“Thà chịu đói, chứ không thất học”

27/08/2013 20:40

Nếu có dịp về xóm Xuân Hương, xã Nghi Đức, Tp Vinh, hỏi thăm gia đình ông Phạm Quang Trung (SN 1963) - bà Nguyễn Thị Hương (SN 1966) thì nhiều người biết, bởi nghị lực vượt khó của ông, bà lo cho con cái học tập trong điều kiện quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

(Baonghean) - Nếu có dịp về xóm Xuân Hương, xã Nghi Đức, Tp Vinh, hỏi thăm gia đình ông Phạm Quang Trung (SN 1963) - bà Nguyễn Thị Hương (SN 1966) thì nhiều người biết, bởi nghị lực vượt khó của ông, bà lo cho con cái học tập trong điều kiện quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Sinh ra trong những gia đình nông dân nghèo, đông con nên cả ông Trung và bà Hương đều trải qua thời thơ ấu đầy nhọc nhằn. Bố ông Trung mất khi ông lên 6 do bạo bệnh nên từ nhỏ ông phải đi ở cho nhà giàu và làm thuê đủ nghề. Từ những năm học cấp 3, ông phải vượt 15 cây số đến trường bằng chân trần qua cát sỏi nóng bỏng vào những ngày hè oi bức, trên người không có lấy một bộ quần áo lành lặn, tiền đóng học ở trường lúc nào cũng chậm. Đến hết năm cuối cấp (lớp 10 lúc bấy giờ), không đủ điều kiện theo học, ông quyết định đi bộ đội. Còn bà Hương, vì là con gái đầu nên bà phải nghỉ học, vất vả làm lụng ngay từ bé, thường xuyên gánh hàng từ Tp Vinh lên tận Thanh Chương, Quỳ Hợp… để bán.

Năm 1986, duyên số đã đưa ông bà đến với nhau và cùng về sinh sống ở xóm Xuân Hương. 4 năm sau, 4 người con lần lượt ra đời, trong đó có một cặp song sinh. Đó là: Phạm Thị Đào (SN 1990), Phạm Thị Duyên, Phạm Thị Định (đều SN 1992) và Phạm Minh Đức (SN 1995).

Gia đình vốn đã nghèo, lại sinh dày nên luôn trong cảnh thiếu ăn. Tuy vậy, thấm thía những vất vả, cực nhọc do không được học hành đến nơi đến chốn, với tâm niệm “thà chịu đói, chứ nhất định không để con cái thất học”, ông bà bươn chải nhiều hơn với hy vọng kiếm thêm thu nhập để lo cho các con ăn học. Nhất là khi Đào, Duyên và Định đi học xa nhà, còn Đức học năm cuối THPT. Trung bình 1 tháng, chi phí phải trả cho việc học và sinh hoạt của 3 người con ở Hà Nội phải đến 10 triệu đồng – một khoản tiền lớn đối với một gia đình thuần nông, nhưng ông Trung - bà Hương quyết không để việc học của các con mình bị gián đoạn. Ngoài làm ruộng, ông Trung còn làm đủ thứ nghề như thợ điện, thợ xây, bảo vệ công trình… Gần đây ông còn đầu tư vào chăn nuôi (chủ yếu là gà và bò), vay vốn mua 1 chiếc máy cày, 1 máy tuốt lúa.



Vợ chồng ông Trung - bà Hương tăng gia sản xuất.

Vào các vụ mùa, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông luôn tay ngoài đồng. Còn bà Hương đảm nhận mọi việc đồng áng trên 3 sào lúa, 4 sào hoa màu; so với các hộ khác ở địa phương, diện tích canh tác không phải là nhiều nhưng với một người phụ nữ đã trung tuổi, lại bị thoái hóa cột sống thì đó thực sự là một công việc vất vả. Nhưng cũng như chồng, để các con yên tâm tập trung vào việc học, bà vẫn âm thầm làm lụng mà không có lấy một lời kêu ca.

Cũng chính vì sớm ý thức được sự khó khăn, vất vả cũng như kỳ vọng của bố mẹ, các con của ông Trung - bà Hương luôn chăm chỉ, cố gắng trong học tập. Không những chăm học và học khá, giỏi, cả bốn người con đều có ý thức giúp đỡ bố mẹ việc nhà, việc đồng áng, chị lớn chịu khó bảo ban, kèm cặp em nhỏ học hành và tranh thủ làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học tập.

Đặc biệt là chị gái đầu Phạm Thị Đào. Suốt những năm học phổ thông, Đào luôn là học sinh khá giỏi, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Học sinh giỏi huyện, tỉnh, Cháu ngoan Bác Hồ. Tốt nghiệp THPT, em thi đậu vào Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội và 1 năm sau đó được tuyển vào Lớp tiên tiến – khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh.

Trong suốt những năm học ở trường, em luôn là sinh viên xuất sắc, là một trong số ít sinh viên của trường được nhận học bổng HUA – JICF do Quỹ Quốc tế Nhật Bản tài trợ. Từ học kỳ 2 năm thứ nhất, em đã đi bán hàng ở các shop, rồi phục vụ bàn ở các quán ăn và làm gia sư. Sau này, em có tham gia các tổ chức tình nguyện, rồi làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Hà Nội nhằm học hỏi kỹ năng, tích lũy thêm kiến thức. Tuy đến tháng 9 tới mới tốt nghiệp ra trường nhưng hiện Đào đã được nhận vào làm việc tại Công ty liên doanh với Nhật Bản, mức lương khá ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống và giúp bố mẹ được phần nào.

Đào kể: “Mỗi năm em chỉ về nhà được 1- 2 lần, nhưng cứ mỗi lần về lại thấy bố mẹ gầy và già đi rất nhiều. Những lúc như vậy em muốn chạy lại ôm chầm lấy bố mẹ nhưng rồi lại chạy vội vào trong nhà vì không muốn bố mẹ thấy mình đang khóc”.

Từ tấm gương của chị, 3 người em Duyên, Định và Đức cũng cố gắng vươn lên trong học tập và tu dưỡng, rèn luyện. Hiện Duyên đang là sinh viên năm thứ 4, Đại học Thương mại, Định là sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính, còn Đức cũng vừa thi đậu Đại học Luật.

Hiện nay, dù cuộc sống gia đình vẫn chưa hết khó khăn nhưng mỗi lần nhìn lại những tấm bằng khen, giấy khen treo đầy trong căn phòng khách tuyềnh toàng, ông bà không giấu được sự xúc động xen lẫn tự hào. Bởi các con của họ đã lớn lên từ sự hòa hợp thương yêu của ông bà, học hành đỗ đạt nhờ những giọt mồ hôi của cha mẹ đổ xuống ruộng đồng cùng niềm tin các con rồi sẽ không vất vả như đời mình.


Mai Anh