Phát huy vai trò gương mẫu của “người uy tín”
Từ lâu, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú ở Kỳ Sơn vẫn có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn, phòng thú dữ. Theo quy định thì súng săn là loại vũ khí nguy hiểm, Nhà nước cấm tàng trữ, sử dụng. Vì vậy việc tổ chức vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giao nộp súng tự chế và các loại vật liệu nổ trái phép đang được Công an huyện Kỳ Sơn thực hiện có hiệu quả…
(Baonghean) - Từ lâu, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú ở Kỳ Sơn vẫn có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn, phòng thú dữ. Theo quy định thì súng săn là loại vũ khí nguy hiểm, Nhà nước cấm tàng trữ, sử dụng. Vì vậy việc tổ chức vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giao nộp súng tự chế và các loại vật liệu nổ trái phép đang được Công an huyện Kỳ Sơn thực hiện có hiệu quả…
Vào một ngày đầu tháng 7/2013, khi bố mẹ đi làm rẫy, hai anh em Lầu Bá Thông, Lầu Bá Nênh, trú tại bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) rủ nhau mang súng vào rừng đi săn. Thông phân công cho Nênh nấp trong bụi, giả kêu tiếng gà rừng còn mình đứng từ xa, cầm súng sẵn sàng lên đạn để bắn. Ngồi trong bụi, Nênh liên tục giả tiếng gà như thật khiến một con gà rừng bay đến. Chỉ chờ có vậy, Thông lập tức bóp cò. Sau tiếng nổ khô khốc, Nênh kêu ú lên một tiếng rồi gục xuống vì trúng đạn. Lúc này, Thông mới biết mình đã bắn nhầm nên tìm cách báo với dân bản, đưa Nênh đi cấp cứu.
Sau khi Nênh qua khỏi cơn nguy kịch, Thông bị cảnh sát xử phạt hành chính vì lúc ấy, Thông chưa đủ 14 tuổi. Trước đó, Mong Văn Hưng (SN 1997) và Cụt Văn Sung (SN 1996) đều trú tại bản Xốp Phe, xã Mường Típ, cũng vác súng rủ nhau đi săn. Khi đang đi, Hưng làm súng cướp cò, đạn bắn thẳng vào đùi Sung khiến nạn nhân phải vào viện phẫu thuật. Cách đây 3 năm, người dân xã Keng Đu chứng kiến cái chết tức tưởi của anh Lương Bá Chuông ở bản Huồi Phó khi vào rừng săn thú. Người bạn săn Moong Phò Minh khi thấy anh Chuông nấp trong bụi rậm đã tưởng nhầm là thú và nổ súng khiến anh Chuông trúng nguyên cả loạt đạn ria vào người, sau đó tử vong trên đường đi cấp cứu,…
Công an huyện Kỳ Sơn kiểm tra, xử lý súng kíp do người dân giao nộp.
Đó là những vụ án đáng tiếc liên quan đến súng tự chế ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú hầu như nhà nào cũng có súng săn, nhà ít 1 khẩu, nhà nhiều có đến vài khẩu. Súng săn được bà con tự chế và sử dụng như một vật dụng hàng ngày để săn, bắt, chống lại các loài thú dữ. Những năm qua, tình trạng người dân sử dụng súng tự chế đã kéo theo những hệ lụy khôn lường. Hầu như năm nào ở Kỳ Sơn cũng có người chết hoặc bị thương vì sử dụng súng tự chế. Đáng lo ngại, một số người chưa đến tuổi vị thành niên, sẵn sàng dùng súng để giải quyết mâu thuẫn bột phát trong cuộc sống hàng ngày.
