Những ngày sôi động nhất...
(Baonghean) - Năm nay cụ đã 94 tuổi. Vào cái tuổi xưa nay hiếm, trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử và của chính cuộc đời mình, cụ vẫn nhớ rõ cái khúc chuyển giao đầy bão táp ngày giác ngộ và tham gia cách mạng...
Cụ Trần Ngọc Cởn (94 tuổi), cán bộ lão thành
cách mạng ở Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu.
Cụ Trần Ngọc Cởn, sinh năm 1920, hiện là người cao tuổi nhất ở làng Tân Xuân, Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu. Gặp cụ Cởn trong lúc cụ đang mải mê giải mấy bài toán đố, toán logic, ô chữ… của tạp chí Tài hoa trẻ, tôi không khỏi ngạc nhiên. Còn cụ bình thản bảo: “Già rồi, con cháu không cho làm chi nữa, nên ngồi giải cho vui...”. Nhắc lại những năm tháng tiền khởi nghĩa, cụ mỉm cười: “Có lẽ, bởi nó là sự kiện lớn lao nhất mà tôi từng trải qua trong đời, hoặc cũng có thể bởi người già thì thế, càng nhiều tuổi, lại càng hay nhớ về chuyện ngày xưa, nhớ rất rõ. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn kể lại cho con cháu nghe”.
Xã Quỳnh Thuận năm xưa là vùng muối nổi tiếng khắp huyện, đời sống người dân cơ cực, lam lũ nhất, không chỉ bởi cái nghề mồ hôi còn mặn hơn muối, mà còn bởi sưu cao, thuế nặng, bóc lột tàn bạo của phong kiến thực dân. Nhưng nơi đây cũng chính là “cái nôi cách mạng” của huyện Quỳnh Lưu, nơi sớm bùng phát những cuộc đấu tranh quyết liệt của bà con để đòi độc lập, tự do, cơm áo.
Cậu bé Cởn ngày ấy chưa đầy 10 tuổi, nào hay biết gì về những chuyến biến lịch sử đang âm thầm sôi sục ngay tại quê hương mình, chỉ biết được bố mẹ cho đi học chữ Quốc ngữ, học tiếng Pháp tại ngôi trường Tân học ở làng Thanh Sơn (Sơn Hải). Trong ký ức non nớt của cậu bé làng biển lần đầu tiên đi học, gặp thầy, gặp bạn, đó là những ngày tháng thật kỳ diệu, mở ra bao điều lạ lẫm, mới mẻ. Và đặc biệt là ấn tượng về người thầy giáo đức độ, hiền lành, học rộng Nguyễn Đức Mậu – vừa là người sáng lập ra ngôi trường, vừa làm hiệu trưởng và dạy học, sau này là Bí thư Đảng bộ đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu, và ngôi trường Tân học là cơ sở truyền bá sách báo tiến bộ, đào tạo cán bộ cách mạng, là nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Quỳnh Lưu.
“Lớp học ngày đó khoảng hơn 30 người, trẻ con 7, 8 tuổi như tôi đi học rất ít. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ ở trước cổng trường thầy Nguyễn Đức Mậu cho treo đôi câu đối: “Làng xưa xây đắp nền tân học/ Trường mới vun trồng cụm thiếu niên”, vẫn nhớ thầy chưa từng quở mắng bất kỳ học sinh nào, dạy chúng tôi rất nhiều về đạo nghĩa, về lòng yêu nước. Thầy dặn dò các con sau này phải luôn giữ vững lòng trung thực, thật thà, biết yêu thương cha mẹ, đồng bào, biết bảo vệ quê hương… Nhưng lúc đó, tôi chưa biết thầy là người hoạt động cách mạng”, ông Trần Ngọc Cởn nhớ lại.
