Cần có phương án di dời dân ra khỏi vùng sạt lở
Rạng sáng, trời mưa lớn, khi đang mơ màng thì tôi nghe tiếng cây gãy răng rắc, vừa kịp dậy khỏi giường để xem chuyện gì thì hai khối đá to bẳng nửa ngôi nhà lăn xuống buồng ngủ và gian bếp. Chỉ chậm 1 phút tôi, chắc là tôi tan xác mất”, bà Phạm Thị Nghĩa vừa nhìn tảng đá đè sập ngôi nhà vừa sợ hãi kể về giây phút sạt lở núi.
Một ngày khi vụ sạt lở núi xảy ra ở xóm Rồng, xã Nghi Thiết, cảnh tượng ở đây vẫn hết sức thảm hại, người dân vừa nhìn ra biển vừa lo lắng bất an bởi những khối đá phía trên đỉnh núi đang chờ chực, có thể rơi xuống lúc nào. Nhà bà Phạm Thị Nghĩa – ông Hồ Văn Thanh là hộ bị thiệt hại nặng nề nhất sau vụ sạt núi khi hai khối đá nặng hàng chục tấn lăn thẳng vào nhà.
Vừa nhận cốc sữa nóng từ người hàng xóm, bà Nghĩa vừa kể chuyện với ánh mắt buồn rầu, mệt mỏi sau một đêm thức trắng. Ngày trước, đây là một mỏm đồi trọc với những khối đá hình trụ to bằng nửa con thuyền xếp phía trên, dần dần, người dân cố gắng trồng bạch đàn, phi lao để vừa giữ nước vừa hạn chế sạt lở. 20 năm về làm dâu ở xóm Rồng, hầu như mùa mưa nào bà Nghĩa cũng chứng kiến cảnh sạt đất, đá từ trên cao núi xuống.
Khối đá lớn đè nát buồng ngủ nhà ông Thanh.
Những tảng đá nặng hàng chục tấn lăn từ đỉnh núi xuống dưới.
Chồng bà Nghĩa là ông Hồ Văn Thanh làm nghề đánh cá thuê cho các chủ tàu trong xã, hai ngày trước, ông Thanh theo thuyền ra khơi, bà Nghĩa ở nhà một mình bởi 3 đứa con đều đang đi làm thuê tận miền Nam. Cả ngày và đêm 10/9, trời mưa to, gió lớn, một mình bà Nghĩa ở nhà cố gắng đóng chặt cửa, dùng xô chậu hứng nước mưa ở những chỗ bị giột và đi nằm.
Đến gần sáng, khi vừa mới chợp được mắt thì bỗng nhiên bà Nghĩa giật mình nghe cây cối sau nhà kêu răng rắc, mặt đất như rung chuyển bởi những tiếng động lạ. Như một phản ứng tự nhiên, bà lao ra khỏi giường để nhìn lên trên núi thì bất ngờ, hai khối đá ầm ầm lao thẳng vào nhà bà. Một khối bằng chiếc sập đựng lúa rơi vào buồng ngủ, đè nát chiếc giường. Khối đá thứ hai rơi xuống cạnh nhà bếp khiến bức tường phía sau bị vỡ vụn hoàn toàn. Nhiều tảng đá khác nhỏ hơn rơi văng vào trong nhà gây vỡ ngói, nứt tường và phá hỏng nhiều vật dụng như bàn ghế, giường chõng. Trên đường lăn xuống nhà dân, các khối đá cũng kịp bẻ gãy những cây bạch đàn, phi lao lớn bằng bắp đùi và tạo thành một đường mòn rộng hơn 2 mét. “Nếu lúc đó tôi ngủ say thì chắc chắn đã nằm trọn dưới khối đá rồi”, bà Nghĩa sợ hãi nhớ lại.
Đá khiến nhà dân nứt toác, từng mảng tường bị đâm thủng
Cách đây 1 năm, nhà bà Phơ từng bị đá lở, lần này, 1 góc nhà cũng đổ sập hoàn toàn.
