Hạt gạo tình thương của người cựu chiến binh

22/08/2013 18:07

(Baonghean) - Đã 2 năm nay, cứ vào dịp giáp Tết, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân ở xóm Bình Ngô, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương lại lấy ra số tiền dành dụm hàng tháng của mình để mua gạo làm quà gửi đến cho các gia đình còn khó khăn trong xóm, với mong muốn chia sẻ phần nào nỗi vất vả của họ.

(Baonghean) - Đã 2 năm nay, cứ vào dịp giáp Tết, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân ở xóm Bình Ngô, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương lại lấy ra số tiền dành dụm hàng tháng của mình để mua gạo làm quà gửi đến cho các gia đình còn khó khăn trong xóm, với mong muốn chia sẻ phần nào nỗi vất vả của họ.

Tôi đến xóm Bình Ngô, xã Thanh Giang, (Thanh Chương) tìm gặp ông Nguyễn Văn Thân (73 tuổi), một tấm gương cựu chiến binh điển hình của huyện. Xóm nhỏ mà có đến ba người cùng tên Thân. Nhắc đến ông Thân hay làm từ thiện, người ta chỉ cho tôi căn nhà với hàng dài cây tóc tiên râm mát phía trước.

Vị thuyền trưởng năm xưa, nay ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” có dáng vẻ vừa hiền hòa, vừa rắn rỏi. Căn nhà của ông mang đậm dấu ấn của người lính đã gần 50 tuổi Đảng. Cờ đỏ sao vàng, cờ bùa liềm, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Các Mác, Lê Nin, được ông treo ở vị trí trang trọng trong phòng khách. Ông Thân bồi hồi nhớ lại quãng đời tuổi trẻ.

Học xong cấp 2, anh thanh niên Nguyễn Văn Thân hăng hái xung phong đi bộ đội, dù không thuộc diện thực hiện nghĩa vụ quân sự vì là con trai một trong gia đình. Ông đầu quân vào sư 325 (Quân khu IV), Trung đoàn 101. Tháng 2/1960, ông được quân khu điều đi chiến đấu ở Lào, thuộc lớp lính nghĩa vụ đầu tiên của Nghệ An đánh đường 9 Nam Lào, mở đường mòn Hồ Chí Minh.

Tháng 4/1961, trong trận đánh Đồn Thà Khống, chịu sức ép của bom, ông Thân bị thương nặng, đến nay một mảnh đạn còn găm trong khủy tay ông, bởi làm phẫu thuật rất nguy hiểm. Vì bị thương nên tháng 6/1961, ông ra quân, về nước và học Trung cấp Hàng hải ở Hải Phòng. Nhờ quá trình phấn đấu rèn luyện, ông Nguyễn Văn Thân được kết nạp Đảng vào năm 1965. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân về Ty Giao thông Nghệ An.

Năm 1965 – 1967 là thời gian Mỹ đánh bom ác liệt. Ngư lôi của kẻ thù giăng đầy ngoài biển, và cả trên sông, đặc biệt ở các cầu; Tàu và máy bay của Mỹ theo dõi sát sao vùng biển. Trước khi về quê làm nhiệm vụ, ông Thân được làm Lễ truy điệu sống ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Về Nghệ An, ông làm thuyền trưởng chở hàng viện trợ từ ngoài biển vào đất liền, từ Nghệ An vào Quảng Bình, nối cầu phao để thông xe. Công việc nguy hiểm được thực hiện bí mật vào ban đêm. Trong thời bình, ông tiếp tục làm tốt vai trò của một thuyền trưởng tại nhiều cơ quan khác nhau trong Ty Giao thông Nghệ An, và nghỉ hưu vào năm 1985.



Ông Nguyễn Văn Thân.

Ở địa phương, ông Nguyễn Văn Thân tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Qua đợt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông càng cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Ông nói: “Bác Hồ có rất nhiều đức tính đáng để học tập, nhưng tôi thấy cái cốt lõi nhất trong đạo đức của Bác đó là lòng thương yêu con người, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Bên cạnh đó là tính cần, kiệm, liêm, chính. Tính tôi thì thực tế, bởi vậy mỗi tháng tôi tiết kiệm một ít tiền, đến cuối năm mua gạo, thông qua Mặt Trận xóm, có món quà gửi đến các gia đình còn khó khăn cho ấm lòng dịp Tết. Xóm tôi hiện tại có 19 hộ nghèo, hơn 20 hộ cận nghèo, vất vả nhất là các trường hợp người già neo đơn.” Ý định làm từ thiện của ông được gia đình cổ vũ, các con ông cũng cho rằng “làm từ thiện nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu”. Cuối năm 2011, ông ủng hộ 200 kg gạo cho các gia đình, và đến năm 2012 là 400 kg gạo. Ông cho biết: “Tôi thấy phấn khởi vì đã làm việc có ích cho xã hội, trong khó khăn giúp đỡ nhau sẽ thấy giá trị của cuộc sống”.

Bên cạnh đó, ông Thân còn vận động gia đình, bà con xung quanh, đặc biệt là anh em Hội Cựu Chiến binh giúp đỡ các gia đình khó khăn, gia đình chịu mất mát trong chiến tranh về vật chất, tinh thần, giúp họ công buổi làm nhà. Trước, ông từng là hội trưởng Hội Hưu trí, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu Chiến binh nhưng từ 10 năm trở lại đây, khi tuổi đã cao, ông xin nghỉ. Với tư cách hội viên, ông vẫn luôn tích cực với các phong trào, hoạt động xã hội.

Trong gia đình, ông giáo dục con cháu hòa thuận, yêu thương nhau, trung thực, tự trọng. Gia đình ông là gia đình gương mẫu, thực hiện tốt các chủ trương của xã, chi bộ trong thôn xóm. Bốn người con của ông hiện tại đều đã trưởng thành, lập gia đình và có công việc ổn định. Năm 2011, cháu gái của ông, em Nguyễn Thị Thùy Trang (lúc này học lớp 4, Tiểu học Thanh Giang) khi nhặt được một túi tiền đựng 20 triệu đồng đã đưa lên UBND xã để trả lại cho người mất. Ông Nguyễn Văn Thân tâm niệm: “Cuộc sống bây giờ muôn hình muôn vẻ, bản thân mình phải luôn giữ được phẩm chất đạo đức của một người đảng viên, người lính Cụ Hồ đến giây phút cuối cùng”.


Nguyễn Trang