Di văn của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh

26/08/2013 20:03

Tại nhà thờ họ Hoàng, phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) hiện đang lưu giữ một di sản quý báu, đó chính là tấm văn bia “Hậu Thần bi ký”. Theo dòng lạc khoản trên bia thì tấm văn bia này được khắc vào ngày tốt mùa thu năm Ất Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (năm 1755), đời vua Lê Hiển Tông. Như vậy, tấm bia này cách ngày nay 258 năm.

(Baonghean) - Tại nhà thờ họ Hoàng, phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) hiện đang lưu giữ một di sản quý báu, đó chính là tấm văn bia “Hậu Thần bi ký”. Theo dòng lạc khoản trên bia thì tấm văn bia này được khắc vào ngày tốt mùa thu năm Ất Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (năm 1755), đời vua Lê Hiển Tông. Như vậy, tấm bia này cách ngày nay 258 năm.

Tấm bia vốn trước đây được đặt ở đình làng, sau con cháu dòng họ Hoàng đã rước bia về nhà thờ để bảo quản và lưu giữ được tốt hơn. Bia cao khoảng 1m30, rộng 55cm, dày 16cm. Tấm bia tạc theo hình tháp, phía dưới to hơn phía trên, trên đỉnh bia lại tạc hình một cái bầu hồ lô cách điệu. Bia không có hoa văn trang trí, nhưng không vì thế mà làm mất đi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, thanh tao của nhân vật được ca tụng trong văn bia, cũng như tác giả bài văn.



Văn bia “Hậu thần bi ký”.

Bia có hai mặt đều khắc chữ Hán chân phương, đặc trưng của thời Lê Trung Hưng. Mặt trước bia có 19 dòng, phía trên lòng bia có chữ “Hậu thần bi ký”. Nó cho ta biết đây là bia hậu thần. Giá hậu được nói trong bia là chính ông Hoàng Khắc Dòng và phu nhân là bà Phạm Thị Lềnh. Cả hai người đều là những người “...đàn ca hòa hợp, nên cửa nên nhà, đức tỏa ngàn cành, thiện căn vạn giống, sẻ liệng giỏ hoa, kiến bò rường trúc, khắc ghi đốc thúc, vận khí nguyên hanh, muôn tượng an lành, ngọc rồng sáng quắc, buồng lan khởi sắc, lời phượng tuôn châu,...”.

Và hơn hết, họ chính là Mạnh Thường Quân của làng quê Thu Lũng “Năm Quý Dậu, bản thôn có việc, ông xuất của nhà sáu vạn, thấy ân huệ mà rộng duyên lành, vin cành thắng quả, long kính chiếu soi. Tượng thần và tiền đường của đền miếu làng ta trước nay bị hư phế, nhờ vậy mà được làm mới. Tuy có tâm tốt làm thiện nhưng không phải là để cầu mong sự báo đáp”. Vì thế, ông bà được dân làng bầu làm hậu thần và khắc bia đá để ghi nhớ sự kiện này: “Lúc ấy, trên dưới trong làng cùng nhau bầu ông làm hậu thần, để báo đáp công lao quỳnh đào....

Dân làng nhân đó được vui mừng báo đáp thịnh đức, cùng dựng bia tốt và khắc ngày tháng nghi thức điển lễ phụng thờ, vả muốn phô bày sự tích để lưu truyền mãi mãi”. Mặt sau tấm bia có 26 dòng, khắc tên các vị hương hào lý dịch trong làng; vị trí và diện tích các thửa ruộng mà ông Hoàng Khắc Dòng dâng cúng cho làng; các quy định về việc thờ hậu khi hậu còn sống và sau khi hậu trăm tuổi. Điều đáng tiếc là mặt sau tấm bia có nhiều chữ ghi tên các xứ đồng đã bị đục mất. Làm mất đi một nguồn tài liệu quý để nghiên cứu địa danh hành chính của địa phương thời Lê Trịnh.

Văn bia này thuộc thể “Bia hậu”, một loại văn bản đặc biệt vừa mang tính chất kỷ niệm lại vừa mang tính chất một bản khế ước, hợp đồng ký kết giữa cộng đồng làng xã với một cá nhân được khắc trên đá để lưu truyền muôn đời sau. Tấm văn bia “Hậu thần bi ký” này lại do một người rất nổi tiếng đương thời là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn tặng. Hàng chữ cuối ở mặt trước tấm văn bia có ghi rõ “Tứ Mậu Thìn khoa đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh, Hoằng tín đại phu, Thượng bảo tự khanh, Thạc Đình cư sĩ Nguyễn Huy Oánh soạn văn”.



Nhà thờ họ Hoàng tại xã Nghi Thu.

Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, quê ở làng Trường Lưu, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), tự là Thư Hiên, hiệu là Thạc Đình. Khoa thi Mậu Thìn (1748), ông đã đỗ Đình Nguyên, đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức đỗ Thám hoa, đứng thứ ba trong hàng tam khôi). Nguyễn Huy là một dòng họ thế phiệt của mảnh đất Hồng Lam, đã từng có nhiều người đỗ đạt, nhưng Nguyễn Huy Oánh mới là vị đại khoa đầu tiên và sáng chói nhất của dòng họ Nguyễn đất Trường Lưu.

Sinh thời, Nguyễn Huy Oánh cùng với anh là Nguyễn Quýnh cùng nổi tiếng thơ văn trong Văn phái Hồng Sơn. Ông không những là tác gia mở đầu dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, mà còn là một trong các tác gia tiêu biểu của thế kỷ XVIII. Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Huy Oánh được bổ làm Thị giảng trong phủ chúa kiêm chức Hàn lâm viện Thị chế. Ông từng là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm, cũng là người thầy đào tạo ra hàng chục vị khoa bảng nổi tiếng khác trong lịch sử. Ông lần lượt giữ các chức: Tả thị lang bộ Lại, Đông các Đại học sĩ, Đô ngự sử, Chánh sứ bộ sang nhà Thanh, sau đó thăng đến chức Thượng Thư bộ Hộ, tước Thạc Lĩnh bá…

Khi soạn bài văn bia cho làng Thu Lũng, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đang giữ chức Hoằng tín đại phu, Thượng bảo tự khanh. Mời được một vị quan lớn có danh giá, đức cao vọng trọng để soạn văn bia quả thật là niềm vinh hạnh lớn của dòng họ Hoàng, cũng như toàn thể dân thôn Thu Lũng. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh là một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt Nam thế kỷ XVIII với nhiều tác phẩm đồ sộ. Ngoài những tác phẩm còn lại tới ngày nay, vẫn còn rất nhiều di văn khác của ông rải rác trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước chưa được tìm thấy. Việc phát hiện bài văn bia tại thôn Thu Lũng, xã Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu về các tác phẩm của Nguyễn Huy Oánh, làm phong phú thêm kho tàng văn học nước nhà!


Tử Quang – Quảng Phước