Cạnh nhà ông Hồ Văn Thanh là nhà bà Nguyễn Thị Phơ, chị dâu của ông. Chồng mất cách đây 24 năm, một mình bà Phơ rau cháo nuôi 4 con khôn lớn. Khi các con đi học, bà cũng ra Hà Nội làm ô sin kiếm sống qua ngày bởi ở nhà không biết làm nghề gì khác. Năm 2012, ngôi nhà ọp ẹp của bà cũng bị đá rơi trúng, đổ sập hoàn toàn, mới vay mượn tiền để sửa lại. Thời gian gần đây, bà Phơ tiếp tục ra Hà Nội làm thuê để kiếm tiền trả nợ. Nghe tin nhà bị đá rơi trúng, bà tất tả bắt xe về. Sáng 12/9, trở về đến nhà, bà Phơ ôm mặt khóc rưng rức khi thấy khối đá to lao thẳng vào nhà, đè nát toàn bộ đồ đạc.
Vật dụng trong nhà như xoong nồi, bàn ghế bị hỏng hoàn toàn.
Vào rạng sáng 11/9, có 4 khối đá trên đỉnh núi Rồng lăn xuống nhà dân, ba khối lớn rơi vào nhà chị em ông Thanh, bà Phơ, khối còn lại rơi trúng nhà anh Nguyễn Văn Nồng. Hiện nay, cả 4 khối đá đều đang nằm nguyên tại chỗ, người dân không có cách nào để đưa được ra ngoài.
Có mặt tại núi Rồng vào sáng 12/9, trời mưa tầm tã, chúng tôi nhận thấy những hiểm họa sạt lở đang thường trực ở đây. Ngoài 4 khối đá vừa lăn xuống, phía trên đỉnh đang còn rất nhiều tảng đá khác xếp chỏng chơ, chực đổ xuống bất cứ lúc nào. Nền đất trên bề mặt núi khá yếu, mưa lớn gây nhão đất và xói mòn khiến các tảng đá không có độ bám thì việc ngọn núi này tiếp tục sạt lở là điều rất có thể xảy ra.
Trước nguy cơ đó, ngay trong ngày 11/9, chính quyền huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo xã Nghi Thiết tiến hành sơ tán 15 hộ dân trong vùng nguy hiểm, nghiêm cấm họ tuyệt đối không ở trong nhà vào ban đêm vì sợ đá lăn gây chết người.
Nhiều khối đá phía trên đỉnh núi đã bị mưa xói hết chân, có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh núi, ông Hồ Văn Thanh lo lắng cho biết, không phải đến bây giờ gia đình mới biết được những hiểm nguy khi sống dưới ngọn núi này nhưng vì không biết ở đâu nên đành phải chấp nhận bám trụ. “Ở nông thôn mà diện tích nhà, đất chỉ được mấy chục mét vuông, không có vườn tược, chúng tôi cũng thấy khổ cực lắm nhưng cũng chưa biết tính sao. Trước mắt, chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương các cấp có biện pháp giúp đỡ, tìm cách thu dọn, đưa các khối đá ra ngoài, nếu có thể thì tạo điều kiện để những hộ như chúng tôi được chuyển đi nơi khác sống”, ông Thanh thở dài.
Ngày 12/9, nhiều bà con anh em trong và ngoài xóm đến động viên, thăm hỏi gia đình những người bị sạt lở núi
UBND xã Nghi Thiết cho biết, hiện nay đang có mưa lớn, chưa thể triển khai người để dọn dẹp hiện trường vụ sạt lở vì lo sợ các khối đất đá phía trên sẽ lăn xuống bất cứ lúc nào. Khi trời tạnh mưa, chính quyền xã sẽ huy động các cơ quan, đoàn thể xuống giúp người dân tìm cách đưa khối đá ra ngoài, sớm ổn định cuộc sống trở lại.
Nghi Thiết là xã giáp biển, phía rìa đông của xã có một mỏm núi ăn sâu ra biển như đầu con rồng vì vậy, từ đời xưa người ta đã đặt tên đây là núi rồng, khu dân cư dưới chân núi cũng có tên là xóm Rồng với hơn 130 hộ dân sinh sống bằng nghề đi biển. Không chỉ thường trực nguy hiểm vào mùa mưa mà mỗi khi trời bão, toàn bộ xóm Rồng ngập chìm trong nước. Năm nào cũng vậy, những người dân nơi đây đều phải gồng mình tránh các trận bão đổ bổ trực tiếp cùng những cơn sóng cao đến vài mét nước. Từ nhiều năm trước, ở khu vực này đã xảy ra nhiều vụ sạt lở núi, đất đá trôi xuống nhà dân… |
Nguyên Khoa