Công nhận 344 sáng kiến, kinh nghiệm về giáo dục

28/08/2013 14:34

Kết thúc năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã nhận được 1.162 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) từ các đơn vị gửi về để dự xét công nhận ở cấp ngành của tỉnh, trong đó có 102 SKKN về giáo dục mầm non; 233 SKKN về giáo dục tiểu học và 827 SKKN về giáo dục trung học.

(Baonghean.vn) - Kết thúc năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã nhận được 1.162 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) từ các đơn vị gửi về để dự xét công nhận ở cấp ngành của tỉnh, trong đó có 102 SKKN về giáo dục mầm non; 233 SKKN về giáo dục tiểu học và 827 SKKN về giáo dục trung học.

Trước khi bước vào năm học mới 2013-2014, sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Xét SKKN của ngành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã quyết định công nhận 27 SKKN đạt loại A và 317 SKKN đạt loại B cấp ngành của tỉnh. Các đơn vị có nhiều SKKN được công nhận đạt cấp ngành của tỉnh là: Phòng GD&ĐT Vinh (4A, 21B); Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (3A, 13B); Trường THPT Đô Lương 1 (3A, 8B); Phòng GD&ĐT Diễn Châu (1A, 24B); Phòng GD&ĐT Đô Lương (1A, 16B);… Điều đáng chú ý là nhiều trường trực thuộc các Phòng GD&ĐT đã có nhiều đóng góp trong hoạt động đúc rút SKKN như Trường THCS Anh Sơn (có 06 SKKN loại B), Trường THCS Lê Lợi (có 01 SKKN xếp loại A, 02 SKKN xếp loại B),…

Theo đánh giá của Hội đồng Xét SKKN, nét nổi bật của các SKKN tham dự xếp loại cấp ngành của tỉnh bảo đảm chất lượng khá; nhiều SKKN thể hiện rõ sự say sưa, tâm huyết, sáng tạo của tác giả; một số tác giả đã dày công trong việc sưu tầm, tập hợp tư liệu để thuyết minh cho SKKN của mình - đây cũng chính là những tư liệu bổ ích phục vụ cho hoạt động dạy học trong nhà trường.

Mặt khác, các SKKN có nội dung đa dạng, phong phú, đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết của ngành: thực hiện chương trình phân ban; bồi dưỡng học sinh giỏi; nâng cao chất lượng đại trà; dạy tiếng dân tộc và ngôn ngữ địa phương cho học sinh các vùng miền; đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp học, các bộ môn; quản lý chất lượng giáo dục; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; đổi mới thi đua khen thưởng; xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực;…Đặc biệt, số lượng các SKKN có áp dụng công nghệ thông tin khá nhiều, chứng tỏ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đã rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục.

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục: 15 đơn vị trực thuộc Sở không tham gia phong trào đúc rút SKKN; một số hội đồng cấp cơ sở đánh giá chưa chuẩn xác. Điều đáng nói là có một số tác giả thiếu trung thực, đã copy thông tin trên mạng, copy công trình của người khác hoặc tập hợp kết quả từ nhiều tài liệu đã được công bố.


Minh Đức