Hà