Bài 9: Cuộc hành trình của họ Vi bản Noong Bua

28/07/2013 17:59

(Baonghean) - Ở bản Noong Bua (nay gọi là bản Nam Sơn, xã Môn Sơn, Con Cuông) có dòng họ Vi tham gia cách mạng từ những ngày đầu. Dòng họ thuộc nhóm Thái Tày Thanh đến định cư tại bản Nam Sơn, nay đã trải qua 9 thế hệ…

>>Bài 8: Họ Lang và chuyện "lệ làng"

Theo lời kể, những thế hệ đầu tiên của dòng họ chạy giặc từ phía Đông Nam Trung Quốc vào vùng Tây Bắc nước ta sinh cơ lập nghiệp, sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Thời kỳ giặc phương Bắc đánh vào Việt Nam, dòng họ đã di chuyển vào miền Tây Thanh Hoá, Nghệ An. Khi vào mảnh đất Nghệ An, ban đầu, những người họ Vi cư trú tại mường Chè Lè, thuộc xã Tri Lễ (Quế Phong). Một thời gian sau, họ đến địa bàn Mường Choọng (xã Châu Lý - Quỳ Hợp). Tại đây, những người họ Vi vẫn chưa thể "an cư", họ tiếp tục chuyển đến vùng Xiềng Líp (Yên Hòa, Tương Dương). Tại những điểm dừng chân, dòng họ vốn rất tự trọng này không cam chịu bị coi là dân "ngụ cư", nên tiếp tục di chuyển đến vùng Cam Phục (xã Cam Lâm, Đôn Phục, huyện Con Cuông ngày nay). Chỉ đến khi tìm được vùng đất Mường Quạ (Môn Sơn, Lục Dạ), những người họ Vi mới tìm thấy quê hương thực sự của mình, tại bản Noong Bua - Mường Quạ.

Những thành viên của dòng họ đã gây dựng được uy tín trong cộng đồng. Cụ Vi Văn Ẩm, ông tổ của dòng họ tại đất Noong Bua - Mường Quạ, đã từng giữ chức Phó tổng Môn, Lục, Yên thời kỳ phong kiến. Khi cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 – 1931) nổi lên, rồi Chi bộ đảng đầu tiên của miền Tây Nghệ An thành lập, cụ phó tổng âm thầm ủng hộ cách mạng bằng việc khuyến khích con cháu, họ hàng tham gia. Con trai của cụ là ông Vi Chiến Thắng, năm 20 tuổi đã được cử làm Chủ tịch ủy ban kháng chiến huyện Con Cuông, về sau là Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, có nhiều năm gắn bó với huyện Kỳ Sơn là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền huyện vùng cao này. Những thế hệ sau cũng tiếp nối truyền thống. Ngày nay, dòng họ này rất coi trọng công tác khuyến học. Cho đến nay, dòng họ đã có trên 30 người có trình độ đại học và trên đại học, có 4 sĩ quan công an, quân đội...


Khu vực truyền thống dòng họ.



Một góc trong trong bộ sưu tập những hiện vật người miền núi.

Sinh trưởng giữa vùng quê hương cách mạng, được tiếp xúc với các chiến sỹ cách mạng như Vi Văn Khang, Vi Văn Lâm..., chứng kiến phong trào đấu tranh của nhân dân xã Môn Sơn, Vi Chiến Thắng sớm được giác ngộ. Nhờ sự ủng hộ của cha (cụ Vi Văn Ẩm) mà ông Thắng có điều kiện tham gia cách mạng. Cuối năm 1944 đầu 1945, ông Thắng đã theo các chiến sỹ như Vi Văn Lâm, Vi Văn Khang tham gia hoạt động cách mạng. Về những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945) được ông Thắng kể lại trong cuốn hồi ký Những kỷ niệm Kỳ Sơn (2002).

