Nhiều ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

25/09/2013 18:46

Đa số ý kiến hoan nghênh Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Ngày 25/9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách bắt đầu phiên họp 2 ngày tại Hà Nội nhằm cho ý kiến vào 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đây là hai vấn đề vô cùng hệ trọng đối với đất nước nên việc tổ chức hội nghị này nhằm đạt được yêu cầu về chất lượng và sự đồng thuận đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo luật đất đai sửa đổi trước khi trình ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới.



Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu ý kiến

Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 7 nội dung chính gồm: Vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận, Công đoàn, các thành phần kinh tế và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, việc thu hồi đất đai của các tổ chức, cá nhân, về Chính quyền địa phương, Hội đồng Hiến pháp, Quyền của Quốc hội đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

Qua thảo luận, đa số ý kiến hoan nghênh Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

"Nên thành lập Hội đồng Hiến pháp" là đề nghị của đa số đại biểu trong phiên thảo luận. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh luận về quy định thẩm quyền của Hội đồng này. Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum cho rằng, Hội đồng Hiến pháp có quyền đề nghị Quốc hội đình chỉ hoặc bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tòa án và các Bộ, ngành.

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nước trên thế giới thực hiện tiền kiểm các dự án luật trước khi trình Quốc hội. Đối với văn bản khác như của Chủ tịch nước, Thủ tướng là người đứng đầu bộ máy nhà nước, vấn đề hậu kiểm cũng cần phải được cân nhắc và cũng nên tiền kiểm trước khi ban hành.

Đối với văn bản pháp luật của các bộ ngành hiện nay vi phạm pháp luật nhiều nhất, suy cho cùng là vi phạm Hiến pháp. Do đó, theo đại biểu, các văn bản này phải có quá trình hậu kiểm tra sau khi ban hành.

Về thành phần kinh tế, nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” bởi quan điểm nhất quán của Đảng ta là không phân biệt thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Vấn đề chính quyền địa phương và việc thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tiếp tục làm việc đến hết ngày mai, 26/9./.


Theo vov.vn - L.T