Bài 1: Nợ khó thu hồi

31/05/2013 17:11

(Baonghean) - Kể từ sau Chỉ thị số 15- CT/TU của BTV Tỉnh ủy, công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được trong thực hiện quyết định xử lý sau thanh tra, đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thanh tra.  Tuy nhiên, công tác thanh tra hiện vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước….

(Baonghean) - Kể từ sau Chỉ thị số 15- CT/TU của BTV Tỉnh ủy, công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được trong thực hiện quyết định xử lý sau thanh tra, đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thanh tra. Tuy nhiên, công tác thanh tra hiện vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước….

Chỉ thị 15-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra” cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực các quyết định xử lý sau thanh tra. Chỉ tính trong 2 năm 2011, 2012, toàn tỉnh đã triển khai 450 cuộc thanh tra hành chính tại 1.560 đơn vị ( gồm 359 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 91 cuộc thanh tra đột xuất).

Qua thanh tra phát hiện 945 đơn vị được thanh tra có sai phạm về kinh tế (chủ yếu trên các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách, thuế…) với tổng số tiền 64,664 tỷ đồng và 4.431 ha đất, phát hiện 55 tổ chức và 121 cá nhân có sai phạm, phát hiện 3 vụ việc với 5 đối tượng và có kiến nghị xử lý. Tính đến thời điểm kết thúc năm đã xử lý 55,416 tỷ đồng, đạt tỷ lệ bình quân 85,8% ; xử lý hành chính 44 tổ chức, cá nhân có sai phạm; xử lý xong một vụ án tham nhũng, 1 đối tượng bị tòa tuyên án với hình phạt 4 năm tù giam.

Tuy nhiên, hiện nay công tác thanh tra vẫn còn tồn tại những bất cập cần tháo gỡ, mà rõ nhất là việc đôn đốc, thu hồi kinh tế sai phạm sau thanh tra còn gặp nhiều khó khăn và trở thành “nợ khó thu hồi”.

Tại huyện Quỳ Hợp, theo các kết luận xử lý về kinh tế sau thanh tra, tổng số tiền phải thu hồi là hơn 6,3 tỷ đồng.

Trong đó số tiền thu hồi theo các kết luận của tỉnh gần 5,75 tỷ đồng và hơn 561 triệu đồng theo quyết định của huyện. Kết quả thu hồi (tính cả số được miễn thu do trường hợp bất khả kháng) theo quyết định của tỉnh là hơn 2 tỷ đồng, đạt 35%. Kết quả thu theo kết luận của huyện đạt cao hơn cũng chỉ 60%.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, một số ngành cho thấy, việc xử lý sau thanh tra đạt thấp và trở thành “nợ khó thu hồi” bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân cơ bản là do: Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra chưa nhận thức đầy đủ việc chấp hành kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra đã có hiệu lực pháp luật, còn chây ì, viện lý do khách quan cho việc thực hiện chậm chễ, hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, quyết định xử lý của cơ quan thanh tra.

Một số đơn vị do làm ăn thua lỗ, quá khó khăn nên không có khả năng thực hiện việc nộp kinh tế vào tài khoản tạm giữ, chờ xử lý nhưng cũng có những đơn vị dùng các chiêu “lách luật” như khi bị thanh tra và có kết luận, quyết định thu hồi về kinh tế đang là công ty, đơn vị này nhưng sau một thời gian ngắn đã thành lập công ty khác hoặc bán cho người khác. Không khó để điểm tên các công ty, doanh nghiệp nằm trong diện “ nợ khó thu hồi” kể trên như: Công ty TNHH Xuân Tùng (Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Việt Thái (TP Vinh) thuộc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; Công ty CP Cơ giới Nông nghiệp Nghệ An thì sau thanh tra và có quyết định xử lý sau thanh tra số tiền 25 triệu đồng do sai phạm về thuế đã giải thể thành lập 5 công ty ở Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thành phố Vinh.

Công ty TNHH Phúc Hằng (Quỳ Hợp) sau thanh tra có quyết định thu hồi 20 triệu đồng nhưng sau đó đã giải thể. Công ty TNHH Lương Vỹ (Quỳ Hợp) khi có quyết định thu hồi tiền sai phạm vẫn là công ty đó, sau đó bán cho người khác sở hữu…Rồi một số đơn vị khi ra quyết định thu hồi sai phạm đang là công ty nhà nước sau đó cổ phần hóa thành pháp nhân mới. Điển hình như Công ty Xây dựng I “bán” cho Tập đoàn Dầu khí; Công ty xây dựng II “bán” cho Công ty xây dựng Hà Nội.

Theo một số cán bộ làm công tác thanh tra thì việc xử lý sau thanh tra, nhất là lĩnh vực liên quan đến thu hồi kinh tế cũng giống như hoạt động thi hành án; đây chủ yếu lại là nợ khó đòi. Nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì có nhiều doanh nghiệp không có tổ chức đảng, không có tổ chức công đoàn nên việc qui trách nhiệm cho người đứng đầu lẫn xử lý hành chính, xử lý thu hồi kinh tế sau sai phạm đều khó. Ngay cả vấn đề phong tỏa tài khoản cũng không khả thi vì đối tượng chậm nộp có thể mở nhiều tài khoản khác nhau nên rất khó xử lý, đó là chưa kể tài khoản của nhiều doanh nghiệp chỉ là tài khoản rỗng.

