Lời giải cho bài toán phát triển kinh tế rừng?

22/04/2013 22:34

(Baonghean) - Lâm nghiệp được xác định là một thế mạnh của huyện Quỳ Châu. Rừng Qùy Châu được phân bố thành 3 dải lớn và phong phú về chủng loại. Nắm bắt được lợi thế này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định đầu tư và phát triển rừng nguyên liệu là ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy nhưng, đến nay, kinh tế rừng vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như tiềm năng sẵn có.

(Baonghean) - Lâm nghiệp được xác định là một thế mạnh của huyện Quỳ Châu. Rừng Qùy Châu được phân bố thành 3 dải lớn và phong phú về chủng loại. Nắm bắt được lợi thế này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định đầu tư và phát triển rừng nguyên liệu là ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy nhưng, đến nay, kinh tế rừng vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như tiềm năng sẵn có.

Mô hình phát huy lợi thế

Nhìn những cánh rừng xanh ngút ngát dọc theo Quốc lộ 48 từ Châu Bình ngược lên, phần nào thấy được hiệu quả bước đầu của chiến lược phát triển kinh tế mà NQ Đại hội Đảng bộ huyện Quỳ Châu lần thứ 24 đã đề ra. Theo chỉ dẫn của cán bộ lâm nghiệp xã, chúng tôi tìm đến nhà anh Vi Đức Thuận, người được xem là “vua” trồng rừng của xã. Qua câu chuyện, được biết, sau cơn lốc đá đỏ, với sự hỗ trợ của Nhà nước về phát triển trồng rừng, sản xuất, chăn nuôi, anh Thuận đã bàn bạc, liên kết với 36 hộ đồng bào Thái ở bản Kẻ Khoang và Bình Mai hình thành nên vùng đất rộng trên 120 ha để trồng rừng. Anh Thuận là nhóm trưởng, đứng ra tổ chức mua giống, phân công cho 36 hộ làm đất, trồng rừng, bảo vệ và đến mùa khai thác.

Với hình thức quay vòng, thu hoạch khoảng vài chục hécta rồi tổ chức trồng lại rừng ngay trên diện tích vừa khai thác, kết hợp với phát triển chăn nuôi, các hộ dân trong nhóm của anh Thuận có thu nhập ổn định. Từ đó, tính bền vững của kinh tế trồng rừng được phát huy. Để thuận lợi cho việc trồng, bảo vệ và thu hoạch rừng, những năm qua, nhóm của anh Thuận đã tự bỏ ra ba trăm triệu đồng thuê máy ủi, mở khoảng 7 km đường lên các đồi cao, đến các khu rừng trồng. Sau vụ thu hoạch tràm cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nhóm anh đang dự tính sẽ chuyển đổi khoảng 50 ha đầu tư trồng cao su theo chủ trương của tỉnh. Nhờ phát triển kinh tế rừng nên kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển, anh dựng được nhà, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống, sắm được cả xe bán tải chở gỗ nguyên liệu...



Thu hoạch keo nguyên liệu ở xã Châu Bình.

Hiện tại, ở Châu Bình, những đại gia giàu lên từ rừng như anh Vi Đức Thuận không phải là hiếm. Tính sơ sơ, toàn xã Châu Bình hiện có hàng trăm mô hình gia đình phát triển kinh tế tổng hợp bằng việc trồng rừng tập trung, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa. Trong đó, các mô hình trồng rừng quy mô lớn từ 10 đến trên 100 ha trở thành những điển hình tiên tiến của huyện Quỳ Châu. Trên 10.000 ha đất đồi ở Châu Bình đã được giao khoán cho đồng bào trồng rừng. Đến nay, rừng ở Châu Bình đang bước vào vụ thu hoạch chu kỳ thứ ba.

Chính việc xác định phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của rừng cùng với đầu tư thích đáng cho phát triển rừng mà đến nay, người dân đã có ý thức hơn trong trồng rừng để phát triển kinh tế. Theo báo cáo từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu thì lâm nghiệp chiếm 30% tổng giá trị sản xuất; trong hai năm 2011-2013, toàn huyện trồng được 2.284,6 ha rừng tập trung và 260.000 cây phân tán các loại; đặc biệt là đã quan tâm chú trọng trồng cây có giá trị kinh tế cao như: cao su 92 ha, rễ hương...

