Hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân

01/07/2013 10:08

Từ 1/7/2009,  Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực và ngày 1/7 cũng được chọn là ngày BHYT Việt Nam. Qua 4 năm đi vào thực hiện, luật đã từng bước đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của người dân và   góp phần phần quan  trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội… Với ý nghĩa đó, Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới mục tiêu “BHYT toàn dân” vào năm 2020.

(Baonghean) - Từ 1/7/2009, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực và ngày 1/7 cũng được chọn là ngày BHYT Việt Nam. Qua 4 năm đi vào thực hiện, luật đã từng bước đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của người dân và góp phần phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội… Với ý nghĩa đó, Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới mục tiêu “BHYT toàn dân” vào năm 2020.

Có thể thấy rõ điều đó qua chủ đề mà Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đưa ra trong các năm nhân ngày BHYT Việt Nam. Nếu như trong năm đầu tiên khi Luật BHYT đưa vào thực hiện, chủ đề chỉ mới dừng lại ở “Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh”, thì sau đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã lấy mục tiêu “BHYT toàn dân” làm chủ đề chính. Riêng năm 2013, chủ đề được chọn là "Thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân". Song song với đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức triển khai Đề án: “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”. Mục tiêu chính là: mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế.



Tuyên truyền về BHYT tự nguyện cho người dân
tại Trạm Y tế Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc)

Tại Nghệ An, trước khi Luật BHYT có hiệu lực, công tác cấp, phát thẻ và khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT cũng đã được chính quyền, các ban ngành và các địa phương hết sức quan tâm. Sau ngày 1/7/2009, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác đóng BHYT và chính sách BHYT. Như trong năm 2012, BHXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 6950/UBND-TM ngày 04/10/2012 tăng cường quản lý mua, cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng được Ngân sách Nhà nước đảm bảo, Giám đốc BHXH tỉnh ban hành Quyết định số 516/QĐ – BHXH phê duyệt phương án in, cấp thẻ BHYT với các giải pháp cụ thể để đảm bảo mục tiêu thẻ BHYT đến với người được cấp thẻ trước thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng và khắc phục tình trạng thẻ BHYT bị trùng, bị mờ, sai thông tin. Nghệ An cũng là tỉnh làm tốt nhất của khu vực Bắc Trung bộ trong việc triển khai thẻ BHYT cho hộ cận nghèo theo chính sách của Nhà nước và Dự án Hỗ trợ y tế Bắc Trung bộ.

Nhờ có các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là nhờ huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT, đến nay trên toàn tỉnh có trên 2 triệu người có thẻ BHYT (chiếm khoảng 65%), trong đó số đối tượng là cán bộ, hưu trí, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đạt trên 90%. Cùng với việc cấp thẻ, những năm trở lại đây công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh y tế cũng ngày càng được quan tâm với đội ngũ y bác sỹ có tay nghề cao, cơ sở vật chất hiện đại. Việc cấp thẻ BHYT nhìn chung đảm bảo đầy đủ, kịp thời, tạo thuận lợi cho người tham gia được khám chữa bệnh và thanh toán theo quy định.

Có được những thành công trên, nhưng nhìn nhận vào thực tế, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020 trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều thách thức. Đó là tỷ lệ người dân đóng thẻ BHYT tự nguyện còn thấp, số lượng mua thẻ BHYT trong đối tượng học sinh, sinh viên có xu hướng giảm, việc phối hợp với các ngành liên quan trong việc xác định và quản lý đối tượng tham gia BHYT chưa tốt, chưa chặt chẽ. Trước thực tế này, thời gian tới BHXH tỉnh Nghệ An sẽ phải triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng chỉ tiêu bao phủ thẻ BHYT ở tất cả các nhóm đối tượng. Về chính sách, ngoài các chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh cũng sẽ đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào các chương trình phát triển xã hội của tỉnh, trong chương trình phát triển nông thôn mới, triển khai các chương trình y tế, các đề án về giảm quá tải bệnh viện, đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Với những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, sẽ vận động tham gia và tổ chức các đại lý bảo hiểm bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận thông tin và thuận lợi trong quá trình tham gia; xây dựng cơ chế thu đóng BHYT về thời gian, hình thức thu phù hợp với các hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với học sinh, sinh viên của nhà trường, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các phòng giáo dục, các nhà trường, điều chỉnh, bổ sung văn bản, hướng dẫn lập danh sách, bàn giao danh sách cho trẻ dưới 6 tuổi giữa UBND các xã, phường, thị trấn với Phòng Lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan BHXH, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT…

Qua nhiều năm đi vào thực hiện, tính ưu việt của chính sách BHYT đã được đông đảo người dân ghi nhận qua các đợt khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thu BHYT đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, hỗ trợ tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Thúc đẩy tiến trình BHYT toàn dân đang được Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội Nghệ An xem là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong các năm tới, coi đó là con đường ngắn nhất để thực hiện việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Để mục tiêu đó sớm hoàn thành, cần hơn nữa sự vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương, sự tin tưởng và ủng hộ của đông đảo nhân dân.


Bài, ảnh: Mỹ Hà