Dấu ấn về công tác tổ chức!

11/07/2013 11:02

Hôm qua (10/7), các thí sinh đã hoàn thành môn thi cuối cùng đợt 2 và kết thúc kỳ  thi Đại học năm 2013. Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GD&ĐT tại hội nghị tổng kết công tác coi thi tuyển sinh Đại học năm 2013 cụm thi Vinh, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; thành công về mọi mặt…

(Baonghean) - Hôm qua (10/7), các thí sinh đã hoàn thành môn thi cuối cùng đợt 2 và kết thúc kỳ thi Đại học năm 2013. Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GD&ĐT tại hội nghị tổng kết công tác coi thi tuyển sinh Đại học năm 2013 cụm thi Vinh, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; thành công về mọi mặt…

An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Đến 10h30’ sáng 10/7, sau tiếng trống thu bài ở các điểm thi khối C, D vang lên cũng là lúc báo hiệu kỳ thi ĐH năm 2013 kết thúc. Có mặt tại điểm thi Trường ĐH Y khoa Vinh, PGS-TS Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám sát Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Vinh cho biết: “Có thể khẳng định rằng, kỳ thi ĐH năm 2013 tại cụm thi Vinh đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Chúng tôi đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của cụm thi Vinh; ghi nhận sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của lãnh đạo tỉnh, các cấp các ngành cùng nhân dân địa phương góp phần quan trọng cho kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần tình nguyện của lực lượng thanh niên, sinh viên và sự chung tay, góp sức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã tiếp sức cho thí sinh trong những ngày thi…”.

PGS.TS Đinh Xuân Khoa - Trưởng cụm thi Vinh cho biết, đây là một kỳ thi thành công như mong đợi, số lượng thí sinh ảo thấp nhất từ trước đến nay (tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 67%, cả 2 đợt thi chỉ có 4 em bị đình chỉ (đợt 1 có 1 em, đợt 2 có 3 em), không có giám thị nào vi phạm quy chế. Kỷ luật phòng thi tại các điểm tổ chức thi được khép chặt với sự tham gia của 2 - 3 công an vòng ngoài và trật tự viên ở vòng trong.

Tại mỗi phòng thi, ngoài 2 giám thị chính còn có thêm giám thị biên, giám sát viên phối hợp xử lí các sự cố đột xuất. Công tác in sao, bảo quản và vận chuyển đề thi đảm bảo bí mật tuyệt đối. Đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, cụm thi Vinh là một trong những điểm thi tốt nhất của cả nước trên nhiều phương diện, tiêu chí khác nhau. Ở đây, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học với ban chỉ đạo còn có sự quan tâm, giúp đỡ và chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo tỉnh và các địa phương có điểm thi. Nếu như những năm trước đây, ở cụm Vinh có một số sai sót nhỏ về thủ tục, giấy tờ hay tình trạng mất điện, nước cục bộ thì năm nay, không có sự cố nào xảy ra…

Để kỳ thi diễn ra thành công, ngay từ đầu năm 2013, Trường Đại học Vinh đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị gồm Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Cửa Lò, Hưng Nguyên tiến hành khảo sát cơ sở vật chất, chỉ sử dụng các trường đại học, cao đẳng và các trường THPT, trung tâm GDTX, THCS đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi, không tổ chức thi ở các trường tiểu học. Ban chỉ đạo cụm Vinh đã phối hợp với PA83 - Công an Nghệ An khảo sát địa điểm in sao đề thi, xây dựng kế hoạch bảo vệ kì thi với sự tham gia của Công an Thành phố Vinh và các huyện có điểm thi.

Đến giữa tháng 6, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh, Trường Đại học Vinh đã họp bàn với các trường đại học ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan, ban ngành liên quan như Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT thống nhất toàn bộ nội dung của kỳ thi; đồng thời đưa ra các phương án dự phòng, hướng dẫn cách thức xử lí các sự cố nếu có… Trong các ngày thi, BCĐ kỳ thi, các đoàn thanh tra lưu động của Bộ, Cụm, Sở GD&ĐT đã bám sát các điểm thi để giám sát, kịp thời điều chỉnh những bất cập, sai sót.



Giám thị phổ biến quy chế thi cho các thí sinh tại điểm thi Trường Đại học Vinh.

