Bức tranh gia đình và mảnh ghép tìm lại

28/06/2013 10:40

Cách đây vài năm, du học nước ngoài vẫn còn là một trào lưu, một viễn cảnh như mơ thì hiện nay, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đã nắm bắt thông tin rõ hơn về bản chất, điều kiện cũng như các lợi ích và khó khăn của việc đi du học. Mùa hè tới là lúc nhiều du học sinh “nhảy dù” về thăm nhà, trong chiếc vali là những món quà cho gia đình, bạn bè và cả những nỗi nhớ niềm thương, tâm sự vui buồn của đời du học...

(Baonghean) - Cách đây vài năm, du học nước ngoài vẫn còn là một trào lưu, một viễn cảnh như mơ thì hiện nay, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đã nắm bắt thông tin rõ hơn về bản chất, điều kiện cũng như các lợi ích và khó khăn của việc đi du học. Mùa hè tới là lúc nhiều du học sinh “nhảy dù” về thăm nhà, trong chiếc vali là những món quà cho gia đình, bạn bè và cả những nỗi nhớ niềm thương, tâm sự vui buồn của đời du học...

“Đi một ngày đàng... khóc một sàng nước mắt”

Nhiều du học sinh, đặc biệt là các bạn nữ, nửa đùa nửa thật chia sẻ, nước mắm và nước mắt chan cơm là món ăn chính những ngày đầu đặt chân đến xứ lạ. Đây là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn của mọi du học sinh, khi rời khỏi vòng tay chăm bẵm của gia đình để đối mặt với nhiều khía cạnh của cuộc sống. Từ thuê nhà, làm giấy tờ, mở tài khoản ngân hàng, mua bảo hiểm cho đến việc nấu nướng, chợ búa hay cả việc làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ với những người xung quanh, tất cả đều mới mẻ với những bạn trẻ vừa bỡ ngỡ đi xa khỏi “góc sân và khoảng trời”. Trước những áp lực xa lạ và dồn dập ấy, không tránh khỏi những phút yếu đuối, những giọt nước mắt thầm lặng, hay thậm chí là câu tự vấn đầy tiếc nuối: Có lẽ nào ta đã đi quá xa vòng tay chở che của những người thân yêu?

Câu hỏi nao lòng này không lúc nào ngừng day dứt trái tim của những người đi du học, đặc biệt là vào những dịp lễ truyền thống như Tết Nguyên đán, ngày lễ sum vầy của người Việt mình. Trang mạng xã hội của các du học sinh ngày lễ này đều đăng ảnh cùng nhau gói bánh chưng, đón giao thừa cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Trong không khí ấm tình đồng hương, bằng hữu, vẫn còn đâu đó những giọt nước mắt chạnh lòng và lời tâm sự da diết nhớ thương gửi về phương xa: “Xuân này con không về”.



Du học sinh tại Paris cùng gói bánh chưng đón Tết.

Nỗi lòng “hậu phương”

Cô Phạm Thị Thu Sương (Con Cuông) có hai người con trai đều đi du học ở Pháp (một người từ năm 2006-2012, một người từ năm 2009). Không tuần nào cô không gọi điện cho con, hỏi han chuyện ăn uống, học tập, công việc, thậm chí là chuyện... tình cảm. Biết tính mẹ hay lo nên trong một lần đá bóng bị chấn thương, gãy tay trái, anh con trai cả không dám nói cho mẹ biết. Mãi đến khi anh về công tác tại Việt Nam, cô Sương mới biết chuyện, cô trách con mà nước mắt lưng tròng, cầm tay con mãi không buông. Đây là tâm lý chung của bậc làm cha mẹ, làm sao không xót xa khi nhìn đứa con yêu quý một thân một mình nơi đất khách quê người, lúc ốm đau không ai chăm bẵm.

Lại có những “gia đình” du học sinh mà ông bố, bà mẹ trẻ phải xoay sở một mình từ đầu chí cuối, không được gia đình nội ngoại chăm lo như những cặp vợ chồng ở Việt Nam. Cô Đặng Thị Bích (Thành phố Vinh) ngậm ngùi nhớ lại năm 2009, khi con gái cô sinh con đầu lòng ở Pháp, cô gác lại công việc để sang chăm con nhưng vì giấy tờ bị trục trặc nên phải ở lại Việt Nam, chỉ biết gọi điện, chat sang động viên hai đứa. Năm 2012, con gái cô sinh đứa thứ hai, may thay lần này bà thông gia xin được visa thăm thân, sang thăm cháu và chăm con dâu đẻ. Nhìn ảnh đứa cháu ngoại nay đã phổng phao, cười rạng rỡ bên bà nội, cô Bích cũng vơi bớt phần nào nỗi thương nhớ cháu, con nhưng không khỏi chạnh lòng khi không được ở bên con gái lúc nó cần đến cô nhất.

Còn biết bao nhiêu người làm cha, làm mẹ, tuy sống ở Việt Nam nhưng trái tim đập theo múi giờ phương xa, đều đặn hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng thức giấc lúc canh khuya để gọi cho con một cuộc điện thoại, hỏi han từ những điều nhỏ nhặt nhất để rồi thổn thức khóc thầm khi trong điện thoại vọng về tiếng gió lạnh, tiếng tàu điện ngầm và thứ ngôn ngữ xa lạ như chực át đi giọng nói thân thương của đứa con yêu...

Bức tranh hoàn chỉnh

Có đi xa mới biết quý những điều khi xưa đã từng là thân thuộc. Nếu như ngày lên đường, các bạn du học sinh đều háo hức, khấp khởi mong chờ được rời khỏi vòng tay gia đình, được tung cánh tự do nơi phương trời mới thì đi một vòng trái đất rồi mới biết gia đình là điểm xuất phát, cũng là đích đến cho cuộc hành trình của mỗi con người. Hoặc chí ít, gia đình là điểm tựa vững chãi và an toàn nhất cho ta bình yên nép vào ngơi nghỉ trước khi bước tiếp trên đường đời. Bạn Đặng Tiến Cường (24 tuổi, Thành phố Vinh) - du học sinh ngành Khoa học máy tính tại Hàn Quốc, vừa đạt loại giỏi với đồ án tốt nghiệp đề tài “Áp dụng máy học trong gõ nhanh tiếng Việt”, cho biết: “Tốt nghiệp xong mình dự định về Việt Nam sống và làm việc. Chỉ trên chính quê hương mình, những thành quả mà mình đạt được mới có ý nghĩa thiết thực và được tôn vinh, công nhận. Hơn nữa, mình muốn được ở bên cạnh những người mình yêu quý”.

Đây cũng là suy nghĩ của nhiều du học sinh ở khắp mọi nơi trên thế giới, với nguyện vọng được trở về xây dựng quê hương đất nước và sống trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, được làm những điều nhỏ nhặt mà rất đỗi thân thương cho những người mình yêu quý là đủ để du học sinh cảm thấy mối dây liên kết họ với mảnh đất này không lúc nào gián đoạn, để họ biết mình là những mảnh ghép khuyết nhưng không thất lạc của bức tranh gia đình. Bức tranh ấy, vẫn luôn thuỷ chung chờ đợi những mảnh ghép trở về.


Bài, ảnh: Hải Triều