Doanh nghiệp châu Âu: Đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam

16/09/2013 17:46

Kết quả cuộc khảo sát về chỉ số kinh doanh (BCI) của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, mức độ tin cậy của doanh nghiệp (DN) châu Âu về thị trường Việt Nam vẫn duy trì. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Preben Hjortlund- Chủ tịch EuroCham- xung quanh vấn đề này.

Kết quả cuộc khảo sát về chỉ số kinh doanh (BCI) của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, mức độ tin cậy của doanh nghiệp (DN) châu Âu về thị trường Việt Nam vẫn duy trì. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Preben Hjortlund- Chủ tịch EuroCham- xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết kết quả cuộc khảo sát BCI lần thứ 12 của EuroCham thực hiện trong quý III/2013 tại Việt Nam như thế nào?

Kết quả BCI quý III không giảm, cho thấy lòng tin của các DN châu Âu tại Việt Nam không bị giảm sút. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang phải đối mặt với một số vấn đề về nợ xấu, hoạt động thiếu hiệu quả của khu vực DNNN, tạo nên rào cản cho sự tăng trưởng GDP. Do vậy, Việt Nam khó có thể tạo ra được sự thay đổi vượt bậc trong ngắn hạn. Ngoài ra, môi trường đầu tư của Việt Nam đang phải cạnh tranh với một số thị trường đang nổi về thu hút đầu tư trong khu vực ASEAN như Indonesia, Myanmar...

Xét về dài hạn, triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện với lượng phản hồi tích cực tăng lên 51% trong quý III so với mức 43% của quý II và 30% của quý I/2013. Đây là một minh chứng cho thấy các DN châu Âu vẫn cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam, hy vọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh từ kết quả của Phiên rà soát chính sách thương mại của Việt Nam tại WTO trong tháng 9/2013 và lòng tin vào Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam nên có thông điệp rõ ràng cho thấy các DN châu Âu luôn được chào đón tại Việt Nam và sẵn sàng lắng nghe để cùng cộng đồng DN giải quyết những vấn đề khúc mắc.

Được biết, có 1/5 số DN phản hồi đã cân nhắc việc chuyển kinh doanh sang thị trường ASEAN khác. Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh với các thị trường đó, thưa ông?
ASEAN là khu vực phát triển rất quan trọng đối với nhiều DN châu Âu. ASEAN đang hướng tới hoàn thiện xây dựng một cộng đồng chung thống nhất vào năm 2015. Theo tôi, Việt Nam nên có thông điệp rõ ràng cho thấy các DN châu Âu luôn được chào đón tại Việt Nam và sẵn sàng lắng nghe để cùng cộng đồng DN giải quyết những vấn đề khúc mắc.

Có tới 80% DN châu Âu phản hồi chưa cân nhắc việc chuyển dịch kinh doanh sang thị trường khác. Theo quan điểm của ông, môi trường đầu tư của Việt Nam có sức hút gì lớn?

Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào nên đã trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Điều này cũng gần giống như Hàn Quốc hay một số nước EU trong giai đoạn bùng nô dân số...

Chúng tôi hy vọng Việt Nam và EU sẽ sớm có Hiệp định Thương mại tự do toàn diện, khi đó, Chính phủ sẽ giải quyết được những vấn đề mà cộng đồng DN băn khoăn, vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ tăng cả lượng và chất. Các DN châu Âu sẽ ngày càng coi trọng vị trí của Việt Nam trong ASEAN.

Xin cám ơn ông!


Theo baocongthuong-P.H