Dấu ấn một con người
(Baonghean) - Sẽ là một ngày Thu như bao ngày Thu khác, nếu như chúng tôi không có cảm tưởng rằng trên con phố Quang Trung đã quen nhịp tất bật, chảy trôi của dòng người đi về này, mọi thứ dường như đang chậm lại. Và chúng tôi đã đứng lặng trước ngôi nhà 132, phố Maréchal Foch của Thị xã Vinh xưa, giờ đây là Khu nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với mong mỏi được hiểu, được nhớ về một con người đã trở thành một phần đời thiêng liêng, không thể nào thay thế của vị Đại tướng huyền thoại mới đi xa...
(Baonghean) - Sẽ là một ngày Thu như bao ngày Thu khác, nếu như chúng tôi không có cảm tưởng rằng trên con phố Quang Trung đã quen nhịp tất bật, chảy trôi của dòng người đi về này, mọi thứ dường như đang chậm lại. Và chúng tôi đã đứng lặng trước ngôi nhà 132, phố Maréchal Foch của Thị xã Vinh xưa, giờ đây là Khu nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với mong mỏi được hiểu, được nhớ về một con người đã trở thành một phần đời thiêng liêng, không thể nào thay thế của vị Đại tướng huyền thoại mới đi xa...
Quang Thái, chiến sỹ cộng sản kiên trung
Anh Lê Ngọc Thịnh, cán bộ phụ trách Nhà Lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Thật ra, có nhiều du khách biết bà Quang Thái là vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng không biết bà là người Nghệ An, là em gái của Nguyễn Thị Minh Khai. Khi vào đây, nhìn thấy ảnh và nghe giới thiệu thì mới biết. Bà Quang Thái là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, một người vợ son sắt, thủy chung, một người mẹ hết lòng yêu thương con, ai biết tới cũng quý mến, nể phục”.
Và khi đứng trước ngôi nhà 132 phố Maréchal Foch xưa của cụ Hàn Bình, chúng tôi như nghe thấy “những buổi ngày xưa” ấy, vọng về. Chính tại nơi này, hai người con gái giỏi giang, kiên cường được lưu tên trong sử sách của cụ Hàn đã chào đời. Chính tại nơi này, những trang sách đã mở ra cho Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai) một chân trời mới, là nơi tiếng xôn xao của tờ yết thị dán ở nhà Ga Vinh về tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái đã thức dậy tinh thần yêu nước và lòng quyết tâm của Nguyễn Thị Minh Khai tìm đến cách mạng, là nơi Quang Thái thức chờ chị hàng đêm, nhẹ nhàng ra mở cửa cho chị mình những khi Minh Khai đi họp cùng tổ chức. Quang Thái, người em gần gũi, hiểu chị Minh Khai nhất, cũng là người được chị dìu dắt theo cách mạng, bắt đầu bằng việc tham gia tổ chức Học sinh đoàn của Đảng Tân Việt, từ những ngày ấy...
Trong ký ức những người bạn học, bạn tù, những người em trong gia đình thì Quang Thái rất xinh, với đôi mắt to, nước da trắng trẻo. “Trong nhà, Thái được thầy đẻ thương yêu. Ở trường, các bạn ai cũng quý mến Thái. Tính tình Thái hiền hậu, hay thương những người nghèo khổ” (Bích Thuận - “Hai chị em liệt sỹ Minh Khai - Quang Thái”). Những ngày đi học trung học tại Huế: “Quang Thái không phấn son, diêm dúa như một số ít nữ sinh trong trường. Thái giản dị, lẳng lặng. Bài làm của Thái luôn có điểm 10, điểm 9 về tất cả các môn học, nhưng Thái vẫn kín đáo” (Nhật ký “Một thời niên thiếu” của Nguyễn Khoa Diệu Hồng - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội).
Quang Thái vừa say mê học tập, vừa hăng hái hoạt động trong nhóm nữ sinh yêu nước. 16 tuổi, người con gái nhỏ nhắn ấy bị Pháp bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ. Trong bài thơ cảm tác đêm giao thừa năm 1931, chị đã viết “Quyết chí hy sinh, thây kệ chết/ Dốc lòng tranh đấu mặc đầu rơi”. Bài thơ đầy khí phách ấy được truyền đi khắp nhà lao.
Khi được tin chị gái Minh Khai bị giặc Pháp kết án tử hình, Quang Thái lặn lội vào tận miền Nam để đấu tranh cho chị, nhưng không được. Nghe lời chị Minh Khai dặn, Quang Thái ăn mặc thật đẹp để bọn chúng không thể khinh thường.
