Âm vang lịch sử hào hùng

12/09/2013 20:18

Ông tôi kể lại, những tháng năm tuổi nhỏ, trùm lên đầu làng cuối thôn là không khí ngột ngạt của những tiếng trống hối đuổi dồn thúc, tiếng bước chân rậm rịch thâu đêm suốt sáng của tuần đinh, lính lệ bắt bớ đánh đập người dân vì thiếu thuế sót sưu, những thân phận cùng đinh vốn đã đói khổ cơ cực lại chất thêm muôn nỗi lầm than.

(Baonghean) - Ông tôi kể lại, những tháng năm tuổi nhỏ, trùm lên đầu làng cuối thôn là không khí ngột ngạt của những tiếng trống hối đuổi dồn thúc, tiếng bước chân rậm rịch thâu đêm suốt sáng của tuần đinh, lính lệ bắt bớ đánh đập người dân vì thiếu thuế sót sưu, những thân phận cùng đinh vốn đã đói khổ cơ cực lại chất thêm muôn nỗi lầm than.

Thuở đó, gậy ba toong và mũi dày của bọn thực dân phong kiến đi đến đâu thì những tiếng trống chèo dìu dặt hội làng, tiếng trống tuồng, trống tế trầm hùng linh thiêng... cũng bặt im đến đó. Thay vào là những âm thanh hãi hùng và ghê sợ của tiếng trống dục, trống thu gieo rắc nỗi lo sưu cao, thuế nặng ngày này qua ngày khác đè ập xuống những tấm thân còm cõi “một cổ hai tròng”, những khuôn mặt hốc hác và những ngực lép trơ xương yếu ớt mong manh cơ hồ như muốn vỡ bất cứ lúc nào trước âm thanh cổ xúy sự cho sự áp bức bóc lột đến tận xương tủy.



Ảnh tư liệu.

Rồi một ngày từ sân đình, gốc đa, bến chợ, nhà máy... cờ đỏ búa liềm phất lên rực rỡ, tiếng trống Xô-viết vang lên kinh động đất trời. Những tiếng trống xua tan sợ hãi, tiếp thêm sức mạnh, cỗ vũ, kêu gọi, thức tỉnh nông dân, công nhân, binh lính... rời khỏi làng xóm, nhà máy, đồn binh, nắm tay nhau bước lên con đường cách mạng với quy mô ngày càng rộng lớn, mức độ ngày càng mạnh mẽ. Những trống chèo, trống tế của làng, của họ tộc... đã được đưa ra để làm trống trận, thành trống Xô-viết, kiêu hãnh ngân lên thanh âm thúc giục Công – Nông - Binh bước ra giữa trận tiền tranh đấu chống áp bức, bất công, chống bạo tàn. Tiếng trống cùng đoàn người kéo về các tổng đốt phá các điếm canh, trừng trị bọn phản động gian ác, đốt huyện đường, thả tù chính trị.

Tiếng trống miền xuôi hòa âm với tiếng trống miền ngược, tiếng trống nông thôn vang âm đến cả thành thị. Trống theo các đoàn biểu tình bước ra những con đường lớn, kết nối và nhân rộng, phát triển thành phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh, với sự ra đời của các làng Đỏ, Xô-viết nông dân. Từ đó, tiếng trống đấu tranh của Công - Nông - Binh trên quê hương cách mạng đã trở thành bất tử, đi vào lịch sử và trường tồn cùng dân tộc với tên gọi: Tiếng trống Xô-viết, Tiếng trống Ba Mươi (1930).

Tiếng trống Ba Mươi ghi nhớ thời điểm gặp gỡ và tạo thành sức mạnh của khối liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo. Tiếng trống Ba Mươi đi vào lịch sử cách mạng có ý nghĩa là tiếng trống luyện quân, vang lên trong giai đoạn Đảng ta chuẩn bị và rèn luyện lực lượng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Để từ đó, nước ta được độc lập, dân ta được tự do.

Giờ đây, mỗi lúc nghe tiếng trống tế của họ của làng, tiếng trống chèo, trống tuồng vang lên linh thiêng, dìu dặt; nghe tiếng trống trường, trống hội, trống Rằm Trung thu... rộn vang trên khắp muôn nơi với những âm thanh ngập tràn tươi vui hạnh phúc, lại khôn nguôi nhớ về và nghĩ đến ơn sâu nghĩa nặng Tiếng trống Ba Mươi của ông cha thuở trước!


Ngô Kiên