Hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển HTX

20/05/2013 18:49

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), đặc biệt sau khi có Nghị định 88/2005-NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã”, Nghệ An đã thực hiện khá tốt mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các loại hình HTX.

(Baonghean) Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), đặc biệt sau khi có Nghị định 88/2005-NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã”, Nghệ An đã thực hiện khá tốt mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các loại hình HTX.

Bà Hồ Thị Tân, Chủ nhiệm HTX Quyết Thành (KCN nhỏ Nghi Phú) cho biết: Nhờ có chính sách về đất đai, HTX đã được thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2006, Nhà máy sản xuất bột đá Quyết Thành được đầu tư xây dựng tại KCN nhỏ Nghi Phú, với tổng số vốn đầu tư dây chuyền chế biến bột đá giai đoạn 1 là 7 tỷ đồng, công suất đạt trên 20.000 tấn/năm; HTX còn kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng (tôn, sắt thép, xi măng các loại).



Chế biến đá trắng tại HTX Quyết Thành (KCN nhỏ Nghi Phú).

Đến nay, với mặt bằng sản xuất được mở rộng. Vì vậy doanh thu và thu nhập của người lao động ngày càng tăng. Trên cơ sở đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư thêm dự án siêu thị, khách sạn, nhà hàng tại phường Bến Thuỷ với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, đến nay đã đi vào hoạt động. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, HTX Quyết Thành là một trong những mô hình HTX tiêu biểu trong vấn đề nhanh nhạy nắm bắt cơ chế thị trường để có những quyết sách trong phát triển kinh tế. Thành công đó ngoài sự nỗ lực của chính các thành viên HTX, còn có sự hỗ trợ từ chính sách ưu đãi của Nhà nước, mà cụ thể là chính sách về đất đai. Chính việc khuyến khích cho thuê đất đã giúp các HTX có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Trong những năm qua, nhờ có chủ trương về chuyển đổi ruộng đất, cho thuê đất, giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX, tổng đội TNXP, nông lâm trường, trạm trại… đã góp phần quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nhờ chính sách đào tạo nguồn nhân lực, từ 2002- 2011, cả tỉnh đã đào tạo nghề cho 13 vạn lượt xã viên và người lao động thuộc lĩnh vực TTCN- làng nghề khu vực nông nghiệp nông thôn. Với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho khu vực kinh tế tập thể từ ngân sách là 5.100 triệu đồng, tổng nguồn lực huy động xã hội hoá đào tạo nghề là 12 tỷ đồng.

Trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu đổi mới, phát triển, Nghệ An đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho kinh tế tập thể, với các hạng mục như kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá đường giao thông thôn xóm, xây dựng trạm bơm, trạm điện, hệ thống kênh tưới tiêu cấp 3 và nội đồng… Riêng hạ tầng làng nghề phục vụ sản xuất kinh doanh, tính đến 2011 đã hỗ trợ trên 30 tỷ đồng cho giao thông vào vùng sản xuất, trạm điện và hệ thống kênh mương bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, mỗi năm Trung ương còn hỗ trợ cho vay không lãi suất cho phát triển hạ tầng nông thôn, thủy sản và làng nghề từ 50-80 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương được hưởng lợi nhiều nhất, trên cơ sở đó bộ mặt nông thôn ngày càng đổi khác không thể không kể đến các xã Diễn Lộc, Diễn Kỷ, Diễn Trường (Diễn Châu); Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hưng, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu);… Anh Nguyễn Văn Niêm, trú tại xã Nghi Phong, Nghi Lộc cho biết: “Nhờ có chính sách đầu tư cho làng nghề mà người dân chúng tôi ngoài được đào tạo nghề tại chỗ, có việc làm, có thu nhập ổn định, địa phương còn được đầu tư về hạ tầng giao thông nội làng, nội xã”.

Mục tiêu đến năm 2015 giá trị sản xuất của kinh tế tập thể của Nghê An đạt 1.500- 2.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10-15%, tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm 8-10% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Số lượng liên hiệp HTX, HTX đạt 1000 đơn vị, đến năm 2020 là 1200 đơn vị. Số lượng HTX mới trên các lĩnh vực tăng bình quân 40-50 HTX/năm.

Về khơi thông các nguồn vốn hoạt động cho HTX, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì Nghệ An đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như vay vốn đóng mới các đội tàu đánh bắt xa bờ do các HTX làm chủ dự án, cấp quyền sử dụng đất cho HTX để có điều kiện thế chấp vay vốn; tiếp cận vay ưu đãi các gói kích cầu của Chính phủ, phát triển hoạt động hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, tăng cường nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Liên minh HTX Việt Nam, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tham gia các Hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia… Tính đến nay, đã hỗ trợ 15 HTX đánh cá xa bờ được vay 25,5 tỷ đồng, 10 dự án HTX được vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn Liên minh HTX Việt Nam 4 tỷ đồng, các HTX được vay vốn của các ngân hàng thương mại, bao gồm các gói kích cầu gần 5 tỷ đồng, dư nợ các Quỹ tính dụng nhân dân cơ sở bình quân hàng năm từ 800 – 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc thể chế hoá các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể thời gian qua vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ, một số chính sách thiếu tính khả thi. Việc hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn thiếu thống nhất, chưa kịp thời, một số nội dung chưa sát với thực tiễn, nhất là trong việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở cấp tỉnh, thành phố, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, chế độ nộp BHXH theo Luật HTX 2003, các chính sách ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế, cấp quyền sử dụng đất cho trụ sở và cơ sở sản xuất dịch vụ của HTX… Chính vì vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết T.Ư5. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện hành. Sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, tăng quy mô về vốn cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX TP Vinh. Tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…

Đặng Nguyễn