Phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Qui chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định 186/QĐ-TTg (ngày 14/8/2006) của Thủ tướng Chính phủ quy định trung bình 1.000 ha rừng phòng hộ bố trí 1 cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. Theo đó, trên địa bàn tỉnh còn thiếu hàng trăm cán bộ chuyên trách. Từ thực tế này, công tác bảo vệ rừng phòng hộ phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân sống trong khu vực có rừng.
(Baonghean) - Qui chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định 186/QĐ-TTg (ngày 14/8/2006) của Thủ tướng Chính phủ quy định trung bình 1.000 ha rừng phòng hộ bố trí 1 cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. Theo đó, trên địa bàn tỉnh còn thiếu hàng trăm cán bộ chuyên trách. Từ thực tế này, công tác bảo vệ rừng phòng hộ phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân sống trong khu vực có rừng.
Trong cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh với cử tri ngành Lâm nghiệp Nghệ An vào cuối tháng 4 vừa qua, rất nhiều ý kiến phản ánh về những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Đại diện cử tri các đơn vị lâm nghiệp đã kiến nghị với đại biểu Quốc hội và Chính phủ về vấn đề: Hỗ trợ kinh phí, chế độ phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp, nhất là cho lực lượng bảo vệ rừng; Thiếu phương tiện kỹ thuật cho lực lượng bảo vệ rừng; Xây dựng các chính sách khuyến khích lực lượng chức năng và nhân dân cơ sở trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và tăng cường biên chế nhân sự, tổ chức hoạt động của lực lượng chức năng bảo vệ rừng…
Ông Lê Phùng Thiều - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương kiến nghị: “Lực lượng chúng tôi thiếu rất nhiều, hiện chỉ có 14 đồng chí gồm cả bộ máy lãnh đạo, hành chính. Với 104.658 ha rừng và đất lâm nghiệp ở Tương Dương, trong đó có 70.000 ha là rừng phòng hộ thì theo qui định của Chính phủ, chúng tôi cần có 70 người, chứ không phải 14 người như hiện nay. Cũng theo qui định của Chính phủ thì khu rừng phòng hộ đầu nguồn có diện tích trên 20.000 ha có nguy cơ bị xâm hại cao thì cần được bố trí lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng.
Lực lượng Kiểm lâm và Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh: Văn Trường
Hiện chúng tôi chưa có lực lượng này, mỗi khi có sự việc mất an toàn ở rừng thì chúng tôi báo với kiểm lâm địa bàn hoặc cơ động nhưng địa bàn rộng nên hiệu quả phối hợp nhiều lúc chưa kịp thời. Trước thực tế đó, chúng tôi hợp đồng thêm 20 cán bộ thuộc diện viên chức 2B để bảo vệ rừng nhưng nguồn kinh phí lại phụ thuộc vào ngân sách và các chương trình dự án nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Cũng chính vì thế mà tâm huyết của họ đối với công tác bảo vệ rừng đôi lúc cũng phai nhạt. Chúng tôi thiết tha đề nghị bổ sung thêm lực lượng, kinh phí để hoàn thành tốt nhiệm vụ…”.
Còn đối với Vườn Quốc gia Pù Mát, được xem là một trong những chủ rừng lớn, với diện tích bảo tồn trên 94.000 ha nhưng chỉ có 100 người quản lý, bảo vệ. Do thiếu lực lượng, địa bàn rộng nên mỗi chuyến tuần tra bảo vệ rừng của lực lượng chức năng thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Cũng vì vậy, có nhiều lúc, lực lượng bảo vệ rừng Pù Mát không thể quán xuyến được tất cả các địa bàn, nhất là khi diện tích vườn trải qua các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn và trên 67 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát thẳng thắn nhìn nhận: “Với diện tích lớn như thế, nhân lực lại quá mỏng như hiện nay thì nếu rừng bị xâm hại một vài nơi thì chúng tôi khó kiểm soát. Đó là chưa kể đến việc nếu xảy ra cháy rừng thì càng khó khăn vì thiếu cả người và phương tiện chữa cháy. Cái mà chúng tôi đảm bảo được lâu nay là nhờ tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người dân trong vùng lõi và vùng đệm. Nhưng hàng ngày, người dân vẫn vào rừng, vì lâu nay cuộc sống họ gắn với rừng và những cuộc ra vào rừng như thế không ai đảm bảo được rừng an toàn và động vật không bị săn bắn?!”
Trong tổng số 734.515 ha rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, hiện có các đơn vị quản lý được xem là chủ rừng gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện; Tổng đội thanh niên xung phong; Vườn quốc gia Pù Mát; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và các công ty lâm nghiệp. Thực trạng chung theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là “…diện tích rừng lớn nhưng lực lượng bảo vệ của chủ rừng ít nên không đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng của mình”.
Trong lúc đó, chế độ đãi ngộ chưa cao, ý thức của người dân còn hạn chế, lâm tặc thì hoạt động liều lĩnh cho nên một số tiểu khu rừng phòng hộ ở Thanh Chương, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông và Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống vẫn bị đốn hạ hàng năm. Số liệu thống kê gỗ bị chặt phá từ lực lượng chức năng bắt giữ được hàng năm vẫn cao chứng tỏ công tác bảo vệ rừng tại gốc chưa tốt. Riêng 3 tháng đầu năm 2013, đã có 405 vụ vi phạm lâm luật được phát hiện, với tang vật trên 946 m3 gỗ các loại, đó là chưa kể rất nhiều gỗ rừng đã bị chặt hạ đang giấu trong dân chưa bị phát hiện, xử phạt…
Ông Lê Cao Bính - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Thực tế chúng ta đang rất thiếu nguồn lực, cả về con người và phương tiện cho công tác bảo vệ rừng. Riêng lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh nếu đảm bảo đúng quân số theo qui định còn thiếu khoảng 300 người. Trong lúc đó, địa hình rừng núi phức tạp, người dân các huyện miền núi vùng cao từ lâu gắn với tập quán phát rừng làm nương rẫy, đốt thực bì trồng rừng, nên dễ xảy ra cháy lan vào rừng. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền vận động nhưng nhiều lúc vì mưu sinh, người dân vẫn chủ quan gây hại tới rừng”. Còn nhiều khó khăn hiện tại và cả lâu dài nhưng nhiệm vụ giữ rừng chính là bảo vệ cuộc sống.
Bởi vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với quần chúng nhân dân tăng cường công tác bảo vệ rừng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 345 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó 1 phương án cấp tỉnh, 20 phương án cấp huyện, 325 phương án cấp xã và các chủ rừng đã được phê duyệt. Cùng đó có khoảng 1.926 tổ đội quần chúng chữa cháy rừng ở cơ sở thôn, bản, trong đó nòng cốt là lực lượng kiểm lâm cơ động, dân quân tự vệ, quân đội, công an và lực lượng của chủ rừng.
Cuối tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2013 với các tỉnh, thành phố có rừng trên cả nước nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ, phát triển rừng và tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, những kiến nghị từ cơ sở vẫn chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Cho nên, trước mắt, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương chủ động rà soát tự cân đối, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm nay; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế trồng rừng, lập dự án lâm sinh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của rừng; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hưởng lợi từ rừng.
Bước vào đầu mùa nắng nóng năm nay, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo nguy cơ cháy rừng báo động cấp 4 ở vùng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tại các huyện miền Tây Nghệ An. Đây là điều đáng lo ngại. Bởi vậy, bên cạnh sự chủ động của các lực lượng chức năng và các chủ rừng thì việc nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân tham gia bảo vệ rừng có ý nghĩa quyết định.
Nguyên Sơn