“Vào khoảng trung tuần tháng 8/1945, toàn xã Môn Sơn có cuộc mít tinh lớn cạnh xóm Cửa Rào. Khoảng 8 giờ sáng, cuộc mít tinh tập trung đầy đủ các thôn bản, về thành phần có đại diện Việt Minh huyện là Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Văn Trân. Ban lãnh đạo cách mạng giành chính quyền do ông Vi Văn Khang làm trưởng ban. Trong cuộc mít tinh, triệu tập tất cả các vị chánh, phó tổng, lý trưởng, hương hào chức sắc mang theo ấn, triện, văn tự, khế ước đến giao nộp cho cách mạng. Ông Lê Mạnh Duyệt nói chuyện về tình hình cách mạng thế giới, trong nước, trong tỉnh đã nổi dậy đánh đổ đế quốc, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Tiếp theo, ông Vi Văn Khang, trưởng ban khởi nghĩa lên đọc quyết định xóa bỏ mọi quyền hành của chế động thực dân, phong kiến. Từ giờ phút này, mọi quyền hành được giao lại cho quần chúng nhân dân lao động làm chủ. Mọi giấy tờ, văn tự, khế ước được đem đốt trong tiếng hoan hô của quần chúng nhân dân…”.

Hiện nay, phần lớn các hộ gia đình trong họ đã chuyển đến sinh sống tại thị trấn và xã Bồng Khê, cách bản Noong Bua của họ khoảng 20km. Tại đây, nhiều người trong họ tộc đã trở nên thành đạt và có nhiều cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Biết tôi là người Thái, ông Vi Văn Phúc nay đã nghỉ hưu, tiếp chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Chất giọng Man Thanh rất đặc trưng vang lên trong căn nhà sàn vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật của dân bản, gợi nét hoài cổ giữa thị trấn nhỏ.

Dẫn tôi tham quan gian trưng bày những hiện vật của người miền núi do anh con trai bỏ công sưu tập từ nhiều năm nay, ông Phúc kể về tập tục của dòng họ: Họ Vi, bản Noong Bua, cũng như những họ Vi khác trong nhóm Thái Tày Thanh, không được phép giết hại con "niếu vì". Tô tem họ Vi người Thái coi đó là tổ tiên của mình. Ai đó nếu vô tình nhìn thấy con vật nọ chết, phải chôn cất cận thận. Khi làm nhà, người Thái dòng họ Vi Noong Bua phải nằm cội, nghĩa là phía gốc cây dùng để làm Xà, Hạ của ngôi nhà phải hướng về phía đầu giường ngủ. Con dâu không được thả tóc, ngồi ở gian nhà ngoài, chỉ trừ cha mẹ chết mới được ngồi đó.

Mâm cúng Tết họ Vi Noong Bua phải có xôi, bánh chưng, thịt lợn và cá. Nếu chỉ cúng tổ tiên, trong khi ông bà, cha mẹ còn sống thì 1 mâm, nếu ông bà, cha mẹ đã mất thì 2 mâm. Nếu ông bà ngoại không còn thì 3 mâm. Trường hợp có chú, bác từng sinh sống trong gia đình (gia đình chăm nuôi) mà không còn thì phải thêm một mâm nữa.
Đồ lễ mâm cúng tổ tiên phải dọn 3, nghĩa là mỗi món đồ cúng dọn 3 đĩa (hoặc 3 bát), các thứ khác chỉ dọn 1. Đồ cúng được chuẩn bị sẵn sau Giao thừa, sáng tinh mơ ngày mồng 1 Tết bắt đầu dọn mâm cúng. Mâm cúng còn có vải vóc, váy, quần áo, trang sức… Bài cúng Tết (xền tết) có độ dài khoảng 30 phút, và phải cúng lặp lại 7 lượt (nếu cúng lợn) và 5 lượt (nếu không cúng lợn)...

Hiện nay, những người họ Vi ở bản Noong Bua đã có được một nơi định cư mới, văn minh hơn. Dẫu vậy, họ vẫn đau đáu nhớ về chốn cũ. Khi chia tay tôi, ông Vi Văn Phúc, một thành viên của dòng họ cho biết: "Trong mường của tôi và những bản lân cận như bản Xiềng Pún, bản Pom từng có một số đền đài thờ những người có công khai khẩn vùng đất Mường Quạ như cụ Hầu Bông - người được coi là khai phá đầu tiên vùng đất Mường Quạ; Lý Nhật Quang - một Đại thần nước Việt. Tuy vậy, hiện không còn giữ được ngôi đền nào nữa. Ngày xưa có ngôi đền Phò Mã trong bản, mà ông bố tôi gọi là đền Phu Ma, cũng đã mất. Tôi mong muốn khôi phục lại những di tích này, để giáo dục cho con cháu mai sau…".


Bài, ảnh: Hữu Vi