“Trước khi nói, hãy làm!”

26/07/2013 14:27

(Baonghean) - Rời quân ngũ trở về năm 1985, ông Vi Đức Tuấn (bản Mon, Thạch Giám, Tương Dương) tích cực tham gia các hoạt...

(Baonghean) - Rời quân ngũ trở về năm 1985, ông Vi Đức Tuấn (bản Mon, Thạch Giám, Tương Dương) tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Được bà con tín nhiệm, ông giữ chức bí thư chi bộ, trưởng bản nhiều khóa liên tiếp. Cho đến năm 2009, ông chuyển lên làm Công tác Mặt trận tại xã tới giờ.

Bản Mon, không ai không nhắc đến cán bộ Tuấn với niềm mến phục. Họ bảo ông là người “nói giỏi, làm giỏi”. Suốt những năm dài làm cán bộ bản, ông đã trăn trở để thực hiện 2 việc lớn nhất, của bản mình: Phát triển kinh tế và giữ vững an ninh. Bản có quốc lộ 7A chạy qua, địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi, gần trung tâm huyện. Từ chỗ thuận lợi về thông thương cũng nảy sinh cái “thuận” cho tệ nạn xã hội, nhức nhối nhất là tệ nạn ma túy. Dân bản chủ yếu là đồng bào Thái (104/120 hộ), phần lớn sống dựa vào sản xuất nương rẫy, nhưng lại chỉ được 1vụ/năm, nên đời sống của bà con gặp không ít vất vả.



Ông Vi Đức Tuấn đang chăm sóc đàn bồ câu. Ảnh: Hồ Phương

Ông Tuấn nghĩ, để vận động bà con xóa nghèo, chăm lo xây dựng bản mường, thì không chỉ nói suông mà được. Mình là đảng viên, lại là người “đứng mũi” phải làm gương trước đã. Thế là hai vợ chồng ông bắt tay làm kinh tế, đầu tiên là hưởng ứng tham gia vào 2 đề án của huyện là trồng rừng, trồng cỏ và phát triển chăn nuôi. Chỉ có 2 vợ chồng với lòng quyết tâm và sự siêng năng, gia đình đã tạo dựng được 4 ha cây xoan, 1 ha mét, 1 ha keo lai, mỗi năm trồng từ 3 - 5 ngàn gốc sắn, rồi ngô giống, lúa rẫy nữa...

Ông nói: “Tôi cũng tính, để thuận lợi, thì trồng xoan xen sắn, mỗi lần thu hoạch sắn là một lần làm cỏ cho xoan. Sắn thì làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tôi đặt mua thức ăn thừa ở các nhà hàng để nuôi lợn. Vợ chồng tôi phân công nhau đi lấy “nước rác” hàng ngày. Tôi thử nghiệm và nuôi thành công nhiều loại con. Hiện gia đình ông có hàng trăm con bồ câu, gần 50 con lợn, 9 con dê và 1 bò kéo. Thu nhập hàng năm từ chăn nuôi là trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn kinh doanh dịch vụ xay xát, mỗi năm thu trên 10 triệu đồng, cộng với khoảng 15 triệu đồng từ nương rẫy, 5 triệu đồng từ sản phẩm rừng trồng...

Nhìn tấm gương ông Tuấn, nhiều bà con trong xã đã tới tận nhà mong học hỏi. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi vợ ông: Làm thế nào mà 2 vợ chồng nuôi được nhiều lợn, trồng được nhiều rừng, mà chồng vẫn dành được thời gian để làm cán bộ tốt như vậy? Bày vẽ cho bà con cách làm, bày cả bí quyết cho bà con, rằng quan trọng nhất phải cần cù, siêng năng, không trông chờ, ỷ lại; trong nhà phải đoàn kết, phân công lao động hợp lý; tránh xa lời đường mật của kẻ xấu xúi giục mà lao vào làm giàu bất hợp pháp. Nhiều người nhờ “bí quyết” ấy mà đã bấm chí thoát nghèo, làng bản nhờ thế mà vui, ấm hơn...

Lo kinh tế là thế, còn mối lo về địa bàn phức tạp, nảy sinh tệ nạn? Khi làm ở bản, ông Tuấn luôn quan tâm đến việc vận động nhân dân đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Ông cùng ban cán sự bản lập tổ an ninh, thường xuyên kiểm tra, tuần tra nắm bắt tình hình. Có thời điểm, bản có tới 12 tụ điểm buôn bán lẻ ma túy, cả bản có gần 20 người nghiện, kéo theo nạn trộm cắp gây bất an trong dân. Là bí thư chi bộ, ông đề ra chủ đề trong các cuộc họp chi bộ là đấu tranh với tệ nạn ma túy. Chi bộ thành lập được 3 tổ liên gia do các đảng viên làm tổ trưởng, vận động nhân dân tố giác người vi phạm tệ nạn, một mặt tìm cách gần gũi để cảm hóa và giáo dục các đối tượng nghiện hút, trộm cắp...

Là người kiên quyết đến cùng với tội phạm và tệ nạn, ông Tuấn không ít lần bị đối tượng xấu đe dọa, phá hoại tài sản. Không vì thế mà ông chùn bước. Vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, bản thân mình và gia đình luôn nêu cao lối sống đúng mực, chấp hành tốt pháp luật, nên dần dà, ông vận động ai cũng nghe theo. Ông chia sẻ, để trở thành một người uy tín tại cộng đồng, thì phải nói có lý có tình, sống thật tâm thật bụng, và quan trọng hơn cả là trước khi nói hãy làm!


Thùy Vinh