Giúp nhau thoát nghèo
(Baonghean) - Long Thành là xã vùng sâu trũng của huyện lúa Yên Thành, đời sống của nhân dân đặc biệt là người dân vùng giáo còn nhiều khó khăn. Để giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Long Thành đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.
Xóm giáo Liên Sơn, xã Long Thành, nơi có tiếng phát triển nghề thu mua và chế biến lươn. Tiêu biểu có cơ sở gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt đã tạo việc làm cho 20 chị em, trong đó có 10 lao động thường xuyên, với mức thu nhập mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Chị Nguyệt cho biết: Sau một thời gian bươn chải, nhờ được tiếp sức vay vốn từ quỹ hội phụ nữ, chị đã mạnh dạn đầu tư vào nghề thu mua và chế biến lươn. Đến nay cơ sở chế biến lươn của chị đã xuất hiện ở các vùng lân cận và Thành phố Vinh, vào tận Sài Gòn, ra Hà Nội... Nay gia đình đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang, có tiền nuôi con cái ăn học. Được biết, ngoài cơ sở thu mua và chế biến lươn của chị Nguyệt, tại xóm Liên Sơn còn có 4 cơ sở khác do chị em làm chủ thu hút đến 200 lao động nữ.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Thành Hoàng Thị Quỳnh cho biết: Xã Long Thành có 8 xóm, trong đó 4 xóm giáo toàn tòng với trên 3.400 giáo dân, chiếm 35% dân số toàn xã. Thời gian qua, hội rất quan tâm đến công tác giúp đỡ động viên chị em giáo dân phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Để nâng cao trình độ, nhận thức cho chị em, ngay từ đầu năm 2013, hội đã phối hợp 2 HTX nông nghiệp, Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi cho 635 chị ở 4 đơn vị vùng giáo. Tổ chức mở 2 lớp mây tre đan xuất khẩu tại nhà xứ cho 60 chị tham gia học nghề. Được tập huấn, nhiều chị em nâng cao tay nghề mang lại thu nhập bình quân từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị em vùng giáo còn mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, có nhiều chị tăng thu nhập từ hộ khá lên hộ giàu. Điển hình như: Gia đình chị Điện (xóm Đông Sơn), chị Minh (xóm Nam Sơn)... Hội tiếp tục nhận ủy thác nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho chị em vùng giáo vay vốn. Tính đến tháng 10/2013 đã có 112 hộ vay vốn với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, chị em đã mạnh dạn đầu tư vào sản suất chăn nuôi, nuôi con ăn học trưởng thành, mở mang dịch vụ buôn bán. Điển hình có chị Quy ở xóm Đông Sơn; chị Liên, chị Nhân ở xóm Phan Thanh...
Chị Phan Thị Phúc, tổ trưởng tổ mây tre đan xuất khẩu xóm Liên Sơn cho biết: Trước đây chỉ làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn. Năm 2008, chị được hội phụ nữ cử đi học lớp mây tre đan xuất khẩu. Sau khóa tập huấn, chị truyền tiếp những gì học được cho chị em trong xóm có nhu cầu làm mây tre đan. Hiện nay, nghề mây tre đan tạo việc làm ổn định cho 15 chị em với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với việc giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, các chi hội phụ nữ còn đóng vai trò tích cực vận động hội viên sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương; trang bị kiến thức nuôi dạy con tốt cho chị em; nâng cao ý thức trách nhiệm của chị em trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc…
Phạm Ngân