Những "chú Robot" tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XIX - 2013

01/08/2013 14:50

Trong 25 sản phẩm phần mềm sáng tạo lọt vào vòng chung khảo Hội thi Tin học trẻ lần thứ XIX – 2013, các sản phẩm lập trình điều khiển để tạo ra các chú robot xinh xắn, nhiều tính năng thiết thực và có tính ứng dụng cao đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của BGK cũng như các bạn trẻ yêu công nghệ.

(Baonghean.vn) - Trong 25 sản phẩm phần mềm sáng tạo lọt vào vòng chung khảo Hội thi Tin học trẻ lần thứ XIX – 2013, các sản phẩm lập trình điều khiển để tạo ra các chú robot xinh xắn, nhiều tính năng thiết thực và có tính ứng dụng cao đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của BGK cũng như các bạn trẻ yêu công nghệ.

“Máy tính hóa học” - một sản phẩm có thể giúp người sử dụng tìm kiếm, tra cứu các phương trình hóa học, có thể cân bằng các phương trình, xem tên gọi, và điều chế của một chất. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có thể dễ dàng cập nhật, thêm mới phương trình hóa học giúp máy tính ngày càng hoàn thiện. Sử dụng chip điều khiển trung tâm Atmega 128, ngôn ngữ lập trình C và phần mềm Quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server, em Nguyễn Dương Kim Hảo - học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TPHCM đã mang đến cho Hội thi một sản phẩm hết sức bất ngờ.

Đây là lần thứ 4 Kim Hảo tham gia Hội thi tin học trẻ toàn quốc, trong 3 lần thi trước, Kim Hảo đã giành 1 giải Ba và 2 giải Nhất. Điều đặc biệt là ngoài sản phẩm “Máy tính hóa học”, Kim Hảo còn có một sản phẩm nữa lọt vào vòng chung khảo là web game “Biển đảo quê hương”. Và đây cũng là thí sinh duy nhất có 2 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo.



Nguyễn Dương Kim Hảo giới thiệu sản phẩm "Máy tính hóa học"

Sau 4 tháng mày mò nghiên cứu, bạn Ngô Huỳnh Ngọc Khánh đến từ lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Phú Yên đã mang tới hội thi sản phẩm “kBOT – wifi Robot – Robot tin học lập trình điều khiển qua Wifi”. Sản phẩm có chức năng điều khiển qua wifi, di chuyển địa hình, quan sát và truyền âm thanh thời gian thực, ghi âm, quay video, chụp ảnh, khảo sát nhiệt độ độ ẩm, radar đánh giá địa hình. kBOT được xây dựng trên nền tảng hệ điều hành Linux và vi xử lý Atemega 328 với thư viện Ardiano. Theo đánh giá của giám khảo Vũ Chí Cường – giảng viên Tin học Trường Đại học Vinh: “Đây là sản phẩm khá và có tính khả thi cao, hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tiễn”.



Ngô Huỳnh Ngọc Khánh giới thiệu sản phẩm kBOT

2 gương mặt trẻ đến từ đồng bằng sông Cửu Long là bạn Quan Thanh Hải và Trần Thị Nguyễn Nhật – lớp 11, Trường THPT Châu Văn Liêm, Tp.Cần Thơ mang đến hội thi sản phẩm “Điều khiển hệ thống điện”. Phần mềm được thiết kế nhằm hỗ trợ cho những người khuyết tật bởi tính năng nổi trội của sản phẩm là có thể điều khiển các thiết bị trong hệ thống điện ở khoảng cách xa mà không cần dây kết nối. Sản phẩm được xây dựng trên ngôn ngữ Visual Basic.



Quan Thanh Hải và Trần Thị Nguyễn Nhật giới thiệu sản phẩm "Điều khiển hệ thống điện"

Những sản phẩm Robot thường xuất hiện tại các sân chơi lớn như Robocon và cũng dành cho các anh chị sinh viên. Thế nên, việc xuất hiện các sản phẩm Robot tại hội thi lần này sẽ là một yếu tố tích cực mang lại thành công cho hội thi tin học trẻ toàn quốc năm nay!


Tùng Lâm