Suy dinh dưỡng ở người già: Không nên để “nước đến chân mới nhảy”
Thấy mẹ có những biểu hiện bất thường, chị đưa mẹ đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, chị hết sức ngạc nhiên khi được bác sỹ thông báo mẹ chị bị suy dinh dưỡng nặng.
Từ trước đến nay chị chỉ nghĩ chỉ trẻ con mới bị, chứ người già thì làm sao có thể bị suy dinh dưỡng được
Trên thực tế, suy nghĩ chỉ trẻ con mới bị suy dưỡng không chỉ riêng chị Vân mắc phải mà có rất nhiều người. Để rồi khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn. Điều đáng nói, khi người già suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật mà còn đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào…
Gần 40% người già mắc bệnh suy dinh dưỡng
Đó là kết quả nghiên cứu của Tổ chức y tế Thế giới vừa công bố. Theo đó, suy dinh dưỡng bao gồm nhóm bệnh thiếu năng lượng, vi chất dinh dưỡng và dưỡng chất trong một thời gian dài. Tại Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu dưỡng chất ở người trên 40 tuổi khá phổ biến, trung bình từ 20 - 30%, thậm chí có nơi trên 40%.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khẩu phần ăn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cơ thế hàng ngày. Hoặc do người cao tuổi thể trạng sức khỏe yếu, hay mắc bệnh mãn tính, hệ tiêu hóa giảm, hấp thu kém, cũng như thường đau mỏi, chán ăn… dẫn đến việc bị suy dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia y tế, việc người già bị suy dinh dưỡng thường để lại những hậu quả hết sức nguy hiểm, gây lên những biến chứng khôn lường, làm suy yếu các chức năng hoạt động của tim mạch, nội tiết, phổi, tụy, nhận thức… thậm chí là dẫn đến tử vong.
Những nguyên nhân dẫn đến việc người già bị suy dinh dưỡng
Cho đến nay, các bác sỹ đã tìm ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người già bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nó thường tập trung chủ yếu ở những lý do sau:
Do tuổi cao:Theo một quy luật tất yếu, khi tuổi càng cao, các chức năng sinh học của cơ thể càng suy yếu dẫn đến việc hấp thụ thực phẩm của ruột và dạ dày giảm; Vị giác và khứu giác yếu dẫn đến bớt cảm giác về ăn uống; Việc trao đổi chất diễn ra chậm, do đó ít có nhu cầu ăn uống…
Sống đơn độc:Có một thực trạng hiện nay, rất nhiều người cao tuổi phải sống một mình, không có vợ (chồng), con cháu bên cạnh. Nguyên nhân thì có nhiều như không có chồng con, con cái đi làm ăn xa, bị gia đình ruồng rẫy… Điều này kết hợp với “bệnh” người già và tâm lý dẫn đến việc họ thường ăn qua loa cho xong bữa, nên ăn ít, không ý thức sự quan trọng của dinh dưỡng, ăn gì cũng được, cốt sao cho no bụng thì thôi. Ăn không đủ chất dinh dưỡng hoặc không đúng cách, không biết cất giữ, nấu nướng thức ăn.
Bệnh tật:Đa phần những người cao tuổi thường mắc những bệnh kinh niên như ung thư, tim, phổi, dạ dày… Khi mắc bệnh, mọi người thường sử dụng các loại thuốc khiến dịch vị dạ giày giảm dẫn đến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng như sắt, đường lactose... Việc sử dụng thuốc nhiều không chỉ ảnh hướng đến dạ dày mà còn khiến chức năng gan giảm dẫn đến sự chuyển hóa thực phẩm chậm kéo theo ăn không ngon, chán ăn, cơ thể thiếu chất…
Người già bị suy dinh dưỡng, ngoài việc cơ thể gầy gò, ốm yếu còn có nhiều biểu hiện khác để nhận biết như thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, với sự việc xảy ra xung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính; Da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành; Tóc khô giòn, rụng nhiều; Móng tay khô, nứt; Ăn không ngon miệng, giảm cảm giác với mùi vị thực phẩm; miệng khô, lưỡi và môi lở; nhai nuốt khó khăn, hay buồn nôn; Đại tiện bón, lỏng bất thường; Nhịp tim nhanh; hơi thở khó khăn; Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm. Các bệnh đang có trầm trọng thêm lên, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ bị tai nạn…
Người già suy dinh dưỡng ẩn chứa nhiều nguy cơ nguy hiểm
Vấn đề suy dinh dưỡng ở người già ẩn chứa nhiều nguy cơ nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được tình trạng này bằng những cách sau.
Ở độ tuổi nào chúng ta cũng cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, với người cao tuổi thì càng phải quan tâm hơn. Do đó, việc lựa chọn thực phẩm, chế biến món ăn phải phù hợp, với đầy đủ chất béo, vitamin, khoáng và bột đường. Nếu có điều kiện thì thực hiện ăn trên 15 thực phẩm mỗi ngày.
Ngoài việc sử dụng thực phẩm tốt, mọi người cũng nên bổ sung thêm một số thành phần hỗ trợ hệ vi khuẩn đường ruột, hệ tiêu hóa giúp ăn ngon, tăng cường khả năng hấp thu như FOS (chất xơ) để đảm bảo cơ thể nhận đủ dưỡng chất thiết yếu, cũng như thành phần hỗ trợ hệ tim mạch (acid béo cần thiết), bổ trợ hệ xương khớp (các chất khoáng), chất chống oxy hóa giúp giảm tốc độ lão hóa.
Theo các chuyên gia tại viện dinh dưỡng khuyến cáo: Các giai đoạn của chu trình vòng đời một con người có liên quan mật thiết với nhau. Do vậy, chiến lược chăm sóc sức khỏe phải được đặt ra từ rất sớm, không nên chờ “nước đến chân mới nhảy”. Một chế độ dinh dưỡng đúng, hợp lý cùng với nếp sống lành mạnh, lạc quan, rèn luyện thân thể đều đặn… là những yếu tố cực kỳ quan trọng giúp con người có sức khỏe tốt, đặc biệt từ tuổi 40 trở lên…
Theo Gia đình Việt Nam - nt