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bắt đầu từ năm 2012, Trạm Khuyến nông, khuyến lâm huyện đã triển khai đề án trồng rễ hương và gừng dưới tán rừng. Với 21,5 ha cây rễ hương thí điểm ở địa bàn các xã Châu Thắng, Châu Thuận, Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Phong, thị trấn và 1 ha gừng ở bản Chàng xã Châu Thuận. Ưu điểm của những loại cây này là sống được dưới tán rừng, tận dụng được đất rừng, tạo nguồn thu lấy ngắn nuôi dài. Song song với đó, công tác khoanh nuôi, bảo vệ và chăm sóc rừng hiện được chú trọng, 75.036,7 ha được chăm sóc tốt; đã khôi phục và phát triển 14.507 ha rừng lùng – nứa, nâng độ che phủ rừng lên 78%.

Theo tính toán của các hộ trồng rừng, nếu giá bán nguyên liệu như hiện nay, thì mỗi ha rừng trồng nguyên liệu đến kỳ thu hoạch trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha/năm. Chưa kể thu nhập từ các loại cây trồng xen khi rừng chưa khép tán như: rễ hương, sắn, gừng... đây thật sự là một khoản lãi khá lớn trong sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên, phát triển kinh tế rừng ở Quỳ Châu vẫn còn những vướng mắc, khó khăn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình...

Tìm hướng phát triển

Ông Lô Thanh Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT Quỳ Châu cho biết: Với địa hình, điều kiện và tiềm năng như Quỳ Châu thì chỉ có rừng mới giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Nhưng trồng loại cây gì đem lại hiệu quả kinh tế lại là vấn đề, bởi vì bao đời nay, người dân đã có rừng nhưng vẫn nghèo (đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Quỳ Châu vẫn chiếm 50.06%). Sau khi nghiên cứu kỹ, huyện thống nhất trồng cây keo Nhưng muốn phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững thì phải biết kết hợp trồng trọt và chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài. Trong khi đó, đề án trồng gừng và rễ hương dưới tán rừng mới chỉ dừng lại ở mô hình, tính bằng ha và đầu ra cho sản phẩm đang do người dân tự lo.

Vướng mắc nữa trong việc trồng rừng là người dân chưa yên tâm sản xuất trên đất rừng vì họ chưa được giao khoán đến tận hộ, chưa được cấp lâm bạ. Theo thống kê, Quỳ Châu đã chuyển giao 16.943,81 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất cho các xã. Trong đó, Châu Bình 1.103 ha, Châu Hạnh 4.938 ha, Châu Thuận 2.436 ha, Châu Phong 2.497 ha... Tuy nhiên, đến thời điểm này, số diện tích trên vẫn do các địa phương quản lý, lực lượng kiểm lâm mỏng nên việc quản lý và bảo vệ rừng không hiệu quả. Quỳ Châu hiện có 8.382 hộ đang cần được giao đất rừng để sản xuất. Nhưng để giải quyết đang là khó khăn do thiếu kinh phí tư vấn, đo đạc. Theo ước tính, để đo đạc, tư vấn và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần khoảng 17 tỷ đồng. Do đó, huyện cần cơ chế tạo nguồn kinh phí đo đạc, tư vấn và rà soát đất giao về cho địa phương, tiến hành quy hoạch đất rừng và giao cho từng hộ dân.

Bên cạnh đó, với sản lượng khai thác rừng nguyên liệu hàng năm lớn, nên cần xác định giải pháp then chốt là chế biến sâu, tạo nên giá trị gia tăng trên các sản phẩm từ rừng. Nếu thu hút được các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm từ rừng sẽ đảm bảo đầu ra cho bà con, đỡ kinh phí vận chuyển và tận dụng tối đa cành, ngọn, thân cây gỗ nhỏ, hạn chế thấp nhất lãng phí nguyên liệu gỗ và nâng giá trị gấp năm đến bảy lần so với bán nguyên liệu thô. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Trồng rừng, đặc biệt là rừng nguyên liệu đang là cơ hội để tăng nguồn thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc miền núi ở Quỳ Châu. Vì thế, khắc phục khó khăn bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đến địa phương đầu tư trồng rừng, gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ rừng là một hướng đi lâu dài cần được tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp khả thi hơn ở Quỳ Châu.


Bài, ảnh: THANH PHÚC