Dưới bóng cây xà cừ...

20/05/2013 16:00

(Baonghean) - Tháng Năm nắng vàng. Tôi lên núi Chung, đường quanh co băng qua cách đồng đang vào vụ gặt. Hương thơm lúa mới...

(Baonghean) - Tháng Năm nắng vàng. Tôi lên núi Chung, đường quanh co băng qua cách đồng đang vào vụ gặt. Hương thơm lúa mới và mùi rơm rạ quấn quýt bước chân… Núi Chung xanh ngắt rừng thông, không gian thoáng đãng, dịu dàng… Dòng người lặng im vào thăm ngôi nhà tranh đơn sơ, khiêm nhường của cụ Nguyễn Sinh Sắc, như chìm khuất giữa xóm làng trầm mặc... Tôi bước cùng dòng người từ mọi miền đất nước, có người mới đến Làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn lầu đầu, mà ngỡ như trở về nhà mình... Ánh nắng lọt qua tán cây lao xao, in những hình hoa nắng trên mảnh sân đất nhỏ. Ngoài vườn là những luống lạc xanh mơn mởn, lá xanh lấp lóa dưới nắng rực rỡ tháng Năm...

Bao nhiêu ngày tháng đã qua đi, bao nhiêu kỷ niệm đã diễn ra trong đời nhưng tôi vẫn nhớ mãi lần đầu tiên về thăm quê Bác Hồ. Đó là năm 1992, tôi đóng quân ở huyện Nam Đàn. Trong tiểu đội chỉ có mình tôi từ ở miền trong ra nên mọi người “ưu tiên”, dành hẳn một ngày chủ nhật dẫn tôi về quê Bác. Bữa ấy cũng dịp tháng Năm, tiểu đội chúng tôi đi hàng dọc từng người như thường vẫn hành quân, diễn tập... Quê tôi vẫn vùng cát trắng băng băng Quảng Trị nhìn ngút tầm mắt, chỉ có những khóm phi lao lẻ loi và nhiều sắn khoai... Tôi ngỡ ngàng giữa cánh đồng vàng ươm lúa trĩu hạt Kim Liên, Nam Đàn. Hai hàng cây xà cừ bên đường vào Làng Sen tỏa bóng mát rượi khiến tôi thầm ước một ngày nào đó trên những trảng cát trắng Cửa Tùng, Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Trị cũng rợp bóng cây xanh bên những con đường khô cháy... Quảng Trị quê tôi hồi đó, cũng như bây giờ, đôi khi dội lên lên tiếng nổ bom mìn sót lại từ chiến tranh... Và những đêm gió Lào như bão nổi...



Minh họa: Hồng Toại

Hôm ấy, mọi người trong tiểu đội đã kể cho tôi nghe về lịch sử của làng, về ngôi nhà tranh nghèo của Bác Hồ, về những câu sấm linh nghiệm đã được lưu truyền mãi mãi... Tôi đã bước đi trong làng, dưới bóng mát xà cừ lao xao và hương sen thơm ngào ngạt. Làng Sen, ngôi làng được đặt theo tên của loài hoa giản dị mà tinh khiết...
Ký ức quê nhà trong tôi đã hòa cùng cảm nhận lần đầu tiên về Làng Sen, một miền quê chất phác, hồn hậu Việt Nam và đã gieo vào lòng tôi mơ ước chân thành... Mãi sau này, khi đã trở thành một sỹ quan quân đội, làm nhiệm vụ dò gỡ bom mìn trên chính quê hương mình, tôi có lần bắt gặp những hàng cây xà cừ kỳ lạ còn sót lại trong những ngôi làng Quảng Trị vốn bị tàn phá bởi chiến tranh. Không hiểu nhờ đâu mà chúng vẫn còn sống sót sau bao nhiêu bom đạn như vậy, dù trên thân cây già cỗi vẫn tìm thấy những vết thương do mảnh bom đạn cắm vào? Những hàng cây xà cừ kỳ lạ đó, là nơi chúng tôi quyết định tạm dừng chân trên hành trình phát tuyến dò gỡ bom mìn. Bầy trẻ nhỏ trong làng nhem nhuốc đất đai vây quanh, tò mò nhìn những máy móc, trang bị của chúng tôi. Rồi những bà mẹ Quảng Trị thời hòa bình mà cũng như thời chiến tranh, đã mang nước uống cho chúng tôi, rồi ân cần hỏi han, động viên... Và khi ấy, bất chợt tôi lại nhớ về hàng xà cừ trên đường vào quê Bác, hàng xà cừ trước Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích Kim Liên do Lữ đoàn công binh 414, Quân khu 4 xây dựng vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác Hồ, 19/5/1990. Cũng tán cây xanh rầm, lao xao trong gió như trò chuyện thân tình...

