Áp thuế tự vệ để nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước

14/09/2013 22:23

Từ ngày 7-9-2013, Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp tự vệ lên mặt hàng dầu thực vật NK, gồm dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện (mã HS 1507.90.90, 151.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99). Mức thuế tự vệ sẽ áp dụng từ tháng 5-2013 đến 5-2017 với mức thuế khởi đầu 5% ở năm 2013 và sẽ giảm dần qua từng năm xuống mức 2% vào năm 2017.

Từ ngày 7-9-2013, Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp tự vệ lên mặt hàng dầu thực vật NK, gồm dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện (mã HS 1507.90.90, 151.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99). Mức thuế tự vệ sẽ áp dụng từ tháng 5-2013 đến 5-2017 với mức thuế khởi đầu 5% ở năm 2013 và sẽ giảm dần qua từng năm xuống mức 2% vào năm 2017.



Ngành dầu ăn trong nước đang thua trên chính sân nhà. Ảnh Nguyễn Huế.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong những các năm gần đây, lượng dầu NK vào Việt Nam tăng mạnh. Nếu như năm 2009 lượng dầu ăn NK vào thị trường Việt Nam mới chỉ đạt gần 267 ngàn tấn, năm 2010 là trên 312 ngàn tấn thì đến năm 2011 là gần 389 ngàn tấn (tăng gần 24% so với năm 2010), năm 2012 là gần 567 ngàn tấn (tăng gần 46% so với năm 2011).

Sự gia tăng đột biến lượng dầu NK đã gây ra thiệt hại không nhỏ với ngành sản xuất trong nước. Từ đầu năm 2012, ngành sản xuất trong nước đã đồng loạt phải cắt giảm sản lượng sản xuất xuống còn 1/3 so với năm trước. Sản xuất giảm kéo theo thị phần, doanh thu, lợi nhuận… đều giảm mạnh.

Theo thống kê, trong năm 2012, lượng bán hàng của DN trong nước giảm 11,78% so với năm 2011, kéo thị phần của các DN sản xuất dầu ăn trong nước từ 52% (năm 2009) xuống còn 27% (năm 2012), và thị phần của hàng NK tăng tương ứng từ 48% lên đến 73%. Trong khi đó trong 3 năm từ 2009 - 2011, thị phần dầu ăn NK và sản xuất trong nước luôn ở mức độ tương đương nhau với tỉ lệ 50-50. Theo tính toán của các chuyên gia, sản lượng bán hàng trong nước đã giảm khoảng 30% dẫn đến sản xuất nội địa buộc phải cắt giảm, chỉ đạt khoảng 24% so với công suất thiết kế trong năm 2012, giảm khoảng 30% so với 2011 và là năm đạt thấp nhất trong giai đoạn 2009-2012.

Theo nhận định của các chuyên gia, lượng dầu ăn NK tăng nhanh là một phần do biểu thuế mới áp dụng của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Theo đó, biểu thuế dành cho dầu thực vật tinh luyện và thô giảm lần lượt từ 5% và 3% xuống còn 0% đối với hàng hóa XK từ các nước ASEAN. Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng dầu thực vật đã tạo điều kiện cho sự gia tăng hàng hóa NK vào Việt Nam. Trong điều kiện ngành sản xuất dầu thực vật còn phát triển chậm, việc giảm thuế NK xuống còn 0% ở năm 2012 đã tạo ra một áp lực vượt ngoài sự tính toán của ngành sản xuất trong nước.

Theo khảo sát của Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương), sản phẩm dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện do các nhà sản xuất trong nước sản xuất và nhập khẩu từ nước ngoài về cơ bản không có sự khác biệt. Tuy nhiên, ngành dầu thực vật Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu NK, nhất là dầu cọ, giá đầu vào gia tăng, chi phí sản xuất tăng liên tục nên mặc dù DN cố gắng cắt giảm chi phí nhưng vẫn không thể cạnh tranh về giá so với hàng NK. Đặc biệt, năm 2012, giá dầu NK đã đột ngột giảm khoảng 12% đã làm thay đổi đáng kể “điều kiện cạnh tranh” của dầu ăn NK với dầu được sản xuất ở nội địa. Trong thời gian qua, ngành sản xuất dầu nội địa đã buộc phải cắt giảm khoảng 20% lực lượng lao động sản xuất trực tiếp so với năm 2011 để cắt giảm chi phí.

Do không thể cạnh tranh được với hàng NK nên doanh thu, lợi nhuận của ngành dầu ăn trong nước đã giảm mạnh. Năm 2012, doanh thu của ngành dầu ăn trong nước đã giảm khoảng gần 38% so với năm 2011, kéo theo lợi nhuận cũng giảm tới 31% so với năm 2011. Bên cạnh đó mặc dù lượng dầu ăn XK chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng bán hàng nhưng năm 2012, XK của ngành dầu ăn cũng đã giảm 34% so với năm 2011.

Ngành dầu thực vật trong nước đang bị hàng ngoại nhập chèn ép khiến thị phần tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến sản xuất ngưng trệ, gây lãng phí đầu tư. Điều đó cho thấy, hàng hóa trong nước đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh trước xu hướng hàng ngoại ồ ạt tràn vào. Do vậy, việc áp thuế tự vệ đối với dầu ăn NK được xem là động thái của các cơ quan quản lí nhà nước trong việc bảo vệ cho ngành sản xuất dầu thực vật nội địa trước sự tấn công ồ ạt của dầu ăn NK.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng hàng hóa tràn vào thị trường theo thời gian mở cửa thị trường khu vực sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Như vậy, không chỉ có ngành dầu ăn gặp khó khăn mà những ngành sản xuất khác cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì vậy, cần có phương án thích hợp để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước mới có thể tránh cho các DN khỏi phải chịu thiệt hại nặng nề.

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu ăn sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, các DN sản xuất dầu ăn trong nước đã nỗ lực đầu tư rất lớn vào dây chuyền máy móc thiết bị, nâng cao công suất của toàn ngành lên 1 triệu tấn/năm vào năm 2014. Với công suất này, ngành dầu ăn trong nước có thể đáp ứng 100% nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước.


Theo.haiquan.online.P-H