Những chiếc đèn lồng đỏ

12/08/2013 18:31

(Baonghean) - Vài năm gần đây, nhiều địa phương trên khắp cả nước đã nở rộ phong trào treo đèn lồng đỏ. “Phú quý sinh...

(Baonghean) - Vài năm gần đây, nhiều địa phương trên khắp cả nước đã nở rộ phong trào treo đèn lồng đỏ. “Phú quý sinh lễ nghĩa” là điều không phải bàn. Tuy nhiên, việc treo đèn lồng đỏ ở nước ta hiện nay không hề có tính văn hoá truyền thống dân tộc mà thể hiện tính bắt chước mù quáng, nghiêm trọng hơn là gây ra sự lãng phí không cần thiết của hầu hết người Việt Nam chúng ta.

Việc treo đèn lồng không phải là một nét đặc trưng văn hoá của người Việt, nó có xuất xứ từ Trung Quốc. Ở Việt Nam ta, cũng có nhiều vùng có truyền thống treo đèn lồng nhưng đó là những Hoa kiều sinh sống tại địa bàn Hội An, xứ Quảng. Đèn lồng đỏ với thế mạnh là thể hiện sự sang trọng, quý phái lại mang tính cổ kính, thiêng liêng nên dần dà đã được người Việt sử dụng ngày càng rộng rãi. Hơn nữa, giá thành của nó lại không quá cao nên hầu như gia đình nào cũng có thể có được để tăng thêm không khí ngày lễ, tết. Việc này dần dần gây nên “hiệu ứng đám đông”, tạo thành làn sóng trang trí đèn lồng đỏ ồ ạt.



Treo đèn lồng tại buổi lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia
tại Nghi Hợp, Nghi Lộc.

Không thể phủ nhận sự tiếp thu, tiếp biến văn hoá ngoại lai, nhưng việc treo đèn lồng tại nước ta hiện nay đã trở thành tuỳ tiện, không có định hướng văn hoá rõ ràng. Cảnh treo đèn lồng khắp nơi từ thành phố cho tới nông thôn, từ ngày lễ thường cho đến ngày lễ lớn. Và rồi không chỉ treo trong nhà mà còn treo cả trước sân, ngoài ngõ. Ngay cả một số trục đường lớn tại thành phố còn giăng chẳng chịt lên dây điện bên đường cản trở tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Thậm chí, ở một một số di tích lịch sử vốn thanh tịnh u tịch cũng được trang hoàng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với kích cỡ to lớn lấn át những đồ tế khí, tế tự khác. Việc làm này gây nhiễu loạn phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, bất chấp điều kiện về kinh tế, làm xấu không gian vốn có. Việc treo đèn lồng xuất phát từ Trung Quốc nhưng người Trung Quốc cũng không trang trí tràn lan, tuỳ tiện như tại Việt Nam mà họ chỉ trang trí tại những khu phố cổ hay những trung tâm thương mại khác.

Việc treo đèn lồng tuỳ tiện không chỉ ảnh hưởng xấu trong phạm vi ngành Văn hoá và nền văn hoá truyền thống. Cách đây không lâu, UBND phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) vừa ra thông báo đề nghị không treo đèn lồng nhập ngoại có in các dòng chữ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trên các đèn lồng này đều có ngôn ngữ mang nội dung tuyên truyền trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Rất may, sau khi phát hiện ra ý nghĩa ngôn ngữ của những chiếc đèn lồng này, toàn thể người dân đã cắt hình sao vàng dán nhằm xoá bỏ những dòng chữ đó. Qua đây cũng đủ cho chúng ta thấy được sự học đòi văn hoá một cách mù quáng nhiều khi là tiếp tay cho sự huỷ hoại chính trị và văn hoá dân tộc.

Mới đây nhất tại một xã của huyện Nghi Lộc xuất hiện rất nhiều dãy đèn lồng đỏ khắp tất cả các con đường bờ giậu, thậm chí còn treo trên các cành cây ngay trong khuôn viên di tích lịch sử.

Hỏi ra mới biết việc treo đèn lồng này để chuẩn bị cho buổi lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia tại xã. Không hiểu việc làm này có tăng thêm vẻ trang trọng cho buổi lễ hay không? Và cũng không hiểu việc chăng đèn lồng tại một không gian văn hoá thuần nông này có ý nghĩa như thế nào nhưng rõ ràng đây đã thành một thứ học đòi không có chọn lọc, một thứ lai căng văn hóa không thể chấp nhận được. Hơn nữa, việc treo đèn lồng như thế còn gây ra sự lãng phí rất lớn. Một chiếc đèn lồng không đáng bao nhiêu tiền, nhưng với tất cả số đèn lồng của từng nhà, từng xóm… đó gộp lại thì chúng ta sẽ thấy con số đó nhiều như thế nào?!

Dân tộc Việt Nam tự hào có hơn bốn ngàn năm lịch sử với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Văn hoá dân tộc ta tuy chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hoá bên ngoài nhưng không vì thế mà không có những nét văn hoá độc đáo riêng biệt và đậm đà bản sắc. Chính vì vậy chúng ta phải biết tiếp thu chọn lọc văn hoá bên ngoài trên nền tảng văn hoá dân tộc để không mang tiếng là một đất nước lệ thuộc về văn hoá và không có lòng tự hào, tự tôn dân tộc.


Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)