Về phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền (giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện…) một số đơn vị chưa thật sự kiên quyết trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện xử lý, có khi còn buông lỏng, đôn đốc nhắc nhở chưa thường xuyên. Việc tham mưu các biện pháp xử lý sau thanh tra của tổ chức thanh tra cấp sở, huyện còn nhiều hạn chế. Một số kết luận của đoàn thanh tra chưa rõ ràng, chặt chẽ, hoặc căn cứ xử lý chưa thật chính xác; chưa đúng bản chất sự việc, hoặc không quy rõ trách nhiệm của cá nhân và người đứng đầu. Việc xử lý, kỉ luật cán bộ chưa nghiêm.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể trong công tác xử lý sau thanh tra chưa thường xuyên, liên tục và hiệu quả chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến công tác thu hồi sau thanh tra còn hạn chế. Rộng hơn, sâu xa hơn phải nói rằng, các văn bản quy định của pháp luật hiện tại vẫn đang thiếu các biện pháp bảo đảm và chế tài đủ mạnh. “Hiện nay vẫn chưa có những qui định chế tài cụ thể để xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm cố tình dây dưa không thực hiện các quyết định, kết luận có hiệu lực pháp luật. Văn bản cụ thể hóa Pháp luật Thanh tra như: “Quy định đôn đốc thực hiện xử lý sau thanh tra” mới chỉ quy định trách nhiệm cho cơ quan tiến hành thanh tra, còn đối tượng thanh tra; cơ quan phối hợp thực hiện quyết định thanh tra thì chưa được đề cập” - ông Lê Văn Dũng – Trưởng phòng Tiếp dân và xử lý sau thanh tra – Thanh tra tỉnh, chia sẻ.

Bên cạnh đó cũng không phủ nhận nguyên nhân khách quan là do thời gian qua tình hình kinh tế khó khăn chung, Nhà nước hạn chế giải ngân nên các đơn vị khó khăn trong việc tìm nguồn tiền để nộp ngân sách. Tuy nhiên, có một thực tế là ở các đơn vị hưởng ngân sách như ở cấp huyện, việc thu hồi kinh tế sai phạm về sử dụng sai mục đích các loại quĩ như (quĩ công ích, quĩ phòng chống bão lụt…) kinh phí giáo dục mầm non, thường không có khả năng bố trí nguồn để thực hiện nộp xử lý sau thanh tra. Có những kết luận thu hồi ban hành từ 2003, 2004, 2005 đến nay vẫn chưa xử lý được.

Hiện nay UBND tỉnh đang giao Sở Tài chính xem xét việc sử dụng nguồn tiền sai phạm của các đơn vị để điều chỉnh giảm cấp phát ngân sách. Ở cấp xã cũng có nhiều sai phạm bắt nguồn do tùy tiện chuyển mục đích sử dụng nguồn vốn, chẳng hạn như nguồn hỗ trợ làm đường chuyển sang xây dựng trường học, trạm xá; trường học thành nhà làm việc UBND xã... Đơn cử ở huyện Quỳ Hợp hiện tại còn 597.033.800 đồng chưa thu hồi, trong đó có 110.735.579 đồng sử dụng sai mục đích nguồn hỗ trợ vay xi măng làm đường GTNT chưa thu hồi được.

Nguyên nhân là do sai phạm diễn ra trong khoảng những năm 2001 – 2003, một số cán bộ cũ đã nghỉ hưu, một số đã chuyển khỏi địa bàn, mặt khác nguồn ngân sách xã khó khăn nên mặc dù UBND huyện đã nhiều lần đôn đốc nhưng vẫn không có khả năng nộp. Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra liên quan đến thu hồi kinh tế, trong năm 2012, Thanh tra tỉnh đã đôn đốc các đoàn thanh tra có quyết định thu hồi từ năm 2011 trở về trước chưa thu hồi được tổng số tiền là 12.832.716.746 đồng. Trong đó số còn phải xử lý từ năm 2011 chuyển sang là 10.077.977.539 đồng; số tiền phải đôn đốc thu hồi năm 2012 là 2.729.624.175 đồng. Tổng số tiền đã thu hồi là 2.100.000.000 đồng, đạt tỷ lệ 16,4%, số tiền phải thu chuyển năm 2012 tiếp tục đôn đốc là 10.732.716.746 đồng.

Việc chậm, chây ỳ trong thực hiện các kiến nghị sau thanh tra của không ít đối tượng, đơn vị... trên nhiều địa phương thuộc diện khó thu hồi thời gian qua đã và đang là bài toán nan giải đối với ngành Thanh .

Thông tư 01/2013/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 quy định:


Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định kiểm tra khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Sau khi hết thời hạn báo cáo kết quả đôn đốc mà đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra không hoàn thành việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; b) Đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra không thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật; c) Trong quá trình theo dõi, đôn đốc phát hiện dấu hiệu cản trở, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, không hợp tác hoặc vi phạm pháp luật của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.


Căn cứ kết quả kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời kết quả kiểm tra như sau: a) Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật buộc đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoàn thành việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Trong trường hợp việc chưa hoàn thành thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra gây thiệt hại, thì buộc đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chịu trách nhiệm bồi thường; b) Áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và các hình thức khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra có trách nhiệm khi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn trong kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; c) Chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra cùng cấp để xem xét khởi tố vụ án nếu quá trình kiểm tra phát hiện dấu hiệu cấu thành tội phạm của các cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.


Khánh Ly- Mai Hoa