Phong trào chăm sóc trẻ em nghèo ở huyện đoàn Nghi Lộc

23/07/2013 14:57

Với tinh thần tương thân tương ái, thiết thực và hiệu quả, trong 3 năm qua, các đoàn viên thanh niên ở huyện Nghi Lộc đã tự góp tiền để chăm sóc thường xuyên những em nhỏ là con thương bệnh binh, chịu di chứng chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.

(Baonghean) - Với tinh thần tương thân tương ái, thiết thực và hiệu quả, trong 3 năm qua, các đoàn viên thanh niên ở huyện Nghi Lộc đã tự góp tiền để chăm sóc thường xuyên những em nhỏ là con thương bệnh binh, chịu di chứng chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.

Đầu năm 2010, Huyện đoàn Nghi Lộc nhận được bức thư của cô giáo Võ Thị Trang Nhung, viết về hoàn cảnh khó khăn của em Trần Thị Hồng Ngọc, khi đó là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nghi Tiến. Em Ngọc mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bị cụt tay, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng với nghị lực của mình, Ngọc vẫn cố gắng vươn lên đạt học sinh giỏi. Hoàn cảnh của em Ngọc cùng những lời tâm sự của cô giáo Trang Nhung đã khiến những cán bộ của Huyện đoàn Nghi Lộc xúc động.

Ngay trong cuộc họp giao ban tháng đó, nội dung bức thư trên được phổ biến cho các bí thư chi đoàn cơ sở, đồng thời huyện đoàn quyết định phát động phong trào “Đoàn viên đảm nhận chăm sóc thường xuyên con em các thương bệnh binh, đối tượng chịu di chứng chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi”. Tại cuộc họp này, Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nghi Lộc đã quyết định sẽ hỗ trợ chăm sóc thường xuyên em Hồng Ngọc.

Với đặc thù của một chi đoàn chỉ có 6 đoàn viên, anh Phạm Kiều Hưng, bí thư chi đoàn đưa ra sáng kiến, hàng tháng mỗi đoàn viên trích từ lương của mình từ 30 – 50 ngàn đồng để hỗ trợ, tiếp sức cho Hồng Ngọc đến trường. Theo đó, hàng quý, đại diện chi đoàn sẽ hỗ trợ em 1 triệu đồng và thường xuyên có các hình thức động viên, thăm hỏi lúc em ốm đau và khuyến khích, tặng thưởng khi em đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Đến nay, với sự tiếp sức của các anh chị đoàn viên, Hồng Ngọc đã hoàn thành chương trình học lớp 6 với thành tích học sinh giỏi toàn diện và đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. “Trong kế hoạch, chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ cho em Ngọc đến lúc em hoàn thành xong chương trình THPT. Dù sự hỗ trợ không được nhiều nhưng là tấm lòng của anh chị em đoàn viên thanh niên cơ quan viện kiểm sát huyện”, anh Kiều Hưng cho biết.



Huyện đoàn Nghi Lộc tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Hưởng ứng phong trào trên, lần lượt 10 chi đoàn trên địa bàn huyện đã vào cuộc, chung tay góp sức cùng với các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng có nghị lực, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Em Lê Thị Mơ, sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Nghi Thuận, không có bố, mẹ bị tật nguyền, cụt hai chân, bà ngoại tuổi cao sức yếu nên ngoài việc đến trường, em phải lăn lộn mò cua, bắt ốc để kiếm thêm tiền ăn học.

Năm 2010, Chi đoàn Công an huyện Nghi Lộc nhận đỡ đầu hoàn cảnh khó khăn này. Hàng tháng, em Mơ được hỗ trợ 200 ngàn đồng tiền mặt cùng quần áo, sách vở và một số nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, Mơ còn được tặng một chiếc xe đạp trị giá 2,5 triệu đồng để đến trường. Tiếp đó, hai chi đoàn Viện Kiểm sát và Công an, các đoàn viên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng góp tiền, hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng cho em Nguyễn Thị Huyền, học sinh lớp 7B, Trường THCS Nghi Thái; Chi đoàn khối cơ quan Đảng, đoàn thể huyện Nghi Lộc tiếp nhận hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng đối với em Trần Thị Tú Anh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nghi Xá, mồ côi bố, mẹ; Chi đoàn Bệnh viện Đa khoa nhận chăm sóc những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại bệnh viện; Chi đoàn BQL rừng phòng hộ huyện đang lên kế hoạch nhận đỡ đầu 1 em nhỏ ở xã Nghi Hưng… Nhiều chi đoàn khác cũng có các hình thức giúp đỡ những trường hợp khó khăn như giúp đỡ tiền theo quý, theo năm; động viên thăm hỏi vào các ngày lễ, tết.

Sau 3 năm thực hiện, phong trào “Đoàn viên đảm nhận chăm sóc thường xuyên con em các thương bệnh binh, đối tượng chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi” đã giúp 10 em nhỏ khó khăn có thêm tinh thần, vật chất và nghị lực để tiếp tục đến trường, cố gắng vượt khó vươn lên. Bên cạnh đó, phong trào cũng tạo nên một sức lan tỏa lớn đến tất cả các đoàn viên thanh niên huyện Nghi Lộc.

Anh Đinh Thế Tài - Phó Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc cho biết, đối tượng thực hiện phong trào là các đoàn viên của khối cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn – những công chức, viên chức vốn chỉ quen ngồi bàn giấy làm việc mà chưa thật sự thấu hiểu đến hoàn cảnh của những em nhỏ khó khăn. Các chi đoàn cũng cố gắng đi vào những việc làm thiết thực, có chiều sâu. Chúng tôi muốn các đoàn viên thanh niên mỗi khi đến với những em nhỏ khó khăn nhưng biết vươn lên này như là một dịp để tự xem lại mình và có những suy nghĩ, việc làm, hành động tích cực hơn. Trong thời gian tới, phong trào này sẽ được nhân rộng và phát huy hiệu quả hơn nữa. Các em học sinh khó khăn sẽ được các anh chị đoàn viên trên địa bàn huyện đồng hành, giúp đỡ để hoàn thành chương trình THPT. Khi các em đậu đại học, sẽ tiếp tục nhận được sự sẻ chia, giúp sức bằng những hình thức khác nhau”, anh Đinh Thế Tài khẳng định.

Không chỉ đi đầu trong phong trào hỗ trợ, chăm sóc thường xuyên các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, đoàn viên thanh niên huyện Nghi Lộc cũng luôn đi đầu trong các chương trình đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn khác. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, các chi đoàn trong huyện đều có những hoạt động thiết thực như thắp nến tri ân, dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang liệt sỹ, thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và các gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện. Cuối tháng 3/2013, đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Nghi Lộc cũng đã đóng góp được hơn 50 triệu đồng và tổ chức chương trình tặng quà cho bà con dân tộc Đan Lai…


Bài, ảnh: Nguyên Khoa