Bài 2: "Bạn đời" của mẹ
(Baonghean) - Vật dụng quen thuộc nhất của phụ nữ vùng cao là chiếc gùi. Từ khi mới lên sáu lên bảy, đôi chân đã biết theo mẹ lội rừng, nhiều bé gái vùng cao đã được cha hoặc ông nội đan cho một chiếc gùi nhỏ để tập tành, phụ giúp mẹ hái rau, kiếm củi, gùi lúa... Từ đó, chiếc gùi gắn bó với cuộc sống của họ cho đến ngày đôi chân không còn đi rừng được nữa...
Chiếc gùi được sinh ra hình như là để gắn bó mãn kiếp với nỗi nhọc nhằn của phụ nữ vùng cao, như một thứ định mệnh. Bà mế người Thái Quàng Thị Thân (bản Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu) là một trong những phụ nữ như thế. Từ khi tấm bé cho đến tuổi xế chiều, chiếc gùi luôn bám tấm lưng bà. Chồng mất sớm, bà Thân có phần vất vả hơn nhiều bà mế trong bản. Con cái đều ở xa, không chịu được cảnh cô đơn khi tuổi già, bà gọi đứa cháu ngoại về ở cùng để bầu bạn, có người hôm sớm đỡ đần việc nhà. Bà bảo: "Ngày trước, bà vẫn hay cho nó lên rãy trong cái gùi thế này, giờ nó đã lớn, biết chạy khắp bản rồi, sức bà không gùi được nó nữa. Sắp đến ngày nó gùi bà đi rồi!".
Đưa tay tuốt nắm lá rừng, cho vào bao tải cạnh chiếc gùi, bà nói về một ngày làm việc của mình thế này: Sáng dậy, công việc đầu tiên của bà là mang chiếc gùi đi cõng nước từ con suối cách nhà nửa cây số về nhà. Nước đựng trong những chiếc can nhựa. Ngày trước, cái chân còn khỏe, một lúc bà gùi được 2 chiếc can loại 20 lít đựng đầy nước. Nay, chỉ gùi được một can thôi, đã thấy mệt. May thay, đứa cháu trai lên 10 tuổi cũng đã biết tập đi gùi nước. Gần đây, thương lái đến thu mua một thứ lá rừng, không biết họ dùng làm gì.
Thấy có thể kiếm được tiền, bà cũng mang gùi theo dân bản đi gùi về bán. Gặp chúng tôi trên ngọn núi Pú Ca gần bản, bà tâm sự: Chiếc gùi này bà dùng được 2 năm, vẫn chưa rách. Vì bây giờ chỉ đi gần nhà gùi củi, gùi rau thôi, mỗi tuần chỉ vài lần leo núi đã thấy mệt cái thân. Ngày trước còn khỏe, đi được xa gùi được nhiều, mỗi năm bà dùng rách đến 2 chiếc gùi. Hồi chưa bỏ làm nương phát rãy, mình bà gùi xong cả kho lúa trong rừng, lại còn đi giúp anh em họ hàng gùi lúa nhưng đôi chân thì không biết mệt. Bây giờ sức hèn rồi, đi được một hai ngọn núi đã là cố gắng lắm...
Gùi Mông được bày bán tại chợ biên giới (Cửa khẩu Nậm Cắn - Kỳ Sơn). |
Theo bà Thân thì cái gùi có mặt ở trần gian là nhờ ông Trời cho phép xuống để giúp con người đỡ vất vả hơn. Bà kể: Một ngày, ông Trời mở cổng cho vạn vật xuống trần, thấy ruồi muỗi cũng đòi xuống "giúp ích" cho người, cái gùi đánh liều xin xuống theo vì thấy con người đi đâu cũng phải cầm rau củi, mang về mà không biết đựng vào đâu. Ông Trời nghe có lí, liền đồng ý, thế là chiếc gùi có mặt dưới trần gian. Từ đó, con người biết đan gùi đựng lúa, cũng như củi, rau và nó trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống dân bản.
Đan lát nói chung và đan gùi nói riêng vốn là công việc của những người đàn ông. Trong mỗi chuyến đi rừng, lúc trở về họ thường tranh thủ chọn tre nứa về chẻ thành lạt mỏng bỏ trên giàn bếp, chờ khi cần dùng đan gùi, lạt được đem ngâm trong nước cho dẻo và dễ đan, chiếc gùi cũng sẽ bền hơn. Người Khơ mú, Thái, Đan Lai, Tày Poọng đều là giỏi đan lát, trong đó đặc biệt phải kể đến tài đan lát của người Khơ mú. Lúc nhàn, thường là khi đã gặt xong lúa rãy, tháng 9, tháng 10 âm lịch, đàn ông Khơ mú ở bản Huồi Thum (Na Ngoi - Kỳ Sơn) thường ở nhà đan lát.
Đây là nghề có thể giúp họ cải thiện nguồn thu nhập gần như hoàn toàn phụ thuộc vào cây măng, cây nấm trong rừng, và các lâm sản phụ. Sản phẩm đan lát gồm rổ rá, chiếc "ép" đựng xôi, trúm đánh cá, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc gùi (bế) của người Thái, Khơ mú hay một loại gùi khác tuy nhỏ nhưng lại được đan khá cầu kỳ, là chiếc "lù cở" của người Mông. Ông Moong Văn Thiện, bản Huồi Thum cho biết: Nếu đã có sẵn lạt nứa, mỗi ngày ông có thể đan xog một chiếc gùi Mông, bán được 120.000 đồng, còn chiếc gùi Thái tuy có phần đơn giản hơn nhưng cũng phải mất gần một ngày mới xong.
Đến các huyện vùng cao, nhất là chợ phiên họp vào 14 và 29 dương lịch hàng tháng trên phần đất phía nước bạn Lào, giáp Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn rất dễ bắt gặp những chiếc gùi, "lù cở" được bày bán trên các sạp hàng và được nhiều người mua dùng, bởi những chiếc gùi, "phương tiện" vận chuyển thô sơ ấy vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của bà con vùng cao, mặc dù ngày nay xe gắn máy, xe trâu, thậm chí là ô tô tải đã trở nên phổ biến ở vùng cao. Nhưng chiếc gùi vẫn được dùng đến khi đi nương đi rãy, ở những địa hình dốc cao, những phương tiện cơ giới không thể leo đến thì chiếc gùi trở thành đồ vật không thể thiếu để vận chuyển nông, lâm sản. Nhất là đối với những người phụ nữ, chiếc gùi gắn bó suốt cuộc đời họ, chẳng khác một người bạn gắn bó sớm hôm!
Bài, ảnh: Hữu Vi