Cũng tại con phố Maréchal Foch này , năm 1942, khi đang trong 3 ngày chịu tang cha, Quang Thái bị bắt vì tội “làm cộng sản”. Tại Sở Mật thám Vinh, những kẻ tra tấn hòng moi tin tức từ bà nhưng chỉ nhận được những lời nguyền rủa. Người phụ nữ gan góc ấy đã bị đưa ra Nhà giam Hỏa Lò với chế độ lao tù khắc nghiệt. Khi bị đưa ra xét xử tại tòa án binh, Quang Thái vẫn hiên ngang tự bào chữa cho mình và cho các đồng chí:
- Người Pháp nói hòa bình, dân chủ, tự do. Chúng tôi là những người yêu nước, muốn độc lập, tự do cho Tổ quốc, mà lại bị bắt bớ, tra tấn tàn ác. Vậy hòa bình - tự do ở đâu?
Tại nhà tù, Quang Thái ở Ban Ngoại giao, dạy cho chị em học chữ, học tiếng Pháp, hướng dẫn chị em đấu tranh bằng thơ, diễn kịch, tuyệt thực phản đối chế độ ăn uống... và sẵn sàng lên tiếng bảo vệ chị em. Thấy cai ngục dùng gậy để “điểm danh”, ai không khoanh tay trả lời thì bị đánh, Quang Thái đã đứng lên phản đối hùng hồn bằng tiếng Pháp: “Bà không được làm vậy, như thế là rẻ rúng và khinh miệt người tù”. Bọn cai ngục dù hắc ám, tàn bạo nhưng hết thảy đều kính nể người phụ nữ ấy không chỉ vì tinh thần thép mà từ bà còn tỏa ra ánh sáng của văn hóa. Khi Quang Thái hy sinh vì đòn roi quân thù và chế độ nhà tù khắc nghiệt, cả nhà giam đã lặng đi để òa vỡ trong nỗi đau khôn cùng!
Người yêu, người vợ, người mẹ…
Ngày 29/3/2005, khi cùng con gái Hồng Anh đến thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi trong sổ lưu niệm: “Đảng, nhân dân và Tổ quốc Việt Nam đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, đồng chí và đồng bào đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, trước chính sách vô cùng tàn bạo của bọn đế quốc và tay sai, để chúng ta có được ngày nay. Nhớ mãi hương hồn của các cụ, các đồng chí, các anh chị. Nhớ mãi hình ảnh của Quang Thái, người vợ, người mẹ của chúng tôi”. Trong chỉ một câu giản dị ấy, nhưng đã gói ghém bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm của Đại tướng với tình yêu tuổi thanh xuân, với người vợ đầu của mình. Mối nhân duyên ấy tuy ngắn ngủi, nhiều trắc trở, buồn đau vì cảnh đất nước lầm than, nhưng đầy lý tưởng đẹp đẽ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ
Cuộc gặp gỡ giữa Quang Thái và Võ Nguyên Giáp có thể nói là định mệnh. Trên chuyến xe lửa Hà Nội - Vinh - Huế, Quang Thái từ nhà vào Huế để nhập học tại Trường nữ sinh Đồng Khánh, còn Võ Nguyên Giáp đang trên đường công tác trở về Huế. Cô gái với dáng vẻ dịu hiền, gương mặt trái xoan, nhưng đôi mắt cương nghị, thông minh đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người cán bộ cách mạng trẻ tuổi. Nhưng công việc bận rộn, khiến anh quên bẵng đi cuộc gặp gỡ trên tàu, cho đến một hôm, có cô gái gõ cửa phòng tìm anh nộp giấy sinh hoạt đảng. Một lần nữa bắt gặp đôi mắt ấy, khiến anh sững sờ, thảng thốt. Xem giấy giới thiệu, Võ Nguyên Giáp mới biết Quang Thái là em gái chị Minh Khai, nhớ lại hôm ở cơ quan Liên Tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh, cán bộ phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Mối cảm tình ấy, Võ Nguyên Giáp đã giữ mãi trong lòng, về sau ngày càng nảy nở.
Những ngày Quang Thái tham gia nhóm nữ sinh yêu nước bị bắt cũng là lúc Võ Nguyên Giáp hoạt động cũng bị bắt rồi bị giam vào nhà lao Thừa Phủ. Đi ngang qua trại giam nữ, Võ Nguyên Giáp giật mình thấy Quang Thái. Tình yêu của 2 người đã bắt đầu từ lòng cảm phục lẫn nhau, từ chung một lý tưởng chiến đấu, cống hiến cho độc lập, tự do đất nước. Trong một bức thư của Quang Thái gửi cho người yêu, bà viết: “Tương lai với chúng mình khổ ư? Chúng ta có như ai mà mê giàu sang? Tinh thần, lý tưởng thì quyết bền vững, không như những thứ ái tình xốc nổi, yêu vì danh, lợi, tài, sắc”. Bà đã khẳng định lòng mình như vậy, và đã yêu, đã sống son sắt, thủy chung cho đến phút cuối của đời mình.