Tôi đã hỏi những cụ già ở Làng Sen và được biết, những hàng cây xà cừ đã được bà con xã Kim Liên trồng từ năm 1957. Đó là dịp Bác Hồ về thăm quê, Bác dặn: “Trồng thật nhiều cây, trồng cây nào sống cây đó”. Lời của Bác Hồ đã được mọi người làm theo... Trên núi Chung, nơi thuở ấu thơ chú bé Nguyễn Sinh Cung thường thả diều, hóng gió, nay đã là rừng thông xanh dày. Trong buổi chiều nắng chênh chếch, nhiều em nhỏ đã tìm đến đây, dạo bước trong rừng, ôn bài cho mùa thi sắp tới. Và trong mắt tôi, núi Chung trở nên đầy cảm mến... Ký ức dẫn tôi quay về những tháng ngày tôi ở trên hòn đảo nhỏ Cồn Cỏ. Hòn đảo anh hùng trong những năm chiến tranh được Bác Hồ gửi thư khen: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Chúng tôi đã vác từng bao xi măng, cát sỏi, từng can nước ngọt lên đỉnh núi để xây dựng công sự. Đài quan sát chúng tôi thi công chính là nơi ngày xưa Anh hùng LLVT nhân dân Thái Văn A đứng gác giữa đợt công kích của máy bay Mỹ. Từ nơi ấy nhìn ra biển cả chung quanh, những con sóng trắng miên man đuổi nhau đến tận đường chân trời mảnh như một nét mi con gái. Một lần, chiến sỹ Trần Công Thành gùi nước uống lên cho trung đội giữa trưa hè nắng oi nồng, bị trượt chân ngã, can nước nhựa 20 lít rơi vỡ tan tành. Nước thấm nhanh, mất hút vào lòng đất đá san hô một cách kinh ngạc! Từ trên đài quan sát, tôi đã nhìn thấy chiến sỹ Thành nhặt cái can vỡ, đứng dậy, và anh... bật khóc... Bởi vì với chúng tôi, nước là máu!

Mười mấy năm đã trôi qua từ cái buổi trưa Cồn Cỏ kỷ niệm ấy. Và đến hôm nay, tháng Năm, tôi và Thành cùng hẹn nhau về Làng Sen. Chúng tôi ngồi trò chuyện dưới gốc cây xà cừ có tuổi hơn nửa thế kỷ. Tán lá xà cừ rung rinh như đang trò chuyện, gợi cho tôi và Thành nhớ về những cơn gió nồm đại dương lướt qua những rặng phong ba Cồn Cỏ; hay những hàng cây xà cừ còn sót lại sau cuộc chiến tranh khốc liệt, giữa miền quê nghèo Hải Lăng, Quảng Trị, nơi đơn vị chúng tôi đã từng dừng chân... Tôi chợt nhận ra, những bóng cây đại thụ có thể bất ngờ hiện ra trên hành trình vô tận của mỗi người, là để cho mình dừng lại, suy ngẫm và chia sẻ. Giản dị vậy thôi...


Trần Hoài