Cần bảo vệ diện tích rừng ngập mặn ở Quỳnh Lưu

22/04/2013 22:36

Là huyện ven biển, trước đây cũng như tương lai, Quỳnh Lưu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ hàng năm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những năm trước, với sự tài trợ của các dự án phi Chính phủ từ Nhật Bản và Đan Mạch, diện tích rừng ngập mặn ven biển ở Quỳnh Lưu (chủ yếu là cây đước) không ngừng tăng lên và phát triển tốt. Thời điểm nhiều nhất, toàn huyện có trên 500 ha rừng ngập mặn và rừng phi lao ven biển và là một trong những huyện có diện tích rừng ngập mặn lớn và điển hình nhất của Nghệ An.

(Baonghean) - Là huyện ven biển, trước đây cũng như tương lai, Quỳnh Lưu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ hàng năm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những năm trước, với sự tài trợ của các dự án phi Chính phủ từ Nhật Bản và Đan Mạch, diện tích rừng ngập mặn ven biển ở Quỳnh Lưu (chủ yếu là cây đước) không ngừng tăng lên và phát triển tốt. Thời điểm nhiều nhất, toàn huyện có trên 500 ha rừng ngập mặn và rừng phi lao ven biển và là một trong những huyện có diện tích rừng ngập mặn lớn và điển hình nhất của Nghệ An.

Tuy nhiên, mấy năm lại đây diện tích rừng ngập mặn ở đây đang có xu hướng giảm dần. Đến nay, toàn huyện chỉ còn khoảng gần 300 ha rừng ngập mặn và 40 ha rừng phi lao chắn cát tại các xã vùng bãi ngang ven biển. Cụ thể, xã Quỳnh Lộc giảm 30 ha (từ 100 ha xuống còn 70 ha), Quỳnh Thuận giảm 40 ha (từ 80 ha xuống còn 40 ha), Sơn Hải từ 60 ha xuống còn 20 ha, Quỳnh Dị từ 40 ha nay còn khoảng 25 ha, Quỳnh Minh từ 40 ha xuống còn 35 ha; một số xã diện tích rừng ngập mặn giữ nguyên, phát triển tốt và là nơi cung cấp giống là Quỳnh Thanh, An Hòa.



Rừng ngập mặn ở xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu.

Tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân khiến diện tích rừng ngập mặn ở Quỳnh Lưu giảm. Một trong những điều kiện của để rừng ngập mặn phát triển được là bãi bồi ven sông phải có lúc cạn, lúc ngập nước theo thủy triều. Tuy nhiên, tại nhiều vùng cửa biển Quỳnh Lưu, do dòng hải lưu thay đổi và một số vùng được đắp đê quai nên một số diện tích đất trồng rừng ngập mặn trước đây nay không còn phù hợp dẫn đến diện tích bị mất.

Bên cạnh đó, tại Lạch Thơi và Lạch Cờn, do tàu thuyền đi lại nhiều, sửa chữa và neo đậu bán sản phẩm cũng như chuẩn bị ra khơi, thải ra dầu mỡ nên rừng ngập mặn không thể phát triển được dẫn đến biến mất… Theo quy trình phân công, được sự tài trợ của các dự án phi Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ là cơ quan phụ trách việc trồng, gây dựng rừng ngập mặn cho các địa phương. Sau khi diện tích rừng phát triển tương đối ổn định (khoảng 3 năm) thì giao lại cho chính quyền các địa phương quản lý, giám sát và hưởng lợi.

Chứng kiến hiện tượng diện tích rừng ngập mặn bị sụt giảm, ông Nguyễn Sĩ Bảy, là cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Quỳnh Lưu nhiều năm gắn bó với việc gây trồng rừng ngập mặn đã rất trăn trở và suy nghĩ. Theo ông Bảy, ngoài lý do khách quan thì một số địa phương không có chính kiến khi rừng ngập mặn bị xâm lấn là điều đáng tiếc. Trong việc này, Hội đã giao cho địa phương quản lý giám sát nên tiếng nói rất hạn chế.

Thế nhưng, vì mục tiêu trước mắt, nhiều địa phương chưa chú ý đầy đủ đến việc chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn. Trong nhiều trường hợp, mặc dù nhận được kiến nghị của Hội Chữ thập đỏ nhưng một số xã không có tiếng nói phản biện và thậm chí ký vào các đề án, tờ trình một số doanh nghiệp, đơn vị xin san lấp một số diện tích vốn thuộc quỹ đất trồng rừng ngập mặn. Các diện tích này bình thường là khu đất bãi bồi ven sông nhưng là những “khu đất vàng” vì nằm trước cửa sông cửa lạch… Việc san lấp, quy hoạch phân lô để bán cho dân ở và làm dịch vụ có thể trước mắt là có lợi nhưng lâu dài thì rất nguy hại.

Chúng ta đều biết về thực tế, vì thiếu các “lá chắn” là rừng ngập mặn ven biển nên nhiều điểm dân cư ven biển từ Quỳnh Phương đến Quỳnh Long, Quỳnh Thuận đã biến mất hoặc bị biển lấn sâu hàng trăm mét. Việc san lấp các cửa sông, cửa biển nếu không tính toán kỹ không chỉ làm cửa sông bị hẹp dẫn đến tăng nguy cơ úng lụt khi có mưa bão mà tàu thuyền đi lại khó khăn, không có nơi neo đậu, trú tránh khi có bão; kinh phí đắp đê, kè sẽ lớn lên vì thiếu rừng ngập mặn…

Mặt khác, lợi ích của rừng ngập mặn, rừng phòng hộ phi lao chắn cát ven biển rất lớn đối với môi sinh. Không nói đâu xa, một số cơ quan dự án sau khi đi kiểm tra, nghiệm thu kết quả phát triển rừng ngập mặn tại một số vùng Quỳnh Lưu đã cho thấy sau khi có rừng ngập mặn, do có môi trường phù hợp nên một số giống thủy sản bản địa như cua, ngao đã xuất hiện trở lại.

Thông qua phản ánh về hiện tượng sụt giảm diện tích rừng ngập mặn ven biển ở Quỳnh Lưu, mong muốn một mặt chính quyền các địa phương ở Quỳnh Lưu nói riêng và các huyện, thị ven biển khác trong tỉnh nói chung phải quan tâm hơn nữa đến việc gây trồng và phát triển rừng ngập mặn; mặt khác, phải quan tâm bảo vệ, giữ gìn các diện tích rừng ngập mặn hiện có. Nếu không thực sự vì các dự án phát triển kinh tế, mang lại lợi ích rõ ràng cho dân sinh thì không nên hy sinh diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý, bảo vệ phát triển diện tích rừng phi lao chắn cát ven biển hợp lý, khai thác đúng quy trình; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phi lao phòng hộ ven biển phải theo đúng quy định của pháp luật.


Bài ảnh: Nguyễn Hải