“Đảng viên đi trước” ở Huồi Cam

04/09/2013 09:51

(Baonghean) - Bản Huồi Cam của xã Nậm Nhoóng (Quế Phong) còn nhiều khó khăn, 73 hộ thì có tới 60 hộ diện nghèo. Năm 2011, chi bộ bản ra nghị quyết phát triển kinh tế hộ, với phương châm đảng viên đi trước và hộ có điều kiện giúp đỡ hộ khó khăn...

Ông Lữ Tất Xuyên - Trưởng bản Huồi Cam gặp chúng tôi, hồ hởi: Cả bản bây giờ dù ít hay nhiều, nhà nào cũng tìm được khu vực chăn nuôi, sản xuất cả rồi. Cũng nhờ ông Bí thư Đảng ủy xã Moong Thái Xuyên cả mà (ông Xuyên ở cùng bản Huồi Cam). Ông ấy lao động giỏi, nên ông nói cả bản đều nghe và làm theo.



Trưởng bản Lữ Tất Xuyên cuốc đất trồng rau.

Đồng bào bản Huồi Cam là dân tộc Khơ mú. Trước đây, chuyện làm kinh tế của từng gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc do ruộng nương ít, chăn nuôi thường bị dịch bệnh. Đi đầu phát triển kinh tế hộ là gia đình ông Moong Thái Xuyên - Bí thư Đảng ủy xã. Cách đây 5 năm, ông mượn đất đồi rừng của một số hộ trong xã với diện tích 30 ha, tạo thành khu vực chăn nuôi, sản xuất xa khu dân cư. Ở đó, ông Xuyên chăn nuôi có lúc hơn 100 con lợn, hàng chục con gà đen và đào ao thả cá, kết hợp trồng rừng. Khi mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông tích cực vận động nhân dân làm theo mình, để ổn định cuộc sống.

Những người được ông trực tiếp vận động, nhắc nhở nhiều nhất là Bí thư Chi bộ và Trưởng bản Huồi Cam. Mình là cán bộ, đảng viên, muốn được người dân nghe mình, làm theo mình, thì mình phải là người tiên phong đi trước. Tiếp thu lời nói của ông Xuyên, Bí thư chi bộ Lữ Hà Dương và Trưởng bản Lữ Tất Xuyên lặn lội vào các thung lũng tìm chỗ thuận lợi để khoanh vùng làm kinh tế trại. Khi tìm được nơi ưng ý, những lúc rảnh rỗi, Bí thư và trưởng bản đi bộ gần tiếng đồng hồ từ nhà vào trại để chăn nuôi lợn, trồng sắn, khai hoang ruộng nước… Thấy vậy, bà con dân bản ai cũng làm theo.

Được sự thống nhất của Đảng ủy xã, đầu năm 2011, Chi bộ Huồi Cam xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế hộ. Nghị quyết đặt ra, mỗi hộ phải có trại làm kinh tế riêng, cách xa bản. Hình thức phát triển kinh tế là khai hoang ruộng nước, trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà… Điều bắt buộc là hộ nào cũng phải có 2 con lợn nái trở lên, để phát triển đàn lợn nít, bán ra thị trường. Với phương châm đảng viên đi trước, bản có 73 hộ, chia thành 9 tổ làm kinh tế, mỗi tổ đều có đảng viên phụ trách.

Trưởng bản Lữ Tất Xuyên, cho biết: Xuất phát từ người dân thiếu việc làm, và chăn nuôi trong bản luôn bị dịch bệnh, mất vệ sinh, chi bộ bản ra nghị quyết phát triển kinh tế hộ. Người dân ai cũng đồng tình hưởng ứng. Trong quá trình thực hiện, những hộ có điều kiện phải có trách nhiệm giúp đỡ những hộ khó khăn. Bằng cách, những hộ chưa có lợn, được một hộ có điều kiện hơn cho 1 con lợn nái giống để nuôi. Sau khi lợn đẻ lứa đầu, toàn bộ số lợn con gia đình được hưởng, còn lợn nái trả lại cho chủ. Ví như, gia đình Trưởng bản Lữ Tất Xuyên, đầu năm 2013, giúp đỡ 2 hộ, là Vi Văn Tâm và Moong Văn Xanh, mỗi hộ được nhận 1 con lợn nái giống. Vừa qua, lợn của 2 gia đình đã đẻ được mỗi lứa 9 con. Sau đó, 2 gia đình này đã trả lại con lợn giống cho gia đình anh Xuyên.

Nhờ cách làm đó, đến nay toàn bộ số hộ của bản Huồi Cam đã có trại phát triển kinh tế riêng, mỗi hộ đều có lợn nái để nuôi. Đàn lợn của bản Huồi Cam ngày càng nhiều thêm. Không chỉ làm kinh tế trại, bà con bản Huồi Cam còn học cách làm của ông Moong Thái Xuyên cải tạo đất vườn, trồng rau, củ quả. Hiện nay, hầu hết các hộ trong bản đều khoanh được mảnh đất vườn để trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Trong chi bộ, Học Văn Hợi là người đi tiên phong. Thực hiện nghị quyết, đầu năm 2012, ông Học đến khu vực khe Huồi Cam, khoanh vùng đẩy mạnh chăn nuôi và trồng trọt. Sau hơn 1 năm, gia đình ông đã có nhiều sản phẩm bán ra thị trường, có tiền mua sắm được xe máy, ti vi… kinh tế gia đình dần ổn định.

Từ năm 2012, bản Huồi Cam phấn đấu mỗi năm giảm được từ 5 - 6 hộ nghèo. Và xuất phát từ phong trào làm kinh tế hộ, phong trào xây dựng NTM ở đây cũng mạnh nhất xã. Thời gian qua, bà con dân bản đã tự nguyện hiến đất mở đường trên toàn bộ chiều dài 424 mét đường nội bản. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con dân bản đã đổ bê tông được 360m. Và việc đưa nghị quyết phát triển kinh tế của chi bộ bản cũng là giải pháp góp phần tích cực trong phong trào xây dựng địa phương thời gian tới.


Xuân Hoàng