Gia đình thật là tuyệt !

03/09/2013 23:24

Hai cậu cháu cùng ngồi đọc cuốn “Tôi là Bêtô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có một đoạn như thế này: “Chị Ni rất yêu mến và tự hào về bà cố của mình. Lý do là bạn cùng lớp với chị chẳng người nào còn bà cố hay ông cố. Tất cả các bậc lão trượng đó đều đã qua đời (...) “Bà cố” thật là quý hiếm. Cho nên cũng thật là tuyệt.”

(Baonghean) - Hai cậu cháu cùng ngồi đọc cuốn “Tôi là Bêtô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có một đoạn như thế này: “Chị Ni rất yêu mến và tự hào về bà cố của mình. Lý do là bạn cùng lớp với chị chẳng người nào còn bà cố hay ông cố. Tất cả các bậc lão trượng đó đều đã qua đời (...) “Bà cố” thật là quý hiếm. Cho nên cũng thật là tuyệt.”

Sau một hồi đăm chiêu nghĩ ngợi, bé Bim chất vấn mình cực kỳ nghiêm túc:

- Cậu này, bà cố nhà mình vẫn còn đấy chứ? Sao bà cố không ở với nhà mình hả cậu? Bố thích sưu tầm tem quý hiếm, cậu thích sưu tầm tiền cổ quý hiếm, Bim cũng thích sưu tầm que kem trúng thưởng quý hiếm, thế sao bà cố quý hiếm mà mình lại không sưu tầm nhỉ?

Mình nín cười, trả lời nó bằng một vẻ cũng cực kỳ nghiêm túc:

- Ờ, bà cố ở quê, còn nhà mình ở thành phố...

- Thì mình đưa bà cố về thành phố? Hôm nọ trên tivi người ta còn cho cả một cái đình làng to đùng lên xe ôtô chở đi cơ mà, chẳng nhẽ bà cố nặng hơn cả cái đình hả cậu?

- Ờ thì bà cố thích ở quê hơn. Bim suốt ngày nhảy nhót, la hét, chơi điện tử chíu chíu đến cậu còn đau đầu nữa là bà cố? Hay nhà mình về quê ở với bà cố nhé?

- Nhưng về quê không được chơi điện tử, không được đi công viên, không được ăn kem, Bim buồn chết mất!

Mình nhìn con bé phụng phịu, chợt nghĩ ngợi. Tại sao bây giờ những gia đình 3, 4 thế hệ sống cùng một mái nhà lại “quý hiếm” đến thế? Xét theo khoa học dân số mà nói, do chính sách kế hoạch hoá gia đình “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ” nên gia đình thời đại mới neo người hơn gia đình kiểu cổ. Xét trên góc độ kinh tế, quá trình đô thị hoá đã thay đổi mạnh mẽ phân bố dân cư, thu hút phần lớn dân số trẻ về các thành phố lớn. Ngay ở thành phố, giới trẻ thường thích sống riêng sau khi lập gia đình. Điều này phản ánh đời sống kinh tế được cải thiện và sự mai một dần của những hệ giá trị, tư tưởng phong kiến gia trưởng.

Nói về mô hình gia đình xưa và nay, có thể biểu diễn bằng sơ đồ cây (kiểu như cây gia phả). Gia đình kiểu xưa là một cây lớn, với gốc là tổ tiên, cụ kị xưa lơ xưa lắc, từ đó toả đi các nhánh ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị em,...Gia đình ngày nay cũng là một cây phân nhánh, nhưng ít tầng hơn. Ví dụ: Một gia đình thường chỉ có 2 tầng là bố mẹ và con cái, cùng lắm là 3 tầng ông bà - bố mẹ - con cái. Lý do là khi con cái trưởng thành, chúng tách hẳn ra khỏi cây ông bà, bố mẹ để “mọc” thành một cây riêng rẽ. Kết lại bằng cái nhìn toàn cảnh, xã hội xưa là khóm cây cổ thụ - từ đó sinh ra văn hoá dòng tộc, còn xã hội nay là rừng cây con.

Rõ ràng gia đình thời đại mới có tính độc lập cao, năng động và thích ứng với thời đại toàn cầu hoá hơn gia đình kiểu cũ. Nhưng bỏ qua hết mớ lý thuyết kinh tế, dân số trên đây, xin chỉ bàn về gia đình bằng khái niệm nguyên thuỷ nhất. Gia đình được tạo nên khi các cá nhân được gắn kết bằng mối quan hệ máu mủ, bằng thứ tình cảm bản năng, chân thành, bền bỉ nhất mà không vướng bận tính toán, vụ lợi. Gia đình là nhân tố nền tảng của xã hội, bởi cuộc sống gia đình phản ánh cách sống của cá nhân trong cộng đồng.

Cụ thể, đứa trẻ được gia đình yêu thương sẽ biết cách yêu thương mọi người, đứa trẻ sống trong gia đình đoàn kết, nhường nhịn nhau sẽ sống hài hoà, biết hy sinh vì người khác. Như vậy, một gia đình kiểu mới mà sự gắn kết giữa các thế hệ đang dần nhạt nhoà, cảnh báo về viễn cảnh một xã hội rời rạc. Đến một giới hạn nào đó, gia đình có còn là gia đình nữa không, và xã hội có còn là xã hội nữa không, khi không còn mối liên kết nào giữa các cá nhân?

Trở lại với bà cố và bé Bim, tự nhiên thấy việc “di dời” bà cố lên thành phố đúng là khó hơn di dời cái đình làng hơn trăm ngàn lần! Bởi vì thứ gắn bó bà cố với làng quê không chỉ thuần tuý là sở thích, thói quen mà là tuổi thơ, kỷ niệm, dòng họ, là tất cả những gì đại diện cho thế hệ bà và cho thế giới xưa cũ đang bên bờ vực đổ vỡ vì cuộc sống hiện đại. Những hệ giá trị đó bám rễ vào con người, nhận thức của cả lớp người, chắc chắn hơn nền móng của bất kỳ ngôi đình nào. Mỗi thế hệ gắn liền với thời đại mà mình sinh ra, bắt buộc ai từ bỏ thế giới, cuộc sống của mình sẽ là phi nhân văn và bất khả thi. Vậy thì cây cầu nào để nối những bờ trẻ - già, mới - cũ? Có lẽ không gì ngoài thứ tình cảm bản năng, chân thành, bền bỉ, thứ tình cảm máu mủ khiến người ta biết cảm thông, chia sẻ và hy sinh bản thân mình. Thứ tình cảm đó, mình trộm nghĩ, thật là quý hiếm, cho nên cũng thật là tuyệt!


Hải Triều