Người tiên phong ở bản Na Xai

18/05/2013 23:25

Theo chân ông Nguyễn Bá Kiệm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong), chúng tôi về thăm trang trại của ông Hà Văn Viết, ở bản Na Xai, xã Hạnh Dịch. Từ trung tâm bản, sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ trên con đường đang được đầu tư mở rộng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một trang trại rộng lớn trên 20 ha, màu xanh ngút ngàn của cánh rừng quế, tràm, xoan đang thời kỳ phát triển, những ruộng lúa bậc thang đang kỳ làm đòng xanh mướt. Tiếng gà gáy, vịt kêu râm ran…

(Baonghean) - Theo chân ông Nguyễn Bá Kiệm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong), chúng tôi về thăm trang trại của ông Hà Văn Viết, ở bản Na Xai, xã Hạnh Dịch. Từ trung tâm bản, sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ trên con đường đang được đầu tư mở rộng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một trang trại rộng lớn trên 20 ha, màu xanh ngút ngàn của cánh rừng quế, tràm, xoan đang thời kỳ phát triển, những ruộng lúa bậc thang đang kỳ làm đòng xanh mướt. Tiếng gà gáy, vịt kêu râm ran…

Đã 11 giờ trưa, trời nắng, ông Viết vẫn chưa dừng tay. Trước mặt tôi là một cụ ông chừng 70 tuổi, gầy, hơi còng, còn nhanh nhẹn lắm... Ông kể: Mồ côi và từng là cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở chiến trường K5 nước bạn Lào, trong thời gian tham gia chiến dịch ông đã được suy tôn 3 năm liền Chiến sỹ quyết thắng. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, ông lập gia đình và sinh sống ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Năm 1994, ông và vợ con mới chuyển đến sống ở bản Na Xai. Về vùng đất mới, ông quyết định đi tìm nơi để khai hoang lập nghiệp. Từ bản Na Xai ông đi mỏi cái chân thì đến địa điểm trang trại bây giờ.



Toàn cảnh trang trại của ông Hà Văn Viết.

Chỉ tay về phía ruộng bậc thang trước nhà, ông nói: Những ruộng bậc thang này ngày trước có những cây gỗ to, đường kính rộng cả mét. Việc cải tạo để thành ruộng lúa nước rất vất vả. Với sự kiên trì, chịu khó của vợ chồng ông bây giờ đã trở thành những thửa ruộng bậc thang màu mỡ, hàng năm cung cấp lúa đủ ăn cho cả gia đình và còn có để bán.

Việc khai hoang, làm đất canh tác, đào ao thả cá, rào vườn thì ông và vợ con có thể làm được, nhưng riêng việc có vốn để đầu tư sản xuất, mua con giống thì gặp rất nhiều khó khăn. Ông đã quyết định vay ngân hàng, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành ông đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm,... Mấy năm lại đây, nhận thấy địa bàn phù hợp với chăn nuôi trâu và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bò, ông đã quyết định bán bò chuyển sang nuôi trâu. Hiện tại, ông đã có đàn trâu 14 con, 3 con bò. Ông không thả rông trâu ở trong rừng, mà nuôi có chuồng trại. Ông đào hào cao để tránh trâu tiếp xúc với môi trường xung quanh, nhằm tránh dịch bệnh. Đàn trâu, bò của ông phát triển nhanh. Có con trâu thương lái trả trên 20 triệu đồng mà gia đình chưa bán. Trang trại được ông phân chia từng khu vực để trồng từng loại cây, con cụ thể. Nơi thuận lợi về nguồn nước ông đào ao thả cá, vừa giữ nước tưới cho ruộng, cá lại nhanh lớn. Ông còn phát triển chăn nuôi gia cầm như gà, vịt… Có những thời điểm, ông có hàng trăm con gà, vịt, đặc biệt là giống vịt bầu ngon nổi tiếng ở Quế Phong.



Mô hình nuôi cá.

Ông còn khoanh nuôi trên 1ha diện tích cây hoàn linh, loại cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao. Hiện tại, có những cây đã đạt đường kính 1 người ôm, hứa hẹn khi thu hoạch sẽ cho gia đình ông một nguồn thu nhập không nhỏ.

Trong 3 năm lại đây, mô hình VACR hàng năm cho gia đình ông Hà Văn Viết thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng. Không những trả được nợ vay ngân hàng, hiện ông đã có trên 300 triệu đồng gửi tiết kiệm.

Nhiều hộ dân ở bản Na Xai đã làm theo phát triển mô hình kinh tế VACR làm giàu cho gia đình và quê hương.


Bài, ảnh: Hải Thượng (Biên phòng)