Bạch Ngọc, miền đất Phật

02/05/2013 17:55

Tôi đã đến vùng đất Bạch Ngọc rất nhiều lần với nhiều tâm thế khác nhau: lúc thì đi tìm hiểu đề tài, lúc là đi lễ chùa, cũng có lúc đi vãn cảnh, ngắm dòng Lam hiền hòa, thơ mộng, những bãi bồi mướt xanh để được thả hồn mình cùng những con nước lững lờ trôi, lòng tĩnh lặng đến lạ thường. Những mạch nguồn con nước ấy cứ như chảy mãi từ ngàn xưa cho tới ngàn sau…

(Baonghean) - Tôi đã đến vùng đất Bạch Ngọc rất nhiều lần với nhiều tâm thế khác nhau: lúc thì đi tìm hiểu đề tài, lúc là đi lễ chùa, cũng có lúc đi vãn cảnh, ngắm dòng Lam hiền hòa, thơ mộng, những bãi bồi mướt xanh để được thả hồn mình cùng những con nước lững lờ trôi, lòng tĩnh lặng đến lạ thường. Những mạch nguồn con nước ấy cứ như chảy mãi từ ngàn xưa cho tới ngàn sau…

Bạch Ngọc nay là địa phận thuộc 3 xã Bồi Sơn, Lam Sơn, Ngọc Sơn (huyện Đô Lương) nằm ở phía tả ngạn sông Lam. Ngay khi vào Nghệ An lo việc sưu thuế, Lý Nhật Quang đã nhận thấy vùng đất Bạch Ngọc có địa hình thuận lợi để tàu thuyền có thể xuôi sông Lam ra biển Đông, hoặc ngược lên miền Tây Nghệ An; phía sau là núi rừng hùng vĩ, rất dễ phòng thủ, khó tấn công. Vì thế, năm 1041, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được phong làm tri châu Nghệ An, ông đã chọn vùng đất Bạch Ngọc làm phủ lỵ.

Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Thời nhà Lý, Phật giáo được coi là quốc đạo. Vua Lý Thái Tổ cũng là một phật tử thường xuyên lên chùa niệm Phật. Vì vậy, trong thời gian làm tri châu Nghệ An, cùng với nhiệm vụ giữ yên bờ cõi, giúp dân làng ổn định cuộc sống, Lý Nhật Quang còn chú trọng phát triển Phật giáo ở đây. Ông cho xây dựng và tu bổ các chùa chiền, mở thiền viện để truyền dạy đạo Phật. Chùa Nhân Bồi và chùa Bà Bụt được xây dựng thời kỳ đó. Trải qua biết bao biến thiên lịch sử, hai ngôi cổ tự vẫn hiện diện như một sự thách thức cùng thời gian.



Chùa Nhân Bồi được tu sửa khang trang.

Chùa Bà Bụt nằm ở bãi bồi ven sông, bao quanh là cây cối sum suê, rậm rạp. Theo sử sách lưu truyền, thời gian làm tri châu Nghệ An, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm ở chùa Bà Bụt phù hộ nên gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh thắng giặc. Tương truyền, Lý Nhật Quang đi đánh giặc bị trọng thương, ngựa về đến Bạch Đường, thôn Thượng Thọ (nay là xã Lam Sơn) có bà tiên ở chùa Tích Tự báo với Ngài rằng: "Quả Sơn là nơi địa linh, muôn đời có thể hoá thân ở xứ ấy". Nghe lời, Ngài về đến Quả Sơn thì quy hoá. Quan quân bèn xây dựng phần mộ, lập đền thờ ở Quả Sơn. Do đó hàng năm có tục lễ "nghinh xuân" vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch, rước di tượng Lý Nhật Quang từ đền Quả Sơn đến chùa Bà Bụt lễ tạ long trọng. Lễ tạ diễn ra trước sự chứng kiến của mọi người dân, các vị bô lão chức sắc trong làng. Cũng vì thế mà từ xa xưa người dân Đô Lương đã cho rằng nếu không có Bà Bụt thì không có đền Quả Sơn. Điều này cho thấy mối quan hệ khăng khít, hài hòa giữa hai di tích mang đậm giá trị lịch sử này.

Chùa Bà Bụt là một trong những ngôi chùa cổ có số lượng các pho tượng lớn với 28 bức, có nhiều pho tượng cổ quý, đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm 12 tay, và tượng Cửu Long… Tượng Cửu Long được đặt ở giữa ngay hàng thứ nhất của cung thờ. Tượng đứng trên đài sen, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Vành hào quang toả ra xung quanh thân tượng được tạo bởi 9 con rồng, tượng trưng cho 9 dòng sông, 9 ngọn núi và 9 dòng họ Vua Hùng...

Không chỉ đơn thuần là nơi thờ Phật, chùa Nhân Bồi còn là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang trong những năm tháng chiến tranh. Năm 1952, đền Qủa Sơn bị địch đánh phá, nhân dân địa phương phải rước di tượng của Ngài và các đồ tế khí gửi vào chùa. Bom đạn tàn phá, cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng người dân nơi đây vẫn không quên thắp nén hương thơm kính dân lên đức Phật và đức Thánh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang vào mồng Một và ngày Rằm. Dường như những triết lí nhà Phật đã ăn sâu vào từng nếp nghĩ, nên giữa bộn bề mưu sinh, người dân nơi đây vẫn giữ cái tâm trong sáng. Sau khi đền Qủa Sơn được trùng tu, di tượng và đồ tế khí rước trở về đền, bà con lại phát tâm công đức xây dựng chùa. Toàn bộ các bức tượng Phật, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam Tào, Bắc Đẩu đều được phật tử cung tiến…

Năm 2007, đền Qủa Sơn được tu sửa lại, người ta lại rước di tượng của Ngài đi, trả lại khuôn viên cho nhà chùa. Bằng tấm lòng hảo tâm của bà con phật tử, chùa đã được xây dựng khang trang. Các bức tượng phật, tượng Bồ Bát, tượng Nam Tào Bắc Đẩu… đều được nhân dân cung tiến bằng tấm lòng thành kính. Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát to đẹp do một phật tử ở Yên Thành cung tiến. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với người dân Bạch Ngọc, họ đem lòng thành kính, tôn thờ đức Phật và công đức để xây dựng nhà chùa to đẹp hơn. Không chỉ có nhân dân trong vùng mà phật tử các nơi đều hướng về đất Phật với một tấm lòng thành kính!


Bài, ảnh: Nguyễn Lê