Có nên bỏ chấm điểm học sinh lớp 1?

11/09/2013 14:37

Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2013-2014, đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Chấm điểm hay không chấm điểm học sinh lớp 1 đang tạo dư luận nhiều chiều.

(Baonghean.vn) - Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2013-2014, đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Chấm điểm hay không chấm điểm học sinh lớp 1 đang tạo dư luận nhiều chiều.

Lý do mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định này là vì có nhiều giáo viên đã đánh giá không công bằng giữa học sinh đã biết đọc, biết viết với học sinh chưa biết, tạo áp lực cho phụ huynh khiến họ phải đưa con đi học trước. Điều này ảnh hưởng đến quy định cấm dạy thêm, học thêm của Bộ.

Cô giáo Lê Thị Đào giáo viên chủ nhiệm lớp 1B - Trường Tiểu học Cửa Nam 1 cho biết: “Nhận được thông báo không cho điểm học sinh lớp 1, tự nhiên thấy buồn, vậy là từ nay không nhận được niềm vui của các em mỗi khi nhận được điểm 10”

Việc cho điểm học sinh lớp 1 từ lâu đã được coi là một phương thức đánh giá truyền thống, có nhiều ưu việt. Thông qua việc cho điểm, giáo viên đánh giá chính xác năng lực của học sinh qua từng bài, từng môn trong từng kỳ, từng năm. Nếu học sinh nào bị điểm kém đương nhiên sẽ căn cứ vào điểm số cô giáo cho, cố gắng đạt điểm số cao hơn từ đó phải chăm học hơn và tất nhiên thành tích học tập thông qua điểm số cũng cao hơn. Học sinh nào được điểm cao, phấn khởi và có thêm động lực để phấn đấu, giữ vững thành tích. Như vậy việc cho điểm học sinh khi các em mới bước vào năm học đầu tiên của cấp I có nhiều yếu tố tích cực.

Thực tế, nhiều học sinh tiểu học đạt kết quả học tập tốt ở lớp và được giáo viên cho điểm 9, điểm 10 trong vở, sau giờ học rất hớn hở, tự hào với thành tích học tập của mình, có em vội vàng khoe điểm số của mình cho cha mẹ hoặc người thân trong gia đình ngay tại cổng trường. Và bản thân các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình cũng thường xuyên khuyên bảo, khuyến khích, khen thưởng cho các em mỗi lần các em đạt được điểm cao trong học tập.

Cô giáo Lê Thị Đào cho biết: “Tôi dạy lớp 1 đã 20 năm nay, việc chấm điểm cho học sinh ngay từ năm lớp 1 có tác dụng rất tích cực. Nó làm cho các em có thêm động lực để phấn đấu. Việc cho điểm cũng làm tôi dễ phân loại học sinh từ đó có hướng để bồi dưỡng những học sinh “non” hơn”.

Cũng theo cô Đào việc cho điểm rất có ý nghĩa trong việc tạo động lực phấn đấu cho học sinh. “Nhiều em khi tôi cho điểm 8 thì khoe ngay với bạn bên cạnh: bữa ni mình hơn bữa qua 2 điểm, về được mẹ thưởng rồi! Khi có bạn nào được điểm 10 thì cả lớp nhộn nhịp và muốn xem bài của bạn, xem bạn viết đẹp cỡ nào. Tôi nghĩ đó cũng là một phương pháp giúp học sinh cạnh tranh lành mạnh !”- Cô Đào nói.



Giờ ra chơi của học sinh trường TH Cửa Nam 1.

Cô giáo Đinh Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Cửa Nam I, cho biết: “Sắp tới vào kỳ họp đầu tiên của năm học giữa phòng Giáo dục và hiệu trưởng các trường mới chính thức bàn về dự thảo này. Theo tôi thì việc nhận xét cũng tốt nhưng việc đánh giá bằng lượng hóa điểm số cũng là việc làm gây hứng thú và tạo được động lực phấn đấu cho học sinh!”.

Theo tìm hiểu của PV, đa số phụ huynh và học sinh đều mong muốn nhận được điểm số sau mỗi buổi học. Đón con sau giờ tan tầm chị Tùng Lâm - phường Quang Trung cho biết: “Tôi cũng chưa biết về việc không cho điểm học sinh lớp 1, mấy hôm nay về hỏi, cháu nói: “cô không chấm”, tự nhiên thấy thương con. Lúc chưa đi học cứ háo hức được đi học để nhận điểm 10, giờ thì chờ mãi mà cô không chấm!”

Năm học mới chính thức khai giảng được một tuần nay, hiện chưa có thông báo hướng dẫn về việc nhận xét, nhưng việc cho điểm, nhiều trường cũng đang ngừng. Rất nhiều giáo viên thắc mắc nếu nhận xét vào bài làm của học sinh sau mỗi buổi học thì sẽ nhận xét thế nào? Nhận xét chung chung theo lưỡng tính có đảm bảo đủ chính xác không? Nếu học sinh đạt từ 8 điểm trở lên thì đã có thể nhận xét “giỏi”. Nhưng theo giáo viên tiểu học khối lớp 1 thì 8 điểm khác xa 10 điểm và không thể có chung nhận xét: “giỏi” được. Một lần nữa việc không cho điểm mà chỉ nhận xét, lại gây khó cho giáo viên.

Theo chị Nguyễn Thị Xuân giáo viên lớp 1, thì: “Tôi thật sự lúng túng với việc nhận xét, vì nếu nhận xét sau mỗi bài tập trên lớp cho các em thì rất mất công và khó có thể phân định em nào giỏi, em nào xuất sắc, thậm chí khá và trung bình khá. Và chẳng lẽ lâu lâu mới nhận xét một lần, trong khi mỗi bài tập của từng môn, trong mỗi buổi học khác nhau đã có sự chênh lệch, nếu cho điểm. Nói thật, việc không cho điểm học sinh, chính chúng tôi cũng mất đi niềm vui, sự hứng thú”.

Về vấn đề này, Phó phòng Giáo dục Thành phố Vinh – bà Ngô Thị Nguyệt cho biết: “Theo quy định của Bộ Giáo dục thì chúng tôi đã kịp thời có văn bản Dự thảo gửi về các trường tiểu học trên toàn thành phố. Sở đang giao cho chúng tôi lấy ý kiến giáo viên các trường tiểu học, có nên cho điểm nữa hay không, và nhận xét thì nhận xét như thế nào?! Về ý nghĩa sâu xa thì đây là sự thay đổi có nhiều tích cực, vì nếu chỉ nhận xét thôi thì học sinh sẽ không bị phân biệt, rồi dẫn đến mất tự tin. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi thì nên chăng vừa cho điểm, vừa nhận xét, nếu em nào có bài làm tốt thì ta hãy cho điểm, còn em nào chưa tốt thì hẹn với các em lần sau, bài sau và nhận xét vào bài làm đó của em, nên khắc phục điều gì. Như thế vừa đúng quy định của Bộ vừa khuyến khích được trẻ và cũng tạo điều kiện đánh giá dễ dàng hơn cho giáo viên !”

Việc cho điểm là cách đánh giá truyền thống, có tác dụng khích lệ tinh thần học tập, phát huy sự sáng tạo của trẻ, chứ không phải việc cho điểm chỉ nhằm phê phán sự yếu kém của các em…. Vậy việc cho điểm có nên bỏ?


Thanh Nga