Năm 1935, Nguyễn Thị Quang Thái 20 tuổi, hai người tổ chức lễ cưới. Đó là một đám cưới chạy tang chuẩn bị gấp gáp vì bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh. Không kịp chuẩn bị áo cưới, chỉ có thật nhiều hoa mà Võ Nguyên Giáp mua từ Hà Nội về. Lễ cưới được tổ chức ở Vinh.
Quãng đời chung sống của Quang Thái và Võ Nguyên Giáp quá ngắn ngủi, 10 năm chồng vợ nhưng chỉ có 5 năm chung sống bên nhau ở Hà Nội. Năm 1940, Võ Nguyên Giáp phải ra đi hoạt động bí mật. Bà viết thư cho chồng: “Con Anh đã ngủ từ lúc 8h. Nó vừa giở mình nằm nghiêng như người lớn… Giáp có biết lúc ở ga về Thái nghĩ gì không?... Nhớ những lần Thái tiễn Giáp ở Vinh ra Hà Nội, vừa đi như đi 'trong mộng'. Thái không biết ai đi chung quanh mình nữa. Về ẵm con, tắm cho con rồi Thái bế nó đi rong trong nhà mãi. Nhà vắng, trời chiều, mẹ bế con rươm rướm nước mắt”. Quang Thái vừa chăm nuôi con gái Hồng Anh của hai người, vừa theo học Trường cô đỡ quốc gia, nhưng do phản đối một buổi chào cờ nhân ngày Quốc khánh Pháp, Quang Thái bị đình chỉ việc học, bị “trục hồi bản quán”. Quang Thái ôm con trở về nhà bố mẹ ở Vinh, vừa chăm lo cho gia đình, vừa nuôi con gái Hồng Anh mới được 2 tuổi, nhưng vẫn làm nhiệm vụ là đường dây liên lạc giữa Trung ương và Xứ ủy trong lúc quân thù khủng bố gắt gao nhất. Bà khắc khoải nhớ chồng, lo chọ sự bình yên của chồng. Em gái của Quang Thái, bà Minh Hiên đã kể về những ngày tháng ấy: “Tôi thấy chị Thái nhiều hôm giặt quần áo xong, mang lên sân thượng phơi, chị thường đọc mấy câu thơ: “Chim hồng bay khắp đó đây/ Chim mang thư này gửi tới ba Anh”.
Khi Quang Thái bị bắt, bà đã không kịp hôn đứa con gái bé bỏng của mình dù cô em gái Minh Hiên đã cố gắng bế cháu chạy theo chiếc xe đến bắt bà. Trong những bức thư ngắn ngủi được gửi đi từ nhà tù về cho gia đình, cho con gái, giữa cảnh đói rét và tra tấn tàn bạo, vẫn không một lời than thở, mà tràn đầy yêu thương, hy vọng: “Mẹ có hỏi Hồng Anh, đố con biết tại ai làm mẹ xa con yêu quý của mẹ, con đã nghĩ ra chưa? Sao con không nhờ ông hay là ai đó trả lời cho mẹ. Hay là con không nghĩ ra. Thì mẹ nói vậy nhé, chính cái ô tô Tây làm mẹ xa con đó, cái ô tô Tây ấy đến đem mẹ đi. Mẹ giận cái ô tô lắm. Anh có tức giận ô tô ấy không? Anh lớn lên, Anh khỏe, Anh tài giỏi thì Anh đập nát cái ô tô Tây nó làm mẹ phải xa Anh, xa ba. Mẹ xa Anh 12 tháng rưỡi rồi. Anh cao lớn hơn khi mẹ ở nhà. Mẹ tưởng tượng là bà đưa ảnh ba mẹ cho Anh hôn. Mẹ hôn con 100 cái hôn của mẹ”.
Hơn một năm sau ngày Quang Thái hy sinh, tại cuộc họp Hội nghị quân sự Bắc kỳ ở Bắc Giang, Võ Nguyên Giáp mới hay tin. Vị chỉ huy quân sự cứng rắn ấy đã lặng người đi vì quá bất ngờ và đau xót. Bỏ dở cuộc họp sang buồng bên, những ký ức ùa về, ngày 2 người mới gặp nhau ở Huế, những lời hứa hẹn, đời chờ, hy vọng lúc chia tay, nghĩ đến con gái Hồng Anh… Và day dứt nhất là cuộc gặp gỡ trên đường Cổ Ngư (Hà Nội) vào một chiều tháng 5 năm 1940. Quang Thái bế Hồng Anh trên tay, đứng cạnh chùa Trấn Vũ, chỉ kịp nói với nhau vài câu vội vã, đã phải chia tay. Không ngờ rằng, phút chia tay ấy là vĩnh biệt. 5 năm xa cách bặt tin nhau, cái tin tức mong mỏi, đợi chờ, thấp thỏm về gia đình lại là cái chết của người vợ trẻ mới 29 tuổi.
