Đoàn kết toàn dân tộc - động lực của sự phát triển

08/10/2013 08:09

(Baonghean) - Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết thống nhất trong đấu tranh cải tạo thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm. Đó chính là bản sắc độc đáo, là giá trị truyền thống của dân tộc ta. Đại đoàn kết cũng chính là nhân tố cơ bản bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Thực tiễn cũng đã chứng kiến, cùng lâm vào cảnh khủng hoảng, khó khăn như nhau, nhưng ở châu Mỹ La tinh và gần đây nhất là Thái Lan thoát ra khỏi khủng hoảng rất khó khăn, vì sự chia rẽ, tranh chấp, lật đổ. Nhưng ở vùng Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc nên họ vượt qua khó khăn và phát triển nhanh.

Đối với Việt Nam, nhận thức vai trò, tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc, nên Đảng cộng sản Việt Nam luôn quan tâm, tìm các giải pháp để phát huy sức mạnh của “đoàn kết” trong mọi giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, từ sau Đại hội VI, các thế lực thù địch ra sức tìm cách kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn giai cấp, tôn giáo. Vấn đề dân tộc càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ra nghị quyết “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hội nghị khẳng định “khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” .

Trong những năm qua, với chủ trương đúng đắn của Đảng, chúng ta đã và đang từng bước thực hiện được những quan điểm trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhiều nhân tố thuận lợi để phát huy khối đại đoàn kết mất đi, xuất hiện nhiều nhân tố, thời cơ mới và nảy sinh không ít những nhân tố kìm hãm, phá vỡ khối đại đoàn kết, đưa đến sự chia rẽ cộng đồng dân tộc. Những nhân tố đó như là phần chìm của tảng băng, khó phát hiện, và phát hiện được thì ngăn chặn sự phát triển, lây lan cũng không dễ dàng.

Trước hết là âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực phản động. Chống phá cách mạng nước ta, chúng đang sử dụng hàng loạt các biện pháp và âm mưu thâm độc phá hoại nhiều mặt, tìm những sơ hở của chúng ta để thực hiện “diễn biến hoà bình”. Để làm suy yếu, triệt tiêu động lực cách mạng nước ta, chúng đang rắp tâm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xúi dục các phần tử phản động, cơ hội, các tôn giáo gây rối, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước. Chúng gây sức ép, tạo ra sự bất bình đẳng, gây khó khăn, tranh chấp, giành giật tài nguyên, năng lượng bằng các biện pháp trừng phạt, bán phá giá, huỷ hoại môi trường sinh thái làm cho khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng lớn. Tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chèn ép, áp đặt chính trị, lợi dụng khủng bố và chống khủng bố để thực hiện mưu đồ chính trị.

Để giải quyết những mâu thuẫn hiện nay, phát huy động lực của khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta đang từng bước thực hiện những giải pháp:

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 1 - Sư đoàn 324 cùng bà con xóm Bắc Long (Giang Sơn Tây, Đô Lương)  tôn tạo sân nhà văn hóa. Ảnh: Hà Hữu Tân
Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 1 - Sư đoàn 324 cùng bà con xóm Bắc Long (Giang Sơn Tây, Đô Lương) tôn tạo sân nhà văn hóa. Ảnh: Hà Hữu Tân

1. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, là thước đo của dân chủ. Bằng cách đổi mới từng bước hệ thống chính trị, tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, thực hiện quy chế dân chủ từ cơ sở, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia ngày càng đông đảo vào các sinh hoạt chính trị của đất nước, làm cho các thành viên trong xã hội cởi mở, xích lại gần nhau hơn. Cải cách nền hành chính nhà nước về thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tổ chức và hoạt động tư pháp, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi tham nhũng, tội phạm. Từng bước hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tránh bệnh dân chủ hình thức, "lợi dụng dân chủ", mất dân chủ, né tránh, ẩn náu, tự vệ.

2. Thực hiện công bằng xã hội. Giải quyết kịp thời những khiếu kiện của dân do giá trị tài sản bị “trượt”, lòng tốt của dân bị lạm dụng do tính toán vụ lợi bởi những chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, mà thiếu quan tâm đến dân. Các cuộc đình công, bãi công của công nhân diễn ra, xung đột lợi ích của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội có nguy cơ rạn nứt của khối đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay, chúng ta đang tích cực mở rộng quan hệ quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, để định hướng xã hội chủ nghĩa phải trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước, không thể mở rộng bằng mọi giá hoặc trả giá quá đắt.

3. Giáo dục truyền thống đoàn kết toàn dân tộc. Trong bài viết “Nên học sử ta”, Bác đã khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”. Theo tinh thần đó thì, địa phương nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy lợi ích chung đều tạo ra được động lực thúc đẩy sự phát triển của mình. Ngược lại, nơi nào mà có sự chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên phong phú, dân số đông đúc, vẫn bị triệt tiêu sức mạnh, vị thế quốc tế suy giảm.

Hiện nay, một số người lãng quên ý thức dân tộc, hy sinh lợi ích dân tộc, hoạt động của họ thuần túy vì lợi ích cá nhân. Có thể họ chưa hiểu hoặc vô cảm, bị chi phối bởi tư tưởng thực dụng, trốn thuế, tham nhũng, kinh doanh bất hợp pháp, phá hoại tài nguyên, môi trường, thờ ơ, vô tâm trước nỗi khổ của những người lao động trong doanh nghiệp của mình, của đồng bào nghèo và trước những khó khăn chung của dân tộc. Vấn đề là phải giáo dục cho họ hiểu: Đất nước ta là của cả dân tộc, mọi người Việt Nam phải có trách nhiệm đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và có quyền được sống, được hưởng các thành quả lao động, cống hiến trên giang sơn của mình. Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải tích cực tham gia giáo dục giá trị tinh thần truyền thống đoàn kết toàn dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

4. Đấu tranh chống lại những luận điệu tuyên truyền nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.

Các thế lực thù địch luôn tìm những sơ hở của chúng ta để thực hiện “diễn biến hoà bình”, coi việc chia rẽ là một biện pháp lợi hại nhất để làm suy yếu cách mạng nước ta. Nếu chúng ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thực hiện công bằng xã hội, chống tham nhũng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Ngăn chặn tình trạng kinh tế chậm phát triển, trì trệ, lạm phát, nâng cao đời sống nhân dân..., thì đã tạo ra được sức đề kháng trong ý thức mỗi người dân để chống lại những luận điệu gây mất đoàn kết của các thế lực thù địch. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển kinh tế chỉ dựa vào các tập đoàn lớn trong nước, xuất khẩu nguyên liệu thô, vốn FDI, gia công hàng hóa v.v.. như hiện nay là khó bền vững.

Xử lý nghiêm những người "do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội". Những cá nhân này dễ bị kẻ địch lợi dụng, gây tác hại không nhỏ cho dân tộc, làm cho một bộ phận trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng, ảnh hưởng đến truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Củng cố và tăng cường bộ máy nhà nước, đấu tranh chống các tệ nạn làm giảm uy tín và hiệu lực của Nhà nước. Cuộc đấu tranh để khắc phục những khuyết tật của bộ máy nhà nước không thể tách rời cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng mạnh thì Nhà nước mạnh. Đó là nhân tố cơ bản và then chốt, hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.

Nguyễn Lương Bằng (Đại học Vinh)