Syria gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học vào 14/10

15/09/2013 16:56

Sau khi Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, người phát ngôn của Liên hợp quốc ngày 14/9 thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10 tới.

Sau khi Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, người phát ngôn của Liên hợp quốc ngày 14/9 thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10 tới.

Từ New York, người phát ngôn LHQ Martin Nesirky cho biết Tổng thư ký Ban Ki-moon hoan nghênh quyết định gia nhập OPCW của Syria sau khi tổ chức đa quốc gia này đã nhận được các giấy tờ bổ sung từ Damascus. Thông cáo của Văn phòng báo chí LHQ nêu rõ: "Với thẩm quyền được quy định trong Hiệp ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học cũng như việc phá hủy vũ khí hóa học, Tổng thư ký LHQ ngày 14/9 đã nhận được văn kiện xin gia nhập chính thức của nước CH Hồi giáo Syria... Việc gia nhập OPCW sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/10."



Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định chính quyền Damascus sẽ đặt kho vũ khí hóa học nước này dưới sự kiểm soát quốc tế ngày 14/9.
Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, phản ứng ngay sau khi Washington và Moscow đạt được tiếng nói chung về vấn đề vũ khí hóa học ở Syria, TTK Ban Ki-moon đã hoan nghênh, đồng thời bày tỏ hy vọng sự đồng thuận này sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị, tiến đến chấm dứt cuộc xung đột đang đè nặng lên người dân Syria.

Cũng đồng quan điểm trên, song Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải thực hiện nghiêm túc cam kết, lập trường của Washington là tiếp tục duy trì thế quân sự tại khu vực này để gây sức ép với chính quyền Assad. Trước đó, ông Obama đã yêu cầu Quốc hội Mỹ hoãn bỏ phiếu về kế hoạch tấn công quân sự chống Syria nhằm kéo dài thời gian cho cuộc thương lượng giữa Nga và Mỹ.

Cộng đồng quốc tế dường như thở phào và có những động thái tích cực sau khi Nga và Mỹ tìm được sự đồng thuận trong vấn đề Syria. Ngày 14/9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoan nghênh thỏa thuận trên. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen coi đây là một bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu bảo đảm thủ tiêu nhanh chóng, an toàn và có thể xác minh đối với kho vũ khí hóa học của Syria. Ông Rasmussen cũng đồng quan điểm với Tổng thống Obama cho rằng vấn đề cốt lõi hiện nay là sự tuân thủ đầy đủ và hoàn toàn của Syria.

Liên minh Châu Âu (EU) cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận trên và đề nghị trợ giúp triển khai thỏa thuận. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton chỉ rõ một số quốc gia thành viên EU có trình độ kỹ thuật cần thiết đã sẵn sàng giúp tiến hành các nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp này.

Trong khi đó, Iran - quốc gia đồng minh thân cận của Syria, lại nhận định rằng Mỹ không còn cớ để tấn công Damascus sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov đạt được thỏa thuận tại Geneva về loại bỏ kho vũ khí hóa học của Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Amir-Abdollahian nhấn mạnh diễn biến mới này cho thấy mọi lý do để loại bỏ cuộc tấn công quân sự chống Syria.

Trong khi cộng đồng quốc tế coi sự nhất trí của Nga và Mỹ như "tia sáng cuối đường hầm" giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm tại Syria, phe đối lập nước này lại phản đối thỏa thuận trên và từ chối tuyên bố ngừng bắn với quân đội chính phủ. Trong một phát biểu, Salim Idris, một viên tướng Quân đội Syria Tự do, nói rằng sự đồng thuận này chỉ bao gồm giữa Mỹ và Nga, do đó lực lượng đối lập không chấp nhận và tiếp tục các hành động chống lại chính phủ. Viên tướng này còn nói Chính quyền Assad đã chuyển một số vũ khí hóa học đến Liban và Iraq. Tuy nhiên, Chính phủ Iraq đã lập tức bác bỏ cáo buộc này.

Ali al-Mosawi, cố vấn báo chí của Thủ tướng Iraq, nêu rõ việc một số người thuộc phe đối lập Syria tuyên bố rằng chế độ Syria đã chuyển một phần vũ khí hóa học của nước này sang Iraq là âm mưu nhằm làm hoen ố hình ảnh của Iraq. Ông al-Mosawi kêu gọi các bên hành động vì lợi ích của đất nước và người dân Syria, khẳng định rằng Iraq phản đối việc sở hữu loại vũ khí này cũng như các loại vũ khí giết người hàng loạt khác ở bất kỳ đâu trên thế giới và vì bất cứ lý do gì.

Phiến quân Syria đặt mua hóa chất sản xuất sarin

Cùng ngày, hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran dẫn kết quả điều tra của các công tố viên thành phố Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết phiến quân Syria đã đặt mua hóa chất để sản xuất chất độc thần kinh sarin từ quốc gia láng giềng này.

Trước đó, hôm 28/5, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy một bình chứa 2 kg sarin khi lục soát nơi ở của các thành viên Mặt trận Al-Nusra có liên quan với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Năm người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Syria đã bị bắt giữ với cáo buộc "mua vũ khí hóa học ở Thổ Nhĩ Kỳ". Theo một tài liệu dài 132 trang của các công tố viên, các nghi phạm này đã liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria, trong đó có Mặt trận Al-Nusra và nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông.

Cũng theo tài liệu trên, Mặt trận Al-Nusra và nhóm Ahrar al-Sham đã tìm cách thu mua một lượng lớn khí độc thần kinh sarin và các hóa chất khác tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tuồn sang Syria để điều chế các chất độc hại. Theo nội dung các cuộc gọi mà các điều tra viên thu thập được, các đối tượng trên đã đặt hàng ít nhất 10 tấn hóa chất.


Theo Tin tức - TH