Nét đẹp vùng biên

21/10/2013 18:12

(Baonghean) - Về bản Thái Sơn, xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, người dân ở đây vẫn thường tự hào về vùng quê giàu truyền thống cách mạng - nơi có chi bộ đảng miền Tây Nghệ An được thành lập vào những năm 1930-1931.

Trưởng bản Vi Văn Tinh cho biết: Bản Thái Sơn hiện có hơn 150 hộ với 625 nhân khẩu, có dân tộc Thái và Đan Lai cùng sinh sống. Phát huy truyền thống xây dựng nếp sống văn hóa làng bản, năm 1999, bản Thái Sơn được công nhận danh hiệu bản Văn hóa đầu tiên của huyện Con Cuông.

Điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở đây là bà con dân tộc Thái vẫn còn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống. Đặc biệt, thời gian gần đây cùng với việc nâng cao nhận thức, trình độ thâm canh lúa nước, phát triển kinh tế vườn rừng, vườn nhà, chăn nuôi, nghề dệt thổ cẩm... thì văn hóa truyền thống cũng được chú ý phục hồi như các lễ hội Xăng Khan, múa cồng chiêng, nhảy sạp. Các nhạc cụ xi xo, pí lăng, khèn bè..., các làn điệu dân ca khắp, lăm... được sưu tầm và được các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ. Những trò chơi dân gian như chọi gụ, bắn nỏ, đi cà kheo được tổ chức trong các dịp lễ hội...

Tiết mục đội văn nghệ bản Thái Sơn trong dịp kỷ niệm 82 năm thành lập Chi bộ đảng Môn Sơn.
Tiết mục đội văn nghệ bản Thái Sơn trong dịp kỷ niệm 82 năm thành lập Chi bộ đảng Môn Sơn.

Kinh tế phát triển, bản Thái Sơn đã xóa được nhà tranh tre tạm bợ, thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố, đường trong bản đã được bê tông hóa không còn cảnh lầy lội như trước; thu nhập bình quân đầu người của bản đạt 7 triệu đồng/người/năm, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn. Các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao luôn được giữ vững. Các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu được đẩy lùi. Đến nay, toàn bản có 120/150 hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Điều đặc biệt là bản Thái Sơn luôn dẫn đầu truyền thống hiếu học, có nhiều người có trình độ đại học trở thành cán bộ của trung ương, tỉnh, huyện.

Thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong đám cưới được nhân dân trong bản đồng tình. Theo quy định ngày càng đơn giản, không rườm rà như trước nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Chị Vi Thị Xuân, hội viên tổ dệt thổ cẩm cho biết: Các cô gái trước khi về nhà chồng phải sắm sửa cho mình một ít của hồi môn, trong đó không thể thiếu tấm phà, khăn, váy, áo thổ cẩm và đệm gối bông lau. Đó là nhờ chi hội phụ nữ vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

Bản đã xây dựng quy ước, hương ước và được mọi gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm túc. Do vậy, trong khi nhiều bản trong huyện, trong xã có nhiều người sử dụng chất ma tuý, thì bản Thái Sơn không có con nghiện, không có người mắc các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, không vi phạm lâm luật như khai thác lâm sản trái phép, không phát rừng làm rẫy trái quy định... Các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, công tác xã hội hoá giáo dục luôn được coi trọng và có chiều sâu. Bản Thái Sơn là lá cờ đầu về phong trào TDTT.

Tự hào về những thành tích mà bản Thái Sơn đã đạt được, ông Lương Đình Hoa - Phó Chủ tịch xã Môn Sơn khẳng định: Để giữ vững danh hiệu văn hóa, cả bản luôn nhắc nhở nhau phải giữ gìn tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế để bộ mặt bản làng ngày càng khang trang, cuộc sống ngày càng vui hơn. 14 năm giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa là sự quyết tâm, nhất trí cao của tập thể đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng và gìn giữ đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bản luôn xứng đáng là đơn vị đi đầu của xã Môn Sơn trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị…

Phạm Ngân