“NÓNG” quản lý cơ sở karaoke, vũ trường

16/09/2013 18:20

(Baonghean) - Có thể nói, hoạt động vũ trường, karaoke trong những năm qua đã đáp ứng được những khách hàng có nhu cầu giải trí lành mạnh và là hoạt động dịch vụ văn hóa không thể thiếu khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hoạt động này khá nhạy cảm, rất dễ biến tướng.

(Baonghean) - Có thể nói, hoạt động vũ trường, karaoke trong những năm qua đã đáp ứng được những khách hàng có nhu cầu giải trí lành mạnh và là hoạt động dịch vụ văn hóa không thể thiếu khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hoạt động này khá nhạy cảm, rất dễ biến tướng.

Nghề kinh doanh nguy hiểm


Chuyện xảy ra đến gần tháng rưỡi, nhưng hễ nhớ lại là ông Nguyễn Đức Kiên chủ quán karaoke Lối Mòn (ở xóm 13, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu) vẫn còn run. Đêm đó, ông vừa mở cửa phòng vệ sinh thì bỗng thấy một người đàn ông nằm bất động cạnh những ống kim tiêm vung vãi trên nền gạch. Ông hốt hoảng gọi nhân viên đưa nạn nhân ra trạm xá nhưng không kịp. Trong lúc ông đang bối rối thì rất may tốp khách của ông xác nhận nạn nhân tên là Vương, trú ở xã Quỳnh Mỹ là người nghiện ma túy. Trong khi đang cùng bạn bè hò hát thì anh ra nhà vệ sinh chích hêrôin và tử vong. Chắc là bị “sốc” thuốc. Tuy người nhà nạn nhân không có ý kiến gì với chủ quán nhưng từ đó, mỗi lần mở cửa đón khách ông vẫn thấy chờn chợn.

Cũng là tai họa từ nghề nghiệp nhưng ông chủ quán karaoke “Ngoại Ô” ở xã Nghi Kim (TP. Vinh) lại còn khủng khiếp hơn. Vào khoảng 23 giờ rưỡi đêm 11/3/2013, ông Nguyễn Ngọc Hồ nghe có tiếng gạch đá ném vào cửa hiệu (đồng thời cũng là nhà ở). Vừa bước chân ra cửa thì ông bị một nhóm côn đồ sỉ vả và dùng kiếm chém gục tại chỗ. Khi người nhà lao ra hỗ trợ và đưa ông đi cấp cứu chúng vẫn còn can ngăn cho đến khi công an đến mới bỏ chạy. Ông Hồ tử vong trên đường đi cấp cứu, còn 5 tên côn đồ tuổi đời trên dưới 20 đều trú trên địa bàn TP. Vinh đã bị công an bắt ngay sau đó. Nguyên nhân vụ án mạng chưa được cơ quan chức năng công bố.

Chưa đến mức gặp phải tai họa ghê gớm như trên, nhưng chị Thân - chủ một quán karaoke ở phường Hưng Bình (TP Vinh) lại quả quyết với chúng tôi, đây là một nghề kinh doanh phức tạp ghê gớm. Năm 2010, sau một thời gian làm ăn ở nước ngoài cả hai vợ chồng mang được ít tiền về sống với cha mẹ ở phường Hưng Bình. Đang loay hoay kiếm việc làm thì có người quen bảo, cứ “làm” karaoke đi. Nghề nay tiếng là “nhạy cảm” nhưng đang thịnh.

Vả lại, đây là một thứ “dịch vụ văn hóa” vui vẻ cả ngày lẫn đêm cho thu nhập cao. Nghe lời, vợ chồng chị Thân liền nâng cấp ngôi nhà từ 1 lên 4 tầng, rồi mua sắm những thiết bị cần thiết cho 5 phòng, từ phòng “hát” đôi cho đến phòng “ca” tập thể… đồng thời tuyển gần chục nhân viên. Nhà được thiết kế phù hợp lại có khuôn viên rộng chứa được các loại xe nên đây là một điểm phù hợp cho khách có nhu cầu giải trí bằng loại hình dịch vụ văn hóa này.



Một cơ sở karaoke ở phường Hưng Bình (TP. Vinh).

Nhờ mối quan hệ rộng, vợ chồng chị kéo được nhiều khách quen, nhưng càng về sau càng có đủ loại khách và chị sợ nhất là mấy cậu, mấy cô tóc xanh, tóc đỏ. Trai mặt mũi bặm trợn ăn nói dữ dằn, gái thì chanh chua, đanh đá. Dĩ nhiên, số này đến quán chị hát thì ít mà rượu, thuốc và quậy phá thì nhiều. Có đứa còn trêu ghẹo mấy tiếp viên nữ một cách suống sã như chỗ không người. Đã thế không ít lần chị Thân còn phát hoảng trong khi dọn phòng thấy bơm tiêm cùng thuốc lắc nằm lăn lóc như hù dọa bà chủ. Bây giờ chị mới nhận ra mình đã sai lầm khi chọn kinh doanh nghề này. Tuy nhiên, vợ chồng chị không thể quay lại, bởi tiền đổ vào đây không ít. Đành phải liều!

Điều lo của chị Nguyễn Thị Thân không phải không có lý. Vào đêm 28/8/2013, nhân viên quán karaoke Family số 5, đường Trần Phú đã chứng kiến một trận ẩu đả kinh hoàng giữa 2 tốp thanh niên sau những trận bia bọt trong phòng hát. Hậu quả, một thanh niên tên là Đạt trú ở phường Trường Thi bị một nhát dao đâm vào người và tử vong trong khi cấp cứu tại bệnh viện. Vụ án mạng này lại cho thấy, siết chặt công tác quản lý trật tự xã hội tại các điểm phức tạp như karaoke, vũ trường không bao giờ thừa.