Đề thi sát thực tiễn, mang tính phân loại cao

Kết thúc 2 đợt thi đại học năm nay, nội dung đề thi được cả thí sinh và các giáo viên chuyên môn đánh giá cao ở tính phân loại và phát hiện vấn đề. Nếu như đề môn Địa lý khiến thí sinh bất ngờ với 2 câu hỏi trực tiếp và 1 câu gián tiếp về biển Đông thì đề Văn khối C được xem là “khó nhằn”. Đặc biệt, ở phần nghị luận yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm sống của mình từ nhận xét về truyền thống lối sống người Việt của giáo sư Trần Đình Hượu: “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn” được đánh giá là hóc búa, yêu cầu thí sinh phải có tầm hiểu biết về lịch sử, văn hóa người Việt, đồng thời có sự liên hệ với bản thân.

Tương tự, đề thi môn văn khối D cũng yêu cầu thí sinh trao đổi và bày tỏ quan điểm sống của mình từ nhận xét của một chàng trai Việt kiều rằng: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. Đây là một kiểu đề yêu cầu thí sinh có những sáng tạo mới trong cách nhìn nhận, cách trả lời. Phải là những người có vốn hiểu biết xã hội rộng, sự liên hệ khéo léo thì mới có thể giành được điểm cao ở câu hỏi này. Thạc sỹ Đặng Trọng Bảo, giáo viên lịch sử Trường dân tộc nội trú Tân Kỳ nhận xét, đề lịch sử có lượng kiến thức khá rộng nhưng không khó, thí sinh chỉ cần học khá và chăm học thuộc đã dễ dàng có được 6 - 7 điểm. Một số thí sinh dự thi khối B đánh giá đề Toán, Sinh, Hóa đều ra phần kiến thức trong sách giáo khoa nhưng chỉ thí sinh khá, giỏi thực sự, có kỹ năng làm bài thì mới được điểm cao…

Đa dạng các hình thức hỗ trợ thí sinh

Những ngày diễn ra 2 kỳ thi đại học năm nay, Thành phố Vinh sôi động và nhộn nhịp khác thường bởi có gần 50.000 thí sinh cùng một số lượng tương đương người nhà từ 4 tỉnh đổ về tham dự 2 đợt thi. Tuy nhiên, cả người nhà sĩ tử và người dân Thành phố Vinh đều đánh giá, kỳ thi năm nay diễn ra nhẹ nhàng hơn các năm trước. Hầu hết các dịch vụ như ăn uống, phòng nghỉ, giữ xe đều không tăng giá, các dịch vụ ăn theo mùa thi như bán đáp án, rải tờ rơi cũng ít xuất hiện…

Mùa thi năm nay, có gần 2.500 thanh niên và sinh viên tham gia tình nguyện tiếp sức mùa thi, chưa kể nhiều đội tình nguyện của các phường xã, các hội đồng hương, các diễn đàn o­nline cũng sẵn sàng hỗ trợ sĩ tử bằng nhiều cách khác nhau như hỗ trợ nơi ăn nghỉ, nước uống, hỗ trợ xe lai miễn phí. Chương trình “Bữa cơm miễn phí” tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà chùa để giúp thí sinh có được những bữa cơm ngon, canh ngọt, đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Trong 2 đợt thi, đã có 5000 suất cơm, 6000 chai nước khoáng, nước ngọt miễn phí tiếp sức cùng thí sinh và người nhà. Trước kỳ thi diễn ra, các đội tình nguyện đã khảo sát được 5000 chỗ trọ miễn phí và giá rẻ cho thí sinh và người nhà quanh các điểm thi. Trong 2 đợt thi, có gần 14.500 lượt thí sinh và người nhà được tư vấn, gần 16.000 lượt thí sinh được giữ đồ miễn phí an toàn. Các đội xe ôm miễn phí đã thực hiện được gần 2.500 chuyến xe lai phục vụ sĩ tử và người nhà. Dịch vụ xe ôm thân thiện giá rẻ của Thành đoàn lần đầu tiên được đưa vào hoạt động đang dần đi vào chuyên nghiệp và trở thành sự lựa chọn tin tưởng cho sĩ tử và người nhà tại các bến xe, ga tàu…

Kỳ thi đại học năm nay chính thức khép lại, các sĩ tử rời trường thi với nhiều tâm trạng khác nhau, có em đã chắc chắn đặt chân vào giảng đường đại học, có em còn băn khoăn, do dự, sợ điểm sàn và điểm đầu vào sẽ cao hơn các năm trước, một số em không làm được bài đang dồn hi vọng vào đợt thi cao đẳng vào hai ngày 15-16/7 sắp tới.


Bài, ảnh: Thanh Phúc - Nguyên Khoa