Nghĩa cử của những người con làng biển

16/09/2013 18:25

“Với ngư dân, việc đánh cá cũng như đi xin lộc trời, lộc biển, con cá nào lọt lưới đều phải bắt lên tàu nếu không là phụ lộc trời. Nhưng chúng tôi lại có suy nghĩ khác. Với những con cá lạ, cá quý hoặc những loài sinh vật biển quý như vích, đồi mồi chúng tôi đều thả xuống biển. Con nào chết sẽ mang theo chạy ngay vào bờ, tặng cho bảo tàng, dù phải lỗ tiền dầu…”, anh Vũ Ngọc Diên, ở xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu tâm sự.

(Baonghean) - “Với ngư dân, việc đánh cá cũng như đi xin lộc trời, lộc biển, con cá nào lọt lưới đều phải bắt lên tàu nếu không là phụ lộc trời. Nhưng chúng tôi lại có suy nghĩ khác. Với những con cá lạ, cá quý hoặc những loài sinh vật biển quý như vích, đồi mồi chúng tôi đều thả xuống biển. Con nào chết sẽ mang theo chạy ngay vào bờ, tặng cho bảo tàng, dù phải lỗ tiền dầu…”, anh Vũ Ngọc Diên, ở xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu tâm sự.

Lần mò theo con ngõ nhỏ, chúng tôi đến làng biển Minh Thành vào một ngày biển động. Ngoài đường vắng teo nhưng không khí trong các nhà dân đều ấm cúng và có phần náo nhiệt, bởi biển động chính là thời gian sum họp đông đủ nhất của các gia đình làng biển. Đây là thời gian những ngư dân ở nhà quây quần bên mâm rượu đế, còn phụ nữ làng biển không phải ngồi nhìn ra biển thấp thỏm chờ chồng con trở về. Trong ngôi nhà nhỏ ở làng biển Minh Thành, anh Vũ Ngọc Diên (SN 1970) chậm rãi kể về cuộc đời đánh cá, về duyên đi biển của mình.

Theo cha đi đánh cá từ năm 12 tuổi, đến tuổi trưởng thành, chàng trai có nước da ngăm đen và giọng nói ồm ồm đã có mặt khắp các ngư trường xa gần của vùng biển quê hương. Sau khi lập gia đình, anh Diên trở thành một ngư dân giỏi nghề, được tin tưởng giao làm thuyền trưởng tàu cá có công suất 320 CV, đánh cá cơm khắp các luồng lạch biển trên Vịnh Bắc bộ.

Ngày 12/8 vừa qua, tàu cá của anh Diên chở theo 8 thuyền viên ra khơi đánh cá bằng nghề lưới chụp, bắt cá cơm ở vùng biển giáp ranh giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau khi buông neo, thả được mấy mẻ cá đầu thắng đậm, ngày hôm sau, khi đang kéo mẻ lưới tiếp theo, các thuyền viên hốt hoảng khi thấy một con cá lạ, rất lớn nằm lọt trong túi lưới. Cố gắng tời lưới lên khi con cá đã chết ngạt, mọi người đều bất ngờ vì con cá quá lớn, có hình dạng vừa giống cá mập, lại vừa giống cá voi, lần đầu tiên trong đời họ gặp. Anh Diên liền nối bộ đàm vào đất liền để hỏi những người có kinh nghiệm và hỏi cả chính quyền xã Quỳnh Long, nhưng không ai biết đây là cá gì.

Lúc này, anh Diên quyết định ướp cá, quay tàu chạy thẳng vào bờ. Sau gần nửa ngày, tàu về đến đất liền, hàng ngàn người dân trong và ngoài xã kéo đến xem cá lạ khổng lồ. Sau khi liên lạc qua điện thoại với cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, anh Diên hứa sẽ hiến tặng con cá cho bảo tàng. Thủ tục hiến tặng cá diễn ra nhanh chóng, Bảo tàng hỗ trợ lại cho anh 6,5 triệu đồng, chưa đủ nửa tiền dầu và tiền vá lưới nhưng anh và mọi người trên tàu cá đều cảm thấy rất hài lòng. “Nghe cán bộ nói đây là con cá mập voi, một loài cá quý có trọng lượng 800kg và sẽ được trưng bày, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Tên của con tàu và những người bắt được cá sẽ được gắn tại nơi trưng bày cá trong bảo tàng. Nghĩ đến đó thôi, cũng thấy lâng lâng rồi”, anh Diên vừa nói vừa cười lớn.



Ngư dân Quỳnh Lưu hiến tặng cá cho bảo tàng.

Ở xã biển Quỳnh Long, ngoài anh Diên trước kia đã có nhiều người khác hiến tặng cá quý cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Đầu tháng 8/2013, ông Trần Xuân Thành đi đánh cá ở biển Vịnh Bắc bộ thì bắt được con cá mặt trăng khổng lồ. Biết đây là loài cá quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới, ông Thành cho tàu chạy vào bờ, liên hệ với bảo tàng để tặng cá. Con cá mặt trăng này nặng hơn 400 kg. Trước đó, trong hai ngày đầu tháng 9/2012, hai ngư dân Nguyễn Văn Tăng và Vũ Xuân Trọng cũng đã hiến tặng cho bảo tàng 2 con cá mặt trăng có trọng lượng 100 kg và 350 kg với chiều dài xấp xỉ 2,5m, khoảng cách giữa hai mép vây là 2,6m.