Nếu nói về độ phức tạp thì theo một cán bộ làm công tác quản lý hành chính của Công an TP. Vinh, vũ trường còn gấp nhiều lần so với karaoke. Tuy trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất vũ trường Heaven ở TP Vinh, nhưng trong 2 năm liên tiếp, tụ điểm dịch vụ văn hóa này đã xảy ra hai vụ án mạng. Đêm 18/1/2012, do mâu thuẫn từ trước nên khi gặp nhau tại vũ trường Heaven, cả hai bên lại tiếp tục xô xát. Và trong cơn giận dữ, Nguyễn Tiến Cường (trú ở phường Vinh Tân) đã rút dao nhọn đâm Trần Thanh Bình chết tại chỗ. Trước đó 1 năm, vào đêm 8/2/2011, trong khi xem biểu diễn văn nghệ thì hai nhóm thanh niên xảy ra cự cãi vì chổ đứng, Nguyễn Văn Nhật, 16 tuổi đang học lớp 11 bất ngờ rút súng giấu trong người nhằm thẳng vào đối thủ bóp cò. Nạn nhân tử vong ngay sau đó.

Nhắc lại những vụ việc trên, một nhân viên bảo vệ vũ trường cho hay, hầu hết khách đến vũ trường đều ở độ tuổi thanh niên. Họ đến vũ trường vì nhiều lý do khác nhau như để giải trí, xả stress... Tuy nhiên, cũng có không ít đối tượng đến vũ trường còn mang theo thuốc lắc, ma túy để “phê”, hay đến để tìm gặp “đối thủ” … Do đó, công việc bảo vệ ở đây không hề là chuyện đơn giản.

Liệu có đang buông lỏng quản lý?

Không như vũ trường, theo thống kê của cơ quan chức năng trên địa bàn toàn tỉnh có trên 200 cơ sở karaoke. Trong đó, Thành phố Vinh chiếm khoảng 4/5 số lượng. Xem ra karaoke vẫn là một nghề kinh doanh đang được nhiều người cả chủ lẫn khách chuộng. Bằng chứng là trên các đường phố lớn như Nguyễn Văn Cừ, Đặng Thái Thân, Phan Đình Phùng và ở các phường như Hưng Bình, Hưng Phúc, Bến Thủy quán karaoke kề nhau khá nhiều. Nếu như cách đây 15 năm, dịch vụ này phát triển ồ ạt, chưa được đầu tư nhiều thì nay các điểm karaoke dù “bình dân” hay “cao cấp” đều chú trọng chất lượng từ phòng ốc, âm thanh cho đến quy mô cửa hiệu nhằm thu hút khách.

Theo ông Trần Văn Sánh, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch thì đã không kiểm tra thì thôi, còn kiểm tra thì thế nào cũng phát hiện được vi phạm. Trong đó, vi phạm về cấm bán rượu hoặc uống rượu trong cửa hiệu; phòng ốc không đúng quy định mang tính phổ biến nhất. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke thiếu sự quan tâm đến việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong hoạt động dịch vụ này.

Những hiện tượng tắt đèn khi phòng còn hoạt động, chốt cửa bên trong, không đảm bảo ánh sáng… xảy ra khá phổ biến. Có những trường hợp do “chiều” khách nên có người có khách lưu đến tận 1, 2 giờ sáng hoặc lâu hơn. Thậm chí, biết trong số khách đến có người đem theo ma túy để sử dụng nhưng vì nhiều lý do nên chủ không ngăn cản. Mới đây, ngày 2/9/2013, Đồn Biên phòng và Công an xã Diễn Thành phát hiện và bắt quả tang 1 nhóm thanh niên gồm 6 đối tượng cả nam lẫn nữ đang tàng trữ 12 gói nhỏ ma túy đá kèm theo 1 bộ đồ sử dụng tài nhà hàng Sen Vàng (Diễn Thành).

Có thể nói, tình trạng vi phạm Nghị định 103/2009/NĐ – CP và Nghị định 75/2010/NĐ – CP ngày 12/7/2010 đang xảy ra khá nhiều ở các cơ sở karaoke và vũ trường. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy công tác kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở này đi vào hoạt động nề nếp đang có phần buông lỏng. Bằng chứng là từ đầu năm 2013 đến nay Ngành Văn hóa chỉ tổ chức kiểm tra có vài ba đợt, số cơ sở vi phạm bị phát hiện quá ít với số tiền phạt chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Có nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng trên mà theo Chánh Thanh tra sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Trần Văn Sánh là cán bộ phòng chức năng thiếu. Để lập một đoàn kiểm tra liên ngành cũng không dễ dàng gì. Có thể còn một nguyên nhân nữa mà ông khó nói ra đó là tính cả nể, lơ là của một số cán bộ chức năng đối với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa.

Hoạt động vũ trường, karaoke trong những năm qua đã đáp ứng được những khách hàng có nhu cầu giải trí lành mạnh và là hoạt động dịch vụ văn hóa không thể thiếu khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, một cán bộ chức năng cho rằng: “Loại hình văn hóa này khá nhạy cảm, rất dễ biến tướng từ trạng thái có văn hóa sang phi văn hóa”. Đó là chưa nói đến một số phần tử xấu lợi dụng để hoạt động tệ nạn xã hội như mại dâm, sử dụng trái phép chất ma túy, gây gổ đánh nhau. Trong khi công tác quản lý lúc này, lúc khác của cơ quan chức năng còn tỏ ra buông lỏng thì một số chủ cơ sở vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý các loại hình dịch vụ văn hóa. Bên cạnh đó, cấp chính quyền cơ sở, các tổ chức xã hội cũng chưa thật sự quan tâm đến hoạt động này.


Bài ảnh: Việt Long