Nam Sơn sống được” nhờ rừng

19/08/2013 18:34

Với tổng diện tích 5.847 ha rừng tự nhiên, những nguồn lợi từ rừng đang trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế ở xã vùng sâu Nam Sơn (Quỳ Hợp). Như cách nói của Chủ tịch xã Lương Văn Long thì sau những nỗ lực, bà con Nam Sơn đang “sống được” nhờ rừng...

(Baoghean) - Với tổng diện tích 5.847 ha rừng tự nhiên, những nguồn lợi từ rừng đang trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế ở xã vùng sâu Nam Sơn (Quỳ Hợp). Như cách nói của Chủ tịch xã Lương Văn Long thì sau những nỗ lực, bà con Nam Sơn đang “sống được” nhờ rừng...

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng khoanh nuôi trải dài ngút mắt, anh Long cho hay, để có được những gì như hôm nay là cả một quá trình không đơn giản. Được ví như “kho gỗ” trên địa bàn Tây Nam Quỳ Hợp, một thời Nam Sơn điêu đứng với nạn phá rừng, năm 1995 tình trạng phát rừng làm rẫy mới thưa dần và đến năm 2000 mới hoàn toàn chấm dứt. Từ đó đến nay, rừng Nam Sơn mới trở lại màu xanh.



Đường về Nam Sơn (Quỳ Hợp).

Ngoài những cái lợi khác, các cánh rừng xanh những nứa ấy bắt đầu cho những mùa măng. Vào cữ từ tháng 4 đến tháng 8 (âm lịch), tranh thủ nông nhàn, bà con lại vào rừng hái măng. Măng được hái rồi luộc chín, phơi khô để trở thành một sản phẩm hàng hóa. Ước tính mỗi năm, nguồn thu từ măng nứa mang về cho Nam Sơn khoảng 2 tỷ đồng, đạt mức bình quân 5 triệu đồng mỗi hộ. Hộ có thu nhập từ hái măng trên 20 triệu đồng mỗi vụ không còn là chuyện hiếm.

Cùng với măng nứa, rừng Nam Sơn cũng đã giúp người dân có thêm nguồn thu từ mật o­ng rừng, cây dược liệu. Một số loại quả, lá cây, dây leo... có công dụng chữa bệnh đã được bà con tìm về để bán theo đặt hàng của thương lái. Tìm hiểu được biết, mùa này nếu vào rừng tìm măng, tìm cây dược liệu mỗi người có thể thu nhập không dưới 100.000 đồng mỗi ngày.

Những diện tích rừng nghèo kiệt cũng đã được bà con dần phủ kín bằng cây keo lai. Cây keo lai bén duyên với đất Nam Sơn gần 10 năm nay. Những hộ dân tiên phong đưa keo lai về trồng ở Nam Sơn có thể kể đến là ông Vi Văn Thủy (bản Tăng), Mạc Văn Long (bản Cha Hang), Lương Văn Thọ (bản Quảng)... Đợt thu hoạch keo đầu tiên của những hộ như ông Vi Văn Thủy cho lãi ròng trên 100 triệu đồng. Theo Chủ tịch Lương Văn Long, tính riêng 3 năm qua, có trên 100 ha keo lai đã được trồng, ước tính năm nay toàn xã đã trồng được trên 20 ha.

Bao đời nay, Nam Sơn đều sống dựa vào rừng, nhưng điều khác biệt là tư duy người dân đã thay đổi. Từ chỗ khai thác vô tội vạ, bà con đã và đang đồng thuận bền bỉ “nói không” với nạn phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ lậu và đốn củi đốt than. Mọi người cùng chung tay thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng!


Cao Duy Thái