Trước thực trạng trên, Công an huyện Kỳ Sơn đã tham mưu cho chính quyền huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân giao nộp súng tự chế và các loại vũ khí tự tạo khác. Thời gian đầu, công việc này tưởng chừng như không thể có kết quả bởi cái lý của đồng bào dân tộc là “ta dùng súng để săn thú trên rừng chứ có phải để bắn người đâu mà phải giao nộp”, trong khi đó việc sử dụng súng săn đã có từ lâu đời nên để từ bỏ một tập tục của đồng bào là điều không đơn giản.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các chiến sĩ Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội và Đội phụ trách xã công an huyện thay phiên nhau xuống tận bản, tìm đến những già làng, những đảng viên và những tay thợ săn lão luyện để vừa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật nâng cao nhận thức vừa vận động họ giao nộp súng tránh vi phạm đáng tiếc. Ở xã Keng Đu, đảng viên Lương Phò La, nguyên Trưởng bản Huồi Lê là một trong những người đầu tiên thực hiện việc giao nộp súng sau hơn 1 ngày được các chiến sĩ công an huyện vận động, thuyết phục. Trước khi giao lại súng cho cán bộ, ông La không quên làm vía cho khẩu súng và nói với mọi người: “Chính sách của Đảng, Nhà nước về việc thu hồi súng tự chế là việc làm tốt, bà con nên nghe theo, bởi ngày nay, việc săn thú trong rừng cũng đã bị cấm rồi.
Để súng trong nhà hại nhiều hơn lợi”. Được vận động giải thích và nhìn vào gương già làng La, hàng trăm người dân đã đưa súng về giao nộp cho chính quyền. Anh Lương Văn Minh, Trưởng công an xã Keng Đu cho biết, trong 3 năm qua, Công an xã đã nhận được khoảng 500 khẩu súng và nòng súng tự chế do bà con tự nguyện giao nộp; mới đây, người dân các bản Huồi Phuôn, Huồi Lê, Hạt Ta Vén cũng giao nộp thêm 40 khẩu súng kíp, 25 nòng súng tự chế…
Nhờ làm tốt công tác vận động, theo phương châm “Cán bộ, đảng viên, người uy tín làm trước, dân bản theo sau” nên năm nào ở Bảo Thắng cũng thu được hàng chục khẩu súng của người dân. 6 tháng đầu năm nay bà con dân bản đã 2 lần đến nộp lại 48 khẩu súng tự chế, 32 nòng súng và các loại vũ khí khác như đao, kiếm, dùi cui điện cho cán bộ công an xã. Tại xã Mỹ Lý, ban công an xã đã thành lập hẳn bộ phận tiếp nhận súng của bà con. Khi nghe tin ai đang có súng trong nhà hoặc trên nương rẫy, lực lượng công an sẽ trực tiếp tuyên truyền vận động. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2013, toàn xã đã thu được 70 khẩu súng tự chế để nộp lên công an huyện… Được biết, từ đầu năm đến nay, công an huyện đã tiếp nhận và tiêu hủy 970 khẩu súng tự chế, năm 2012, toàn huyện thu được 1.004 khẩu súng cùng một số vũ khí khác như lựu đạn, còng tay, dùi cui điện…
Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, cái được lớn nhất trong quá trình vận động người dân giao nộp vũ khí tự tạo chính là sự chuyển biến trong nhận thức. Nếu như trước đây, việc sở hữu khẩu súng săn trong nhà là niềm tự hào của đồng bào thì hiện nay, họ biết rằng điều đó là vi phạm pháp luật. “Để có được những kết quả trên, bài học lớn nhất ở Kỳ Sơn là dựa vào dân, đặc biệt là phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng. Không riêng gì việc vận động giao nộp vũ khí mà bài học này còn nguyên ý nghĩa trong các lĩnh vực công tác khác ở Kỳ Sơn như di dịch cư tự do, buôn bán ma túy. Khi ý Đảng, lòng dân đã thuận thì công việc dù khó đến đâu cũng sẽ làm được và làm có hiệu quả”, Đại tá Đề khẳng định.
Bài, ảnh: Nguyên Khoa