Cảng biển - điểm tựa kinh tế miền Trung
Các cảng biển tại miền Trung đang tích cực đầu tư nâng cấp để giải quyết tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.
Hoạt động hiệu quả
Được đánh giá là cảng biển hoạt động hiệu quả nhất tại miền Trung nhờ lợi thế là điểm khởi đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây và nằm ở đô thị lớn nhất miền Trung, Cảng Đà Nẵng đang chú trọng đầu tư về mọi mặt để trở thành cảng container lớn của cả nước.
Ông Nguyễn Thu, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Đà Nẵng cho biết, sắp tới, cảng sẽ có thêm một cầu tàu dài 400 - 500 m, độ sâu 13-15 m, đủ khả năng đón tàu tải trọng 50.000 tấn.
Đồng thời, cảng cũng tiếp tục đổi mới, nâng cấp máy móc, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa và tự động hóa trong khâu bốc xếp.
“Phát triển và đầu tư phương tiện, thiết bị, cơ sở hạ tầng để Cảng Đà Nẵng trở thành cảng container hiện đại nhất khu vực miền Trung là mục tiêu quan trọng, luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm và ưu tiên hàng đầu”, ông Thu nhấn mạnh.
Nhờ sự đầu tư kịp thời cùng các chính sách ưu đãi với khách hàng, đến nay, Cảng Đà Nẵng đã có hơn 60 hãng tàu, đại lý tàu, các nhà logistics, giao nhận và vận tải đường bộ, trong đó 10 hãng tàu container thường xuyên có tàu đến cảng, với tần suất trung bình 12-14 chuyến tàu container/tuần.
Trong những năm qua, cơ cấu hàng vận chuyển bằng container luôn chiếm tỷ trọng 35 - 40% sản lượng và doanh thu từ hàng này chiếm 40-50% tổng doanh thu của Cảng.
Năm 2013, mặc dù nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, Cảng Đà Nẵng vẫn giữ được mức tăng trưởng 6,13% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó hàng container tăng trưởng mạnh và ổn định ở mức 10%. Từ mức tăng trưởng này, các chỉ tiêu doanh thu của Cảng Đà Nẵng cũng tăng 10% và lợi nhuận tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Là một trong những cảng biển trẻ ở miền Trung, nhưng Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đã phát huy hiệu quả của một cảng tổng hợp, vừa đón tàu xuất, nhập hàng hoá, vừa đón tàu du lịch quốc tế. Sau 10 năm hoạt động, Cảng Chân Mây đã được Cục Hàng hải Việt Nam trao quyết định nâng cấp Bến số 1 để có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải 50.000 tấn, thay vì tàu 30.000 tấn như trước đó.
Đây là quyết định hết sức có ý nghĩa trong việc tăng năng lực khai thác cảng, đồng thời thu hút nhiều loại tàu biển có trọng tải lớn, giảm chi phí cho các tàu xuất, nhập hàng hoá.
Tuy vậy, hiện Bến số 1, Cảng Chân Mây cũng đã quá tải do sản lượng hàng hoá và số lượng tàu du lịch qua cảng ngày càng lớn. Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt
Việc đầu tư thêm Bến số 2 sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng năng lực khai thác cảng biển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phát triển kinh tế, du lịch của địa phương và miền Trung.
Nhu cầu cấp bách
Giữa tháng 8 vừa qua, tại Khu công nghiệp - Hạ tầng cảng Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã tổ chức khởi công Dự án xây dựng Khu công nghiệp và Cảng Quốc tế Dr Thanh - Chu Lai.
Dự án có quy mô 709 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là một trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống với nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao.
Ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, Dự án xây dựng Khu công nghiệp và Cảng Quốc tế Dr Thanh - Chu Lai không chỉ phù hợp với tầm nhìn và chiến lược của Công ty, mà còn góp phần hiện thực hóa chủ trương của tỉnh Quảng Nam trong việc phát triển sản xuất và các loại hình thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, để trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang có những bước đi nhằm đầu tư xây dựng cảng nước sâu tại Dung Quất, để phục vụ Khu kinh tế Dung Quất và thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Sự ra đời của cảng biển nước sâu và Khu kinh tế Dung Quất đã thật sự là chiếc chìa khóa mở ra sự phát triển về kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế này chủ yếu phát triển công nghiệp nặng với đặc trưng là hoạt động của các nhà máy luôn đi kèm với xây dựng cảng chuyên dụng để vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm có khối lượng, kích thước lớn. Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng Khu kinh tế Dung Quất từ 10.300 ha lên 45.332 ha, thì việc đầu tư xây dựng Cảng Dung Quất 2 là nhu cầu cấp bách để có thể tiếp nhận tàu 300.000 tấn.
Ngoài các cảng biển nêu trên, Cảng Quy Nhơn (Bình Định) hay Cảng Vân Phong (Khánh Hòa) cũng đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư nâng cấp để giải quyết tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Điều này càng khẳng định vai trò tối quan trọng của kinh tế biển trong chiến lược phát triển kinh tế của khu vực miền Trung.
Theo.baocongthuong-P.H