Tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm

18/04/2013 09:57

(Baonghean) - Trong những năm qua, ngành Giao thông Nghệ An triển khai rất nhiều dự án, nhằm mục tiêu cải thiện hạ tầng giao thông, như Dự án đường Tây Nghệ An, Châu Thôn - Tân Xuân, đường N5, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 8B; riêng trong 8 công trình trọng điểm của tỉnh, ngành giao thông đã có 4 dự án: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Diễn Châu - Quán Hành, Quốc lộ 1- Thị xã Thái Hòa, Đại lộ Vinh - Cửa Lò và xây dựng Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Các công trình, dự án của ngành triển khai trong điều kiện Nghị quyết 11 ra đời thắt chặt đầu tư công nguồn vốn từ ngân sách bị cắt giảm, nên ngành đã có những chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với những dự án không trọng điểm, Sở GTVT đã chỉ đạo giảm tiến độ, có vốn đến đâu bố trí đến đó. Khi có nguồn vốn thì chỉ đạo thi công dứt điểm từng đoạn; không thi công dàn trải mà tập trung các trọng điểm, các nút giao thông… Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thi công xây dựng các phương án bảo đảm giao thông cho mọi loại phương tiện trong thời gian giản tiến độ thi công, nhất là trong mùa mưa lũ.



Thi công dầm cầu vượt đường sắt tuyến Quốc lộ 1 đoạn Nghi Lộc - Diễn Châu.

Đối với các dự án trọng điểm tùy tình hình, điều kiện cụ thể của dự án mà ngành đưa ra phương án giải quyết nguồn vốn khác nhau, như dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Diễn Châu - Quán Hành dài 23,4 km, chia làm 4 gói thầu với tổng mức đầu tư 1.217 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm không chỉ của tỉnh mà thuộc cấp quốc gia nhằm tháo gỡ ách tắc trên tuyến Quốc lộ 1 khi có quá nhiều phương tiện tham gia giao thông dẫn đến tình trạng quá tải.

Khởi công ngày 19/9/2010, lúc đó, vốn xây lắp của công trình chỉ mới bố trí được 50 tỷ đồng. Để bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu có năng lực tài chính thi công kết hợp với việc tranh thủ các bộ ngành, Chính phủ để có được nguồn vốn sớm nhất. Năm 2011, nguồn vốn bố trí cho dự án là 90 tỷ đồng, 2012 là 190/110 tỷ đồng dự kiến (ngoài vốn đền bù giải phóng mặt bằng). Đến hết năm 2012, nguồn vốn bố trí chỉ mới hơn 1/4 tổng mức đầu tư nhưng giá trị xây lắp của các công trình thấp nhất đạt 31%, cao nhất 80%: cầu Cấm hoàn thành 80% công việc, cầu vượt đường sắt 63%...

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Trần Đức Khoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thuận An cho biết: Hiện nay, đơn vị thi công đạt hơn 68% khối lượng công việc. Chủ đầu tư đang nợ đơn vị hàng chục tỷ đồng. Với phương châm có nguồn là tập trung lực lượng, phương tiện thi công nhanh, dứt điểm, đơn vị phấn đấu đến 31/12/2013 bàn giao công trình. Để đảm bảo kinh phí cho thi công, công ty đã sử dụng nhiều nguồn vốn như vay ngân hàng, huy động nội lực…

Đối với dự án Quốc lộ 1- Thái Hòa, ngành GTVT xác định đây là công trình trọng điểm nối hành lang Đông Tây không chỉ của Nghệ An mà cả vùng Bắc Trung bộ nhằm phát triển kinh tế vùng Tây Nghệ An, tuyến đường hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường xuất hàng hóa qua cảng Đông Hồi - Nghi Sơn hàng chục km. Ngành đã lựa chọn nhà thầu có tiềm lực, đó là Công ty 36 thuộc Bộ Quốc phòng.

Dự án tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng, chiều dài tuyến 29 km, sau gần 2 năm khởi công, hiện nay đã thông tuyến; giá trị xây lắp thực hiện được 270 tỷ đồng, đạt 48%, trong quý 2/2013 đang phấn đấu hoàn thành 10 km để bàn giao đưa vào sử dụng. Điều đáng nói là trong khoảng khối lượng 270 tỷ đồng hoàn thành, chủ đầu tư đang nợ nhà thầu khoảng 120 tỷ đồng. Đây là dự án thể hiện cao độ tinh thần “nhà thầu đồng hành cùng chủ dự án”. Nhà thầu cùng với chủ đầu tư tháo gỡ những vướng mắc về vốn, cùng chạy vốn. Đây cũng là một cách làm mới trong việc phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu để tháo gỡ khó khăn về vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dự án Đại lộ Vinh -Cửa Lò, một trong những công trình trọng điểm với phương thức khai thác quỹ đất để xây dựng công trình trong thời điểm giá nhà, đất xuyên đáy nên không thể thu hút được các nhà đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn, ngành đã tham mưu cho các cơ quan chức năng đưa vào nghị quyết của hội đồng nhân dân cơ chế vay vốn. Được Bộ Tài chính hỗ trợ bằng nguồn vốn vay ưu đãi, gói thầu số 5 với tổng chiều dài 3 km cuối tuyến đã được khởi công, đến nay khối lượng công việc hoàn thành khoảng 50%; dự kiến 30/6/2013 sẽ đưa vào sử dụng. Khi đường được đưa vào sử dụng quỹ đất trong phạm vi quy hoạch sẽ đưa vào khai thác, nguồn thu từ quỹ đất này sẽ được đầu tư cho các gói còn lại. Trong điều kiện khó khăn đầu tư, khai thác theo kiểu “cuốn chiếu” được xem là phương án “khôn ngoan”.

Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, trong thời gian qua bằng cách làm linh hoạt này, ngành đã tháo gỡ được những khó khăn, giúp cho tiến độ các công trình trọng điểm được bảo đảm. Đạt được kết quả đó, ngành cũng đã nỗ lực, chia sẻ khó khăn của nhà thầu, phát huy thế mạnh tổng hợp của nhà thầu. Chủ đầu tư tích cực đeo bám, tranh thủ nguồn vốn, có thể nói đó là những kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trên địa bàn hiện nay.


Bài, ảnh: Công Sáng