Thì ra, ngôi trường ấy, ban ngày là dạy và học, ban đêm tổ chức đọc sách báo: Tiếng dân, Thực nghiệp, Tân thế kỷ, Thần chung, Phụ nữ Tân văn và một số sách của Nhà xuất bản Quan Hải Trùng Thư; những tác phẩm tuyên truyền đường lối chủ nghĩa Cộng sản như Những người khốn khổ, Ruồi trâu… Trong trường học, các hội đọc sách báo được thành lập gồm có thầy Chánh Yên, cố Cựu Sơn, Đào Quang, Đồ Triển, Lý Triển, Phó Đào, Tuần Tương, Vũ Năm, Hồ Thanh, Vũ Đình Liên… tham gia, sau này đều trở thành những cán bộ chủ chốt trong phong trào cách mạng của huyện Quỳnh Lưu. Thầy giáo Nguyễn Đức Mậu luôn tìm cách hướng các học trò của mình quan tâm đến chuyện thế sự như tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái, phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu...
Ngoài việc dạy học, Nguyễn Đức Mậu còn tổ chức Hội giảng báo, Hội khuyến giới hữu,... nhằm tìm gặp và tập hợp thanh niên tiến bộ trong vùng bồi dưỡng những hạt nhân cách mạng nòng cốt cho phong trào đang nhen nhóm ở vùng quê biển này. Đằng sau “vỏ bọc” của một ngôi trường tư thục dạy chữ, “thầy Nguyễn Đức Mậu là một người đáng kính, và tôi vẫn đinh ninh thầy đang làm một việc gì rất quan trọng, bởi thỉnh thoảng thầy và mấy anh trong lớp lại “đi vắng” vài ngày. Sau những lần thầy đi vắng như thế, trong Tổng (Tổng Thanh Viên gồm các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Sơn Hải, Quỳnh Thọ bây giờ) lại có những cuộc biểu tình rầm rộ của bà con”.
Trước cửa đình Tám Mái (Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu), nơi diễn ra những cuộc biểu tình rầm rộ trong thời kỳ Xô-viết Nghệ Tĩnh.
Ngày đó, Quỳnh Thuận là tâm điểm, là nơi diễn ra nhiều hoạt động biểu tình, đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, thu hút hàng trăm người tham gia từ các xã khác trong huyện Quỳnh Lưu. Nơi đây không chỉ có nông dân, mà còn có diêm dân. Đời sống bà con ai cũng vô cùng cơ cực, nên sớm có tinh thần đấu tranh quyết liệt, đến cùng. Đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 20/6/1930, đúng phiên chợ ở Quỳnh Thuận, nhân dân cả vùng có khoảng gần 300 người từ các ngả đường đổ về chợ Đình diễu hành đấu tranh. Lá cờ đỏ sao vàng được treo phấp phới trên ngọn cây đa, bà con tay cầm băng rôn, khẩu hiệu kéo về huyện lỵ.
Cụ Cởn hào hứng kể: “Ngày hôm đó, thật không thể nào quên được. Tôi thấy nhiều nhà trong xã cả đêm không ngủ, nhiều người từ nơi khác cũng đổ về từ sáng sớm, chúng tôi tự biết được nghỉ học và đứng xem đoàn biểu tình kéo đi. Lúc đó tôi biết đọc, biết viết rồi, vẫn nhớ rõ những khẩu hiệu đòi tăng giá muối, để cho dân làm muối đưa một số muối về dùng, không được tùy tiện vào nhà khám muối, được tự do đổ nước, cạo muối, không đánh đập và suýt chó cắn dân làm muối, phải thả tù chính trị ở các nơi…”.
Cuộc biểu tình thành công, nhân dân đòi được một số quyền lợi, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng nơi đây, hòa chung với cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh rầm rộ quyết liệt trong toàn tỉnh. Nhưng Trần Ngọc Cởn mấy hôm sau đi học chẳng thấy thầy giáo Nguyễn Đức Mậu ở đâu nữa. Mấy cậu học trò đứng loay quay ngoài cửa lớp, chẳng hiểu sao thầy lại đi vắng lâu hơn bình thường. Thấy vậy, những nhà ở xung quanh mới nói nhỏ cho biết, hôm qua thầy bị lính đến trói lại rồi giải đi đâu không rõ. Bọn mày về đi thôi. Nghe xong, ai nấy hốt hoảng, không dám tin, hôm sau vẫn hẹn nhau tới lớp với hi vọng có thầy ở đó, nhưng phòng học bị phá dỡ tan tành. “Vậy là thầy bị bắt đi thật rồi, chúng tôi mất thầy, mất lớp, không còn ai dạy học nữa”.
