Cống hiến hay “trụ hạng”?

22/05/2013 12:41

(Baonghean) - Trong một xã hội văn minh, người được giao trách nhiệm khi không làm tròn nhiệm vụ thì với lòng tự trọng, người đó thường tự nguyện xin từ chức.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ta thấy ở các nước nhiều vị từ thị trưởng, bộ trưởng đến thủ tướng, tổng thống, có khi chỉ vì một câu nói sai, một vụ việc liên quan đến người thân, đến lĩnh vực mình phụ trách đã công khai xin lỗi trước dân hoặc tự nguyện xin từ chức. Cũng có người từ chức vì nhận thấy khi sự việc đáng tiếc xảy ra, dù chỉ liên quan đến mình một phần rất nhỏ, nhưng mình phải chịu trách nhiệm với tư cách là người lãnh đạo. Từ chức, dù không phải là việc làm dễ dàng nhưng đối với họ là cần thiết và nên làm. Đó là một nét văn hóa trong đời sống chính trị.

Ở nước ta, từ cổ chí kim đã có nhiều ông quan như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Sinh Sắc,... vì nhiều lý do khác nhau đã treo ấn từ quan, thể hiện bản lĩnh, khí phách của kẻ sĩ,. Ngay cả thời hiện đại, đã có TS Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ tự nguyện từ chức... được nhân dân kính trọng.

Thực tế hiện nay, ở các cấp, các ngành một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, thậm chí vi phạm khuyết điểm phải xử lý, nhân dân không còn tín nhiệm nhưng không chịu rời ghế. Quả thật "đưa vào thì dễ, đưa ra thì khó".

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Văn phòng Quốc hội có viết: "Từ chức là chuyện văn hóa hơn là chuyện pháp lý, chế tài ở đây chính là lương tri. Nếu có một văn hoá chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc... Tại nhiều nước, những nhân vật có tiềm năng kinh tế sau đó mới đi vào con đường chính trị... Với họ, làm chính trị như một sự thôi thúc chứ không phải là lẽ kiếm sống. Họ đã có nền tảng kinh tế rất tốt, chuyện từ chức với họ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Còn ở Việt Nam, không khéo người ta làm chính trị vì mục đích kinh tế, điều đó dẫn tới tệ tham nhũng. Ban đầu anh là lãnh đạo tốt nhưng quyền lực có thể làm tha hoá con người".

Cán bộ còn cố “trụ hạng” giữ ghế cũng giống như những người dân cố “trụ hạng” hộ nghèo. Chỉ khác là người dân “trụ hạng” hộ nghèo là để hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, còn cán bộ “trụ hạng” chức vụ luôn nhân danh được tiếp tục “cống hiến” cho tập thể.


Đặng Anh Dũng (Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Chương)