Đừng để dòng vốn FDI đổi hướng!

15/09/2013 15:39

Cách đây ít lâu, cựu giám đốc một ngân hàng của Thụy Sỹ bình luận khá... bi quan, đại ý: Nền kinh tế Việt Nam khó thoát khỏi vòng xoáy. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế quá dàn trải, không thấy đâu là mũi nhọn. Nếu đề án tốt thì Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn FDI để phát triển kinh tế trong lúc khó khăn...

Cách đây ít lâu, cựu giám đốc một ngân hàng của Thụy Sỹ bình luận khá... bi quan, đại ý: Nền kinh tế Việt Nam khó thoát khỏi vòng xoáy. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế quá dàn trải, không thấy đâu là mũi nhọn. Nếu đề án tốt thì Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn FDI để phát triển kinh tế trong lúc khó khăn...



Ảnh minh họa

Dĩ nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn ra khỏi “cơn bão” khủng hoảng, tăng trưởng vẫn chậm, công nghiệp phát triển chưa bền vững, nhập siêu quay trở lại, nông nghiệp phát triển manh mún...

Song, không phải tất cả đều màu xám! 8 tháng đầu năm 2013, cả nước có hơn 52.420 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn gần 253.700 tỷ đồng, chưa kể 10.631 doanh nghiệp “hồi sinh” sau thời gian “chết lâm sàng”. Chỉ số công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng, dù ít. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn tăng, dù không nhiều... Đó đâu phải là những mảng màu xám?

Có một minh chứng “sáng” hơn: Ngoài những quốc gia có nhiều dự án FDI lớn như Singapore, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan..., đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang ở giai đoạn “bùng nổ”, theo lời ông Daisuke Hiratsuka (Phó Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản- Jetro) tại Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam- Nhật Bản tổ chức ở Hà Nội ngày 5/9/2013. Lượng các nhà đầu tư đến nhờ tư vấn ở các văn phòng của Jetro tại Hà Nội tới 6.800 người và TP.HCM 5.700 người, lần lượt đứng thứ 2 và thứ 5 trong các văn phòng của Jetro trên thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam rất khả quan: Năm 2011: 2.622 triệu USD; năm 2012: 4.007,4 triệu USD; 8 tháng 2013: 1.065,5 triệu USD. Đó là vốn của những dự án cấp phép mới, chưa kể hàng chục tỷ USD tăng vốn các dự án đã triển khai.

Nói vậy không có nghĩa là dòng vốn FDI nói chung, Nhật Bản nói riêng, sẽ tiếp tục chảy ào ạt vào Việt Nam. Tại các diễn đàn, không ít chuyên gia cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam còn rất nhiều yếu kém, thiếu cạnh tranh so với một số quốc gia lân cận. Một trong những cản ngại lớn là phát triển công nghiệp hỗ trợ rất ì ạch. Theo khảo sát của Jetro, trong năm 2012, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ mua được khoảng 28% nguyên vật liệu, linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước, trong khi con số này ở Trung Quốc là 60,8%, Thái Lan 53%...

Tại một diễn đàn hồi tháng 6/2013, Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham) từng khuyến cáo: Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đang nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Môi trường đầu tư không thuận lợi sẽ như những tảng đá lớn khiến dòng vốn FDI đổi hướng chảy ra ngoài Việt Nam! Không thể bàng quan!


Theo baocongthuong-P.H