Lúc đó, dù chưa trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh nào, cái không khí cách mạng sục sôi ngay tại quê hương đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí cậu bé đang lớn. Sự khốn cùng của người dân, những hi sinh mất mát của các thầy khiến cậu sớm hình thành ý chí chống giặc ngoại xâm. Và những gì được học, cả từ trong sách vở và thực tiễn xảy ra được chứng kiến ngay trên quê hương mình, đã nuôi dưỡng trong Trần Ngọc Cởn tinh thần của một người tình nguyện đi theo con đường cách mạng.
Năm 1931, tại Quỳnh Thuận lại tiếp tục diễn ra một cuộc đấu tranh nữa, nhân dân khắp vùng tập trung về núi Bà Bà nghe diễn thuyết, rồi kéo về tận huyện lỵ ở Tiên Điền (xã Quỳnh Bá). Cuộc biểu tình thất bại, do lực lượng địch còn quá mạnh. Sau đó, phong trào đấu tranh đi xuống thoái trào bởi khủng bố trắng, dần dần đi vào hoạt động bí mật. Trần Ngọc Cởn cũng khăn gói vào Vinh, tiếp tục việc học của mình. Nhớ lại những bài học đầu đời được học tại ngôi trường làng, cậu học sinh đọc nhiều sách báo, tham gia nhiệt tình vào các phong trào chung của nhà trường, tổ chức các buổi mít-tinh đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Năm 1941, khi Nhật nhảy vào nước ta, thi hành một loạt chính sách phát xít, các trường học ở Vinh bị đập phá hoàn toàn… Trần Ngọc Cởn cho biết, lúc này chẳng thể ở lại Vinh được nữa, phải trở về quê nhà, nơi đó chắc chắn có nhiệm vụ cho mình. Nơi đó, bà con diêm dân đang oằn mình một cổ đôi tròng, hạt muối bị cướp trên tay, người thầy năm nào bị bắt đi và hi sinh kiên cường, bất khuất, những bài học yêu nước, thương nòi vẫn chưa bao giờ quên, ý chí căm thù sục sôi khi những đòn roi vụt tới tấp trên lưng người dân lương thiện… Nơi đó, lá cờ tung bay trên ngọn cây đa giữa làng vẫy gọi.
Tháng 8/1945, các xã Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Quỳnh Thọ… liên tiếp đầu tiên nổi dậy giành chính quyền thành công ở huyện Quỳnh Lưu. Cái nôi cách mạng năm xưa, nơi bùng phát những cuộc đấu tranh quyết liệt những năm 1930 - 1931, dù bị đàn áp và dập tắt tàn bạo, đã để lại nhiều bài học ý nghĩa, để lại một lớp hậu sinh được đào tạo và sớm giác ngộ, tiếp tục hoạt động đấu tranh bền bỉ cho ngày chiến thắng.
Cụ Trần Ngọc Cởn sau đó đã được bầu làm Bí thư Đảng bộ xã Thuận Hóa (Quỳnh Thuận hiện nay) và nhiều chức vụ khác trong huyện cho đến ngày về hưu. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tuy không ra trận nhưng cả 2 người con trai của cụ đều tham gia bộ đội, và người con trai đầu đã anh dũng hi sinh… Nhìn vào cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay, cụ nhắc với con cháu: “Phải biết trân trọng và phấn đấu cho quê hương đất nước thật hết mình, như cách sống của ông cha ngày trước!”.
Hồ Lài