Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về 2 dự án luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật tiếp công dân, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Thào Xuân Sùng phát biểu ý kiến.
(Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật tiếp công dân nhằm quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân, đồng thời thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta “Nhà nước của dân, do dân và vì dân.”
Dự án Luật tiếp công dân trình Quốc hội cho ý kiến gồm 10 chương, 61 điều, quy định rõ về việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.
Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật tiếp công dân với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn và cho rằng nhìn chung các quy định dự thảo Luật tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), Nguyễn Thị Bạch Vân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số đại biểu khác cho rằng, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Do đó, các đại biểu này đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác.
Về phạm vi đối tượng áp dụng như trong dự thảo Luật, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre)... cho rằng, quy định như vậy là quá rộng và dàn trải trong khi tính chất của hoạt động tiếp công dân của từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị lại có những đặc thù nhất định; yêu cầu, nhu cầu tiếp công dân cũng khác nhau.
Do đó, các đại biểu này đề nghị ban soạn thảo chỉ nên giới hạn quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, của đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước, bởi vì các tổ chức, đơn vị này không trực tiếp tham gia quản lý nhà nước. Góp ý về điều này, một số đại biểu khác đề nghị dự thảo Luật chỉ cần giới hạn quy định về việc tiếp công dân của các cơ quan nhà nước hoặc chỉ đối với các cơ quan hành chính nhà nước nhằm trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, gắn với quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu cũng đã góp ý vào một số điểm, khoản. Cụ thể, góp ý về nội dung khái niệm "tiếp công dân" quy định tại Điều 3, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Vân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng nội dung này chưa phản ánh đủ nội hàm của hoạt động tiếp công dân. Do đó, cần thay thế cụm từ "tiếp công dân" trong dự thảo Luật này bằng cụm từ "tiếp dân" để mang tính khái quát cao hơn. Các đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre), Nguyễn Thị Bạch Vân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị bỏ Điều 5 về mục đích của công tác tiếp công dân.
Về trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chủ yếu mới chỉ làm rõ mô hình tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước mà chưa xác định cụ thể việc tiếp dân của các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.... Cách thức tổ chức tiếp công dân của các tổ chức, đơn vị khác cũng chưa được đề cập.
Phát triển một nền sản xuất nông nghiệp an toàn và thương mại hàng nông lâm sản
Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. Theo Tờ trình của Chính phủ, 10 năm qua, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước ta. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh này đã bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhằm quản lý hiệu quả hơn đối với lĩnh vực quan trọng này.
Góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Điều 9), một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, đại biểu Khúc Thị Duyền (Đoàn Thái Bình) đề nghị cần chuyển điểm c xuống cuối cùng của khoản 4, điều này.
Về thẩm quyền công bố dịch, nhiều đại biểu đồng quan điểm như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là việc quy định thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở nước ta nhằm tính chủ động của chính quyền địa phương để huy động kịp thời nguồn lực trong việc chống dịch.
Các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể vào một số điểm, khoản như: Khoản 2, Điều 73, đại biểu Duyền kiến nghị khi cơ quan chức năng phát hiện ra cơ sở nào sản xuất thuốc giả, thuốc hết thời hạn sử dụng... thì phải ra quyết định thu hồi ngay.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 3/6, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận này sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri cũng như đồng bào cả nước theo dõi./.
Theo (TTXVN) - L.T