Nói đến chuyện hiến tặng cá lạ, cá quý cho bảo tàng, ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu đều nhắc đến ông Bùi Văn Cần (55 tuổi) ở xã Quỳnh Phương. Ông Cần là người có biệt tài nắn chân vịt cho tàu cá, chỉ cần hai chiếc búa cùng bí quyết riêng, ông có thể chỉnh chân vịt tàu chạy nhanh hay chạy chậm theo yêu cầu của chủ tàu. Với nghề đặc biệt này, ông Cần có điều kiện tiếp xúc và làm quen với hầu hết các chủ tàu thuyền ở vùng biển Quỳnh Lưu.

Là người có chút am hiểu về các loại cá lạ, cá quý hiếm cũng như biết được địa chỉ liên lạc của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đi đâu, ông Cần cũng nhắc các chủ tàu về những loài cá này. Ông dặn họ, nếu đánh được cá đang sống thì phải thả ngay xuống biển, nếu chết rồi thì mang vào bờ để hiến cho bảo tàng, bởi những loài cá này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ban đầu, nhiều người không tin nhưng sau khi một tàu cá ở xã Quỳnh Long bắt được con cá mặt trăng (lúc đó, người dân chưa biết tên loài cá này), được ông liên hệ với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để hiến tặng, lại còn được hỗ trợ tiền xăng dầu nên dần dần mọi người rất tin tưởng, hễ bắt được cá lạ họ lại gọi đến ông Cần.

Vào năm 2012, chính ông Cần cũng đã hiến tặng một con cá mặt trăng vào loại lớn cho bảo tàng khi đi đánh cá ở vùng Vịnh Bắc bộ. “Trong 2 năm qua, được sự tư vấn trực tiếp của tôi, đã có 8 ngư dân tặng lại cá quý hiếm cho bảo tàng, đây là điều hết sức đáng mừng, bởi nhận thức của người dân đang dần thay đổi”, ông Cần tâm sự.

Với bờ biển dài 82km, có ngư trường rộng lớn, có hơn 4.000 tàu thuyền đang ngày đêm đánh bắt cá trên các vùng biển trong và ngoài tỉnh, các vùng biển này có rất nhiều loài cá quý hiếm có tên trong sách Đỏ thế giới, Sách Đỏ Việt Nam. Thực tế, trong mấy năm qua, ngư dân ở các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu sau khi bắt được các loài quý hiếm như đồi mồi, vích đã thả về biển hoặc hiến tặng cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Việc hiến tặng này hoàn toàn tự nguyện, nhiều người không màng đến mấy triệu đồng tiền hỗ trợ xăng dầu, ngư cụ của bảo tàng, họ cho rằng ít nhất mình cũng đã làm được một việc có ý nghĩa cho con cháu sau này, tên tuổi họ cũng được lưu ở bảo tàng và sống mãi cùng con cá quý. Việc họ hiến tặng cá cho bảo tàng chứng tỏ nhận thức của người dân về môi trường biển, về tầm quan trọng của các loài cá quý hiếm đã được nâng cao. PGS. TS. Phạm Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, ngư dân Nghệ An là những người hợp tác nhiều nhất với bảo tàng.

Mỗi khi bắt được cá lạ, cá quý, người dân đều báo với bảo tàng mà không đưa ra yêu cầu hay đòi hỏi nào khác để hiến tặng. “Trong những lần vào Nghệ An nhận cá, chúng tôi đều cảm nhận được sự chân thành, tự nguyện của những ngư dân chất phác. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xét tặng bằng khen cho những cá nhân ở Nghệ An có nhiều đóng góp trong công tác sưu tầm hiện vật của bảo tàng”, PGS.TS. Phạm Văn Lực khẳng định.

Trong quá trình tìm hiểu để viết bài này, chúng tôi nhận thấy rằng, sự hiểu biết của ngư dân về các loài cá quý, hiếm nằm trong Sách Đỏ, trong danh mục cấm săn bắt, mua bán đều đang là con số 0 tròn trĩnh. Việc họ biết được cá mặt trăng là quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cũng chỉ là vô tình. Mong muốn chung của những ngư dân ở các xã Quỳnh Long, Quỳnh Phương là các cơ quan chức năng có những hình thức truyền thông cho họ hiểu được tầm quan trọng của các loài cá quý. Xây dựng các bộ sách, ảnh để giúp ngư dân nhận diện các loài cá nằm trong Sách Đỏ để họ không săn bắt, hoặc nếu săn bắt được thì sẽ thả ngay xuống biển khi còn sống và hiến tặng cho bảo tàng nếu đã chết…


Bài, ảnh: Nguyên Khoa