Đi từ "Hũ gạo tiết kiệm"...
(Baonghean) -Với tinh thần giúp chị em hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu, tạo lập nguồn vốn giúp hội viên khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, Chi hội Phụ nữ xóm 3, xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) từ nhiều năm nay thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” và xây dựng quỹ bằng hình thức phường tiền, phường lúa...
Bà Vi Thị Bích, Chi hội trưởng, hồ hởi: Chi hội Phụ nữ xóm 3 có 50 hội viên, từ nhiều năm nay luôn đoàn kết, tích cực thực hiện trong mọi phong trào do hội cấp trên tổ chức cũng như phong trào của chi hội đề ra. Từ khi Đảng phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chi hội đã phát động học tập đức tính tiết kiệm của Bác, xây dựng “Hũ gạo tiết kiệm”. Sau mỗi lần đong gạo nấu cơm, mỗi hội viên tự giác bốc ra một nắm bỏ vào hũ gạo tiết kiệm của gia đình mình. Sau 3 tháng, các hội viên mang số gạo tiết kiệm nộp cho Chi hội trưởng.
Đến năm 2010, các hội viên đề xuất, cứ 3 tháng mỗi người đóng góp 1-1,5 kg gạo. Số gạo góp được sau 3 tháng, chi hội họp bàn thống nhất hỗ trợ 1 hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Từ khi thành lập “Hũ gạo tiết kiệm” đến nay, chi hội đã hỗ trợ cho 20 hội viên. Chị La Thị Hương, hội viên vừa được nhận hơn 50 kg gạo hỗ trợ của chi hội trong quý 3 vừa qua, xúc động, nói: Từ trước đến nay, mỗi bữa ăn cả gia đình bớt 1 nắm gạo, hay 3 tháng bớt 1 kg gạo là không đáng kể gì. Khi gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống, được chị em quan tâm hỗ trợ 50 kg gạo, lúc này là lớn lắm!
Hũ gạo tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ xóm 3. |
Để giúp hội viên có vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ngoài hỗ trợ bằng “Hũ gạo tiết kiệm”, Chi hội xóm 3 còn xây dựng nguồn quỹ bằng cách lập phường lúa, phường tiền. 50 hội viên, được chia thành 3 tổ, các tổ phường hoạt động bằng hình thức góp lúa, tiền để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình. Mỗi vụ thu hoạch lúa, một hội viên đóng cho phường 1 tạ lúa; đối với phường tiền, cứ 3 tháng mỗi hội viên đóng góp 1 triệu đồng.
Số tiền và lúa góp được sau mỗi lần, các tổ bình bầu cho 1 hội viên khó khăn nhất được bốc, với mục đích đầu tư vốn vào phát triển chăn nuôi, sản xuất. Mỗi lần bốc phường, các hội viên đóng thêm 50 nghìn đồng để tổ chức bữa cơm thân mật, nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết trong chi hội, cũng là dịp để các hội viên tham gia ý kiến, học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Chị Vi Thị Đạt cho biết: “Cách đây gần 1 năm, tôi bốc phường lúa được 1,6 tấn, tôi bán lấy tiền, cùng với số vốn vay từ ngân hàng, gia đình đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất.
Cái hay của tổ phường là chị em học hỏi được kinh nghiệm từ thực tế, mặc dù số tiền bốc phường không nhiều lắm, nhưng bằng cách “mèo nhỏ bắt chuột bé”, hội viên nào cũng sử dụng nguồn vốn một cách thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, chị em có nguồn thu nhập từ chăn nuôi, sản xuất để nâng cao đời sống và có tiền để đóng phường kịp thời”. Nhờ có tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nên Chi hội hiện chỉ còn 10 hội viên thuộc diện nghèo. Kinh tế ngày càng ổn định, phong trào bề nổi cũng phát triển mạnh. Chi hội có đội bóng chuyền, đội văn nghệ, hàng năm thường đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi văn nghệ, thể thao do địa phương tổ chức...
Chị Trần Thị Thú - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tiên Kỳ, nhận xét: Chi hội Phụ nữ xóm 3 từ trước đến nay là đơn vị luôn dẫn đầu về các phong trào từ phát triển kinh tế hộ cũng như mọi phong trào bề nổi. Mỗi khi tổ chức hội họp rất đông đủ, đúng giờ, phong trào “5 không, 3 sạch” của chi hội luôn thực hiện tốt!
Xuân Hoàng