Nỗi nhớ, niềm tin ở lại...
Trong khu lưu niệm, những gì còn sót lại của ngôi nhà nằm cuối ga Vinh xưa là cái rương gỗ sờn tróc, cái mâm đồng cũ phai màu, và bộ ấm, chén, bát đã sứt mẻ. Thời gian đã xóa nhòa đi rất nhiều thứ. Nơi đây, giờ chỉ còn hiện diện bóng dáng những chiến sĩ cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa gian lao qua từng bức ảnh đen trắng. Tấm hình Quang Thái chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bình yên nằm giữa những gương mặt ấy, cả hai đều còn rất trẻ…
Trong cái tĩnh lặng của không gian đầy ắp quá khứ buổi sáng ấy, chúng tôi gặp hai cụ già cùng dắt nhau vào thăm. Họ là đôi vợ chồng đã đi qua gần hết một cuộc đời, đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, đều là những người lính Điện Biên năm xưa, từ hôm nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất ngày nào cũng tìm về đây. Đó là ông Nguyễn Việt Sỹ (80 tuổi) và Nguyễn Thị Mỹ Cường (79 tuổi), hiện ở phường Quang Trung, TP Vinh.
Ông Nguyễn Việt Sỹ và bà Nguyễn Thị Mỹ Cường kể lại chuyện gia đình bà Quang Thái. |
Bà Cường kể: “Nhà tôi gần nhà bà Nguyễn Thị Minh Khai, vẫn đi lại qua đó suốt. Tôi vẫn nhớ đó là một ngôi nhà không lớn lắm, vừa đủ rộng, nằm cuối ga Vinh. Lúc còn bé, tôi và các bạn vẫn hay sang đó đi chơi. Hồi đó, phong trào cách mạng ở đây mạnh lắm, tôi cũng tham gia hoạt động rất sớm, từ hồi 15 tuổi đã đi dân quân, du kích, tham gia hội phụ nữ, việc chi cũng làm, không ngại. Được nghe rất nhiều lần câu chuyện về 2 bà Minh Khai – Quang Thái, về ông Lê Hồng Phong… xúc động lắm, nghe mãi không biết chán. Càng nghe càng thấy tự hào”. Sau này, toàn quốc kháng chiến, Vinh thực hiện chủ trương vườn không nhà trống, phá hủy rất nhiều công trình. Đường ray xe lửa bị dỡ, và ngôi nhà nằm ở cuối ga Vinh cũng trở thành đống gạch vụn nát. Thế nhưng, mỗi lần bước chân qua vị trí ngôi nhà đó, bà đều thấy trào lên niềm xúc động.
Bà kể, hồi nghe chuyện mối tình của bà Quang Thái và Tướng Giáp, bao nhiêu lớp thanh niên đều lấy làm ngưỡng mộ, trở thành tình yêu lý tưởng thời chiến. Bà cũng noi theo đó, mà xung phong lên tận Điện Biên Phủ chiến đấu, để được gần ông, để 2 vợ chồng cùng chia sẻ gian khổ, khó khăn.
Cách đây mấy hôm, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, 2 người lính già đã khóc. Năm xưa, nghe chuyện Quang Thái – Tướng Giáp họ đã khóc vì cảm phục, tự hào. Giờ đây, tóc đã bạc, họ khóc vì đã mất đi vị tướng suốt đời của mình. “Vẫn biết rằng sự mất mát rồi sẽ đến, nhưng khi nó đến rồi vẫn thấy sao mà khó bù đắp nổi”- ông Sỹ nói, rồi quay sang với bà Cường: “Người chẳng thể ở lại mãi với chúng ta, bởi cuộc sống này là hữu hạn. Nên hãy tin rằng đó không phải là một sự ra đi mà là sự trở về”. Trong đáy mắt người lính già ấy, chúng tôi như thấy niềm tin của ông: Người nằm xuống sẽ có đất mẹ ôm vào lòng, sẽ có biết bao người lính đã ngã xuống trên khắp mảnh đất Việt Nam này đón người chỉ huy vĩ đại, vị Tổng Tư lệnh quân đội, người Đại tướng suốt đời của họ ấy, và sẽ có cả những người thân đã ở đó từ lâu lắm rồi … Cuộc hội ngộ trùng phùng ấy, ắt hẳn cũng đầy cảm động thiêng liêng.
T.Vinh - T.Quỳnh