Khách hàng khó xử

21/10/2013 17:06

(Baonghean) - Kinh tế thị trường phát triển, có rất nhiều cách tiếp thị để tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm. Người ta tiếp thị bằng cách bán trả góp, bảo hành sản phẩm, bằng cách có khuyến mại "mua ba, biếu một", có khi núp dưới chiêu bài từ thiện...

Sách, báo, tạp chí cũng là hàng hóa. Đội ngũ tiếp thị sách, báo, tạp chí cũng khá đông đảo. Có khi người ta mang đến tận cơ quan, trường học quảng bá, giới thiệu; có khi có những cuộc điện thoại từ một Học viện, một Nhà xuất bản hoặc từ ban này, ngành nọ của Trung ương (chưa chắc đã đúng) vừa giới thiệu vừa "chỉ đạo" để đăng ký mua càng nhiều càng tốt. Họ sẵn sàng gửi qua đường bưu điện, nếu mua nhiều còn có hoa hồng cho người đặt hàng. Có khi người ta nhờ cấp trên cấp giấy giới thiệu, làm công văn gửi cho cấp dưới, gọi điện thoại can thiệp, hoặc mua xong lại ký, đóng dấu vào sổ của người bán hàng... Lại còn có kiểu trước các ngày lễ, Tết hoặc ngày truyền thống của địa phương, đơn vị nào đó thì cử người đến mời viết bài, quảng cáo, đặt mua...

Đã có những địa phương, đơn vị do nể mà mua. Có những cuốn sách giá ba, bốn trăm nghìn đồng, không thiết thực, mua rồi chỉ để trang trí. Đã có những trang quảng cáo vô bổ, nếu không có thì còn hay hơn nhưng vẫn phải chi tiền. Trong khi đó, những sách báo, tạp chí, tài liệu phải mua theo quy định, rất thiết thực thì lại không có (!).

Tiếp thị là một hoạt động bình thường. Người có hàng hóa, sản phẩm thì quảng bá, giới thiệu chứ không phải là "ép mua". Vấn đề là những khách hàng cần tỉnh táo để xử lý. Khi những sách, báo, tạp chí thực sự thiết thực với mình, đơn vị mình, có khả năng chi trả,... thì mua là đúng. Nếu chỉ vì nể, mua "để trang trí" thì đó cũng là một sự lãng phí đáng trách.

Các cơ quan cấp trên cũng nên cẩn thận khi giới thiệu, chỉ nên làm công văn cho cấp dưới đối với các loại sách, báo, tạp chí bắt buộc theo quy định, còn nữa để cho khách hàng tự lựa chọn, không để khách hàng "khó